Ông Murray Hiebert từng có nhiều năm làm việc tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong vai trò phóng viên thường trú của FEER (Tuần báo Kinh tế Viễn Đông) và Wall Street Journal tại Hà Nội, Kuala Lumpur và Bắc Kinh. Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á là tác giả cuốn sách vừa được xuất bản “Under Beijing’s Shadow: Southeast Asia’s China Challenge” (tạm dịch: “Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức mang tên Trung Quốc của Đông Nam Á). |
- Cuốn “Dưới cái bóng của Bắc Kinh” của ông mô tả khá kỹ cách các nước ASEAN cố gắng cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Một mặt, họ ngày càng hướng đến Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt kinh tế, mặt khác họ thường xuyên trông cậy Mỹ về mặt an ninh. Nhưng chiến lược này liệu có còn khả thi trong bối cảnh hiện nay khi mà quan hệ Mỹ - Trung có nguy cơ rơi vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới?
Tôi không nghĩ “Chiến tranh Lạnh” là một thuật ngữ chính xác lắm để mô tả mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay bởi vì Trung Quốc không phải là Liên Xô trước kia.
Nhưng phải thừa nhận rằng, căng thẳng giữa hai bên đã thực sự leo thang đến mức chưa từng có nếu chúng ta thường xuyên theo dõi báo chí.
Chính quyền Trump đang gây áp lực khủng khiếp lên Huawei, và giờ là TikTok, Wechat và thậm chí là Alibaba sẽ là những cái tên mới trong danh sách mà ông Trump nhắm đến.
Một trong những câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần hiểu rõ là liệu những sức ép hiện tại của Mỹ đối với Trung Quốc có dẫn tới sự gián đoạn trong nền kinh tế toàn cầu hay không. Thực chất, tôi không nghĩ Mỹ có thể hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc vì hai nền kinh tế này phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ cao.
Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà chắc chắn Mỹ có thể thực sự tung “cú đấm” quyết định đối với Trung Quốc nếu Mỹ chọn làm vậy, đó là lĩnh vực công nghệ.
Bên ngoài một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh. (Ảnh: Bloomberg)
|
Trung Quốc hiện tại chỉ có năng lực sản xuất khoảng 9% nhu cầu các thiết bị bán dẫn mà họ cần cho những công ty tôi vừa kể ở trên. Họ phải nhập khẩu đến 40% thiết bị bán dẫn từ Mỹ.
Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn chủ chốt còn lại là Đài Loan và Hàn Quốc thì đều là đồng minh thân cận của Mỹ. Bởi vậy, nếu Mỹ cấm cung cấp các thiết bị bán dẫn cho các công ty Trung Quốc thì đây thực sự là cú đòn quyết định đối với ngành công nghệ của Trung Quốc.
- Quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Trong những tháng gần đây, chúng ta chứng kiến hàng loạt các quan chức cấp cao của Mỹ có những phát biểu và tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc. Nhiều người cho rằng do ông Trump có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc và cách tiếp cận hiện tại của Mỹ có thể thay đổi nếu ông Biden thắng cử tháng 11 tới đây?
Liệu Biden trúng cử thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thay đổi hay không? Tôi nghĩ là không. Bởi lẽ sự thất vọng đối với Trung Quốc hiện giờ là trạng thái phổ biến ở Mỹ.
Giới doanh nghiệp và chính giới Mỹ phẫn nộ với Bắc Kinh vì tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ tràn lan và gây sức ép buộc các công ty đầu tư vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cũng như trợ cấp cho các công ty nhà nước để họ có thể bán sản phẩm ở mức giá thấp hơn nhiều so với các công ty của các nước khác.
Hiện giờ, quan điểm đã đến lúc Mỹ cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng.
TikTok là ứng dụng từ Trung Quốc hiếm hoi đang rất phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Getty
|
Do đó, tôi không nghĩ rằng nếu đắc cử làm Tổng thống, ông Joe Biden sẽ thay đổi đường hướng chính sách cứng rắn với Trung Quốc hiện nay. Có thể ông ấy sẽ không tiếp tục áp mức thuế cao lên tất cả các hàng hóa của Trung Quốc nhưng ông ấy sẽ vẫn gây sức ép lên Trung Quốc.
