Nga cảnh báo triển khai lực lượng NATO tới Ukraine có thể châm ngòi Thế chiến III

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông Sergey Shoigu, cảnh báo việc triển khai binh sĩ nước ngoài tới Ukraine dưới danh nghĩa "lực lượng gìn giữ hòa bình" có thể dẫn đến đối đầu trực diện giữa Nga và NATO, và cuối cùng là Thế chiến III.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu. Ảnh: Sputnik.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu. Ảnh: Sputnik.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS công bố hôm 24/4, ông Shoigu – người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga – cho rằng khái niệm "gìn giữ hòa bình" đang bị lợi dụng để che giấu mục tiêu thực sự là giành quyền kiểm soát Ukraine.

"Việc triển khai lực lượng nước ngoài trên những vùng lãnh thổ lịch sử của Nga có thể khiêu khích một cuộc đối đầu trực tiếp với NATO, và đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh toàn cầu", ông Shoigu nhấn mạnh, đồng thời cho biết nhiều chính trị gia châu Âu có lý trí đều nhận thức được nguy cơ này.

Ông cũng cho rằng nếu đúng bản chất, các lực lượng này không phải là “gìn giữ hòa bình” mà là “lực lượng xâm lược” hoặc “quân chiếm đóng”.

Cảnh báo của ông Shoigu được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo quốc phòng nhiều nước NATO, dẫn đầu bởi Anh và Pháp, đang cân nhắc khả năng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine với lý do "hỗ trợ hòa bình lâu dài" giữa Kiev và Moscow. Tuy nhiên, Nga tuyên bố sẽ phản đối mọi hình thức đưa quân NATO hoặc lực lượng từ các quốc gia trong "liên minh tự nguyện" đến Ukraine – dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào.

Ông Shoigu cho biết Nga đã phản đối sự hiện diện quân sự của NATO ở Ukraine ngay cả trước khi xung đột bùng nổ. Một trong những nguyên nhân khiến Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022 là do lo ngại NATO thiết lập hạ tầng quân sự tại Ukraine. Ông dẫn ví dụ việc Anh xây dựng căn cứ hải quân tại thành phố Ochakov, vùng Nikolayev – nơi được sử dụng để huấn luyện lực lượng đặc nhiệm hải quân Ukraine và tiến hành các hoạt động chống Nga.

Tháng 1 vừa qua, Kiev và London đã ký thỏa thuận “Đối tác 100 năm”, cam kết cùng xây dựng hạ tầng quốc phòng tại Ukraine, bao gồm căn cứ quân sự, trung tâm hậu cần và kho vũ khí.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng từng tuyên bố sẵn sàng dẫn đầu một liên minh châu Âu hỗ trợ Ukraine bằng lực lượng mặt đất và không quân nếu các bên đạt được lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, Moskva cảnh báo rằng mọi lực lượng gìn giữ hòa bình không được ủy quyền tại Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định các kế hoạch của phương Tây không nhằm đạt được giải pháp hòa bình thực sự mà là để củng cố sự hiện diện chống Nga tại khu vực.