Pakistan đóng cửa không phận, đe dọa "chiến tranh" nếu bị Ấn Độ chặn nguồn nước

Động thái được đưa ra sau khi New Delhi đình chỉ hiệp ước chia sẻ nguồn nước sau một vụ tấn công khủng bố đẫm máu.
Hành động cứng rắn của Pakistan được đưa ra sau khi Ấn Độ đình chỉ hiệp ước chia sẻ nguồn nước. Ảnh: Getty.

Pakistan vừa tuyên bố đóng cửa không phận đối với toàn bộ các hãng hàng không thuộc sở hữu hoặc điều hành bởi Ấn Độ, đồng thời đình chỉ thương mại với New Delhi ngay lập tức, sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia tại Islamabad hôm 24/4.

Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan và đơn phương đình chỉ hiệp ước về việc sử dụng hệ thống sông Indus – nguồn nước quan trọng chung của hai quốc gia.

“Pakistan kiên quyết bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ về việc đình chỉ Hiệp ước Nước sông Indus...Bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng nước thuộc quyền sử dụng của Pakistan theo hiệp ước này sẽ bị xem là hành động chiến tranh và sẽ bị đáp trả toàn lực”, văn phòng Thủ tướng Muhammad Shehbaz Sharif tuyên bố. Văn phòng cũng nhấn mạnh rằng hiệp ước không cho phép đình chỉ đơn phương.

Các biện pháp trả đũa của Pakistan bao gồm đình chỉ nhiều thỏa thuận song phương và các kết nối xuyên biên giới, trong đó có cửa khẩu Wagah. Tuyên bố cho biết không phận Pakistan sẽ bị đóng ngay lập tức đối với tất cả hãng hàng không Ấn Độ hoặc do Ấn Độ điều hành. Mọi hoạt động thương mại với Ấn Độ, bao gồm các tuyến vận chuyển qua bên thứ ba đi qua Pakistan, cũng bị đình chỉ.

Ngoài ra, Pakistan còn tuyên bố hủy toàn bộ thị thực cấp cho công dân Ấn Độ theo chương trình miễn thị thực SAARC (SVES). Các công dân Ấn Độ đang có mặt tại Pakistan theo SVES – trừ các đoàn hành hương đạo Sikh – được yêu cầu rời khỏi trong vòng 48 giờ.

Islamabad cũng tuyên bố ba cố vấn quân sự, hải quân và không quân của Ấn Độ tại thủ đô Pakistan là “người không được hoan nghênh” (persona non grata), đồng thời ra lệnh cắt giảm số nhân viên tại Cao ủy Ấn Độ tại Islamabad xuống còn 30 người, hiệu lực từ ngày 30/4.

Các động thái này phản ánh những biện pháp mà New Delhi đưa ra vào ngày 23/4. Nguyên nhân bắt nguồn từ một vụ tấn công kinh hoàng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 26 người thiệt mạng – phần lớn là khách du lịch – và hàng chục người bị thương.

Lực lượng an ninh Ấn Độ kiểm tra xe qua lại sau khi vụ việc đẫm máu xảy ra tại Kashmir hôm 22/4. Ảnh: Reuters.

Vụ việc xảy ra vào chiều 22/4 tại thung lũng Baisaran, một điểm đến nổi tiếng còn được gọi là “Thuỵ Sĩ thu nhỏ” tại Pahalgam. Nhóm vũ trang The Resistance Front – được cho là có liên hệ với tổ chức Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan – đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

New Delhi tuyên bố các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục được duy trì “cho đến khi Pakistan chấm dứt một cách rõ ràng và không thể đảo ngược việc hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới”.

Phía Islamabad bác bỏ cáo buộc của Ấn Độ rằng Pakistan có liên quan đến vụ bạo lực ở Kashmir, đồng thời tố cáo New Delhi đàn áp khu vực này và cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số ở đó.

“Trong khi không có cuộc điều tra đáng tin cậy hay bằng chứng xác minh nào, việc cố gắng liên kết vụ tấn công tại Pahalgam với Pakistan là vô căn cứ, phi lý và thiếu logic”, văn phòng Thủ tướng Pakistan khẳng định. Văn phòng cũng kêu gọi Ấn Độ “không nên lợi dụng bi kịch để phục vụ mục đích chính trị” và phải “chịu trách nhiệm cho sự thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho người dân”.

“Câu chuyện nạn nhân của Ấn Độ không thể che giấu vai trò của nước này trong việc nuôi dưỡng khủng bố trên đất Pakistan, cũng như không thể đánh lạc hướng dư luận khỏi những hành vi đàn áp và vi phạm nhân quyền có hệ thống”, Islamabad nhấn mạnh và tuyên bố họ đang nắm “bằng chứng không thể chối cãi” về hành động khủng bố do Ấn Độ hậu thuẫn trên lãnh thổ Pakistan.

Khu vực Kashmir – vốn luôn bất ổn tại biên giới hai nước – từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp giữa hai nước, khi cả hai đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng đất này. New Delhi nhiều lần cáo buộc Islamabad hậu thuẫn khủng bố xuyên biên giới, trong khi Pakistan tố Ấn Độ đàn áp và vi phạm nhân quyền đối với người dân Hồi giáo tại đây.