Với phong cách cá nhân của Biden thì có lẽ ông ấy sẽ mềm giọng hơn với Trung Quốc so với ông Trump. Ông ấy sẽ không tuyên bố chính sách đối ngoại vào lúc 3 giờ sáng trên Twitter như ông Trump (cười).
Khi còn là Phó Tổng thống dưới thời ông Obama, ông Biden chính là người đã tiếp xúc với Tập Cận Bình khi ông này được đề cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc năm 2009. Họ biết nhau khá rõ, đã dành thời gian nói chuyện khá nhiều khi ông Tập thăm Mỹ và khi ông Obama thăm Trung Quốc.
Bởi vậy, có lẽ ông Biden sẽ đối thoại nhiều hơn với Trung Quốc và có thể sẽ tìm kiếm những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác như biến đổi khí hậu hay vấn đề Iran chẳng hạn.
Nhưng chắc chắn, thương mại vẫn sẽ là chủ đề gây căng thẳng trong quan hệ hai bên.
- Quay trở lại với câu chuyện cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung ở Đông Nam Á. Rõ ràng, trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực nhờ tận dụng khoảng trống chiến lược mà Mỹ để lại khi tập trung vào Trung Đông và châu Âu. Ông đánh giá thế nào về sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc đối với ASEAN?
Một trong những khác biệt là Trung Quốc có vị trí địa lí gần gũi với các nước Đông Nam Á hơn Mỹ. Và họ rõ ràng là luôn cố gắng có mặt trong tất cả các hội nghị của khu vực, trong khi cả chính quyền hiện tại của Tổng thống Donald Trump và chính quyền tiền nhiệm thời ông Obama không phải lúc nào cũng có mặt.
Bạn biết đấy, ASEAN cũng không thực sự đòi hỏi gì nhiều từ siêu cường này nhưng ít nhất điều mà anh ta có thể làm là hiện diện trong các cuộc hội họp của khu vực.
Tôi nghĩ điều này có thể sẽ dễ dàng hơn nếu sắp tới Mỹ có sự thay đổi chính quyền. Vì chính quyền hiện tại của ông Trump thiếu vắng những nhân sự có nhiều kinh nghiệm ở nhiều khu vực.
Hiện có rất ít người ở Nhà Trắng có thể thuyết phục được ông Trump cần phải tham gia Hội nghị của ASEAN.
Tôi không chắc liệu tình trạng này có thay đổi nếu ông Joe Biden làm tổng thống hay không. Ông Biden từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nên ông ta hiểu và có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực đối ngoại.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đườngHarbin (112) của Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận với hải quân Nga. (Ảnh: AP)
|
Hơn nữa, nhiều năm qua Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á ở nhiều cấp độ khác nhau thông qua nhiều công cụ quyền lực mềm.
Mỗi năm, nước này cấp hàng chục nghìn học bổng cho các nước ASEAN, trong đó có nhiều quan chức sang Trung Quốc học. Có 30 viện Khổng Tử đang hoạt động trên khắp Đông Nam Á. Công nghiệp phim ảnh của nước này cũng bành trướng mạnh mẽ ở khu vực.
Trong khi đó, nhiều năm qua, ảnh hưởng quyền lực mềm ở Đông Nam Á của Mỹ tương đối giảm sút xét ở góc độ nỗ lực của chính quyền Mỹ. Các chương trình đào tạo tiếng Anh như Peace Corp hay chương trình học bổng Fulbright đều bị cắt giảm trong khi tôi cho rằng đây đều là những công cụ quyền lực mềm hiệu quả.
Ở khía cạnh kinh tế thì cái nhìn của ASEAN đối với Trung Quốc, như tôi từng phân tích, khá là phức tạp, trong cả lĩnh vực thương mại lẫn đầu tư cơ sở hạ tầng (dẫn link bài 1).
Trong lĩnh vực đầu tư thì các nhà đầu tư tư nhân từ Mỹ và Nhật Bản cộng lại vẫn đang vượt xa các nhà đầu tư Trung Quốc.
Sẽ là điên rồ nếu buộc ASEAN chọn phe
- Sự cạnh tranh quyền lực quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc liệu có dẫn đến sự thay đổi trật tự quyền lực toàn cầu và nếu vậy, sẽ ảnh hưởng ra sao đến Đông Nam Á?
Đây là câu hỏi lớn và rất quan trọng. Tôi sẽ cố gắng giải đáp trong phạm vi hiểu biết của tôi. Tôi không chắc Covid-19 có thực sự là nguyên nhân chính dẫn tới việc Mỹ gia tăng gây sức ép lên Trung Quốc hay không.
Tôi nghĩ ông Trump lo lắng có thể bị thất cử và vì thế Trung Quốc, như chúng ta đều biết, là một kẻ thù bên ngoài có thể dễ dàng sử dụng để tấn công giống như Covid-19 vậy.
Cuộc ganh đua quyền lực Mỹ - Trung vốn đã rất quyết liệt trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt ở Biển Đông và tôi tin rằng sắp tới sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc tôn tạo và biến thành căn cứ quân sự
|
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh về kinh tế sẽ ngày càng nóng bỏng hơn khi Mỹ đang khuyến khích các công ty của mình rời khỏi Trung Quốc.
Tôi không tin tất cả các công ty Mỹ sẽ rời đi vì nhiều công ty không thể tách rời khỏi thị trường khổng lồ này. Nó rất khác so với thời chiến tranh lạnh với Liên Xô.
Trong lĩnh vực công nghệ, đây sẽ là một câu hỏi khó. Nếu cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang thì các nước Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vì họ là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nước này cung cấp khá nhiều linh kiện để Trung Quốc sản xuất các sản phẩm công nghệ đa dạng và bán sang Châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn như hiện nay Indonesia đang cung cấp một số linh kiện cho Huawei.
Nếu Mỹ trừng phạt các nước, các công ty đang hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề công nghệ thì Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán đau đầu.
Nhưng tôi nghĩ mối quan ngại lớn nhất hiện nay là liệu Mỹ hay Trung Quốc có buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe.
Sẽ vô cùng tệ hại nếu các nước ASEAN phải chọn hoặc đi với Mỹ hoặc đi với Trung Quốc. Sẽ là điên rồ cho cả Trung Quốc và Mỹ nếu làm thế với ASEAN.
Và các nước ASEAN, như tôi từng phân tích, họ hiểu rõ tình cảnh của họ và ý thức sâu sắc rằng họ cần phải tìm ra cách vượt qua những mâu thuẫn phức tạp này để tiếp tục giữ cân bằng với cả hai siêu cường.
- Nếu hai bên cứ tiếp tục leo thang căng thẳng và đến một ngày nào đó, hai siêu cường buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe như kịch bản đã từng xảy ra thời kì Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô thì điều gì sẽ xảy ra?
Tôi không thấy bằng cách nào mà Mỹ hay Trung Quốc có thể ép buộc các nước ASEAN phải chọn phe. Bởi vì cả Mỹ và Trung Quốc đều có mối quan hệ đa chiều với các nước ASEAN.
Anh không thể nói rằng: Anh phải chọn phe bởi vì chúng ta là kẻ thù với Trung Quốc trong một lĩnh vực này chẳng hạn. Tôi nghĩ nếu có bên nào đưa ra yêu cầu này thì các nước ASEAN cần bác bỏ ngay ý nghĩ đó.
Trong cách ứng xử với cả hai siêu cường, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN. Nếu đứng chung với tư cách một khối, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ tư, thứ năm toàn cầu, với dân số 650 triệu người và GDP 2,5 nghìn tỉ USD.
Rõ ràng là nó đem lại vị thế và sức mạnh đáng kể cho các quốc gia Đông Nam Á để buộc các nước lớn phải thừa nhận mình với tư cách một khu vực, chứ không phải là con tốt thí trong cuộc đấu chống lại Trung Quốc hay chống lại Mỹ.
- Có lẽ trong các nước ASEAN, không có nước nào như Việt Nam thấm thía hơn hết bi kịch của việc bị mắc kẹt trong cuộc đấu quyền lực giữa hai siêu cường. Ông đánh giá thế nào về chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay trong ứng xử với Mỹ và Trung Quốc?
Việt Nam đã và đang ứng xử rất khéo léo với cả Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng không để Trung Quốc nắm giữ vị trí thống trị trong bất kỳ lĩnh vực nào cả.
Hiển nhiên là Việt Nam có thể đi xa hơn với Mỹ chẳng hạn. Nhưng họ khá cẩn trọng và cân bằng. Trong khi Lầu Năm góc rất hào hứng muốn đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Việt Nam thì Việt Nam luôn giữ nhịp thận trọng và để ý đến phản ứng của Trung Quốc.
Hà Nội cũng nỗ lực cân bằng quan hệ với Trung Quốc thông qua việc tăng cường hợp tác với cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, châu Âu và các nước khác.
Đó là một chiến lược hiệu quả. Xét về vị trí của Việt Nam thì chiến lược phòng ngừa rủi ro hay cân bằng quan hệ là chính sách tốt nhất mà Việt Nam có thể theo đuổi.
"Sẽ vô cùng tệ hại nếu các nước ASEAN phải chọn hoặc đi với Mỹ hoặc đi với Trung Quốc. Sẽ là điên rồ cho cả Trung Quốc và Mỹ nếu làm thế với ASEAN", ông Murray Hiebert.
|
- Ông nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc phải có một tiếng nói thống nhất khi ứng xử với Trung Quốc và Mỹ. Nhưng thực tế thì dường như các nước ASEAN đều chỉ bận tâm đến lợi ích của riêng mình. Bằng cách nào để ASEAN có thể đạt được tiếng nói chung?
Đúng là rất khó để ASEAN có thể thống nhất với nhau một tiếng nói chung khi ứng xử với các nước lớn vì bởi vì giữa các nước thành viên có quá nhiều khác biệt về quy mô kinh tế, về chính trị, xã hội và tôn giáo.
Mỗi nước ASEAN lại có mối quan hệ riêng với Trung Quốc, với Mỹ, có các mức độ nhận thức khác nhau về nguy cơ đe dọa của Trung Quốc và họ không thực sự phối hợp tốt với nhau. Đây là khe hở để Trung Quốc có thể dễ dàng lợi dụng.
Chúng ta đã chứng kiến Campuchia dưới thời Hun Sen thường xuyên chấp nhận để Trung Quốc lợi dụng nhằm ngăn cản ASEAN đạt được đồng thuận trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, đổi lại là Phnompenh nhận được nhiều viện trợ hơn.
Nhưng rõ ràng cách ứng xử hiệu quả nhất trước sức ép của Bắc Kinh là ASEAN phải đoàn kết hơn. ASEAN sẽ chỉ có thể nói cùng một tiếng nói khi 10 nước ASEAN ngồi xuống và thống nhất một tầm nhìn chung cho ASEAN.
Bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông. Bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng ở khu vực hạ nguồn sông Mekong vì Trung Quốc trữ nước trong 11 con đập ở thượng nguồn.
Nếu ASEAN có thể thống nhất quan điểm trong vấn đề Mekong hay biển Đông thì rõ ràng họ có lợi thế lớn hơn để buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm hơn.
Hãy thử hình dung, Bắc Kinh có lẽ sẽ cảm thấy đôi chút xấu hổ khi chống lại 650 triệu người dân Đông Nam Á và họ có thể sẽ sẵn sàng làm điều gì đó cho khu vực để cải thiện hình ảnh, điều mà họ sẽ không làm nếu chỉ phải xử lý với một nước.
Đã đến lúc ASEAN nên chấm dứt cạnh tranh lẫn nhau và tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong việc thúc đẩy đối thoại về cách thức ứng xử với Trung Quốc. Những nguy cơ từ vấn đề Mekong hay Biển Đông đang ngày càng hiện hữu, đe dọa lợi ích của hầu hết các nước trong khu vực.
- Xin cám ơn ông bởi những trao đổi thẳng thắn này./.
Bài liên quan:
>> “Bẫy nợ” và tham nhũng – vị đắng của “trái ngọt” kinh tế với Trung Quốc
>> Phần 2: Ai có gan đối đầu với Trung Quốc?