Ông Trump khiến Syria và cả khu vực Trung Đông trở nên nguy hiểm hơn chỉ bằng một quyết định

VietTimes -- Gần 1.000 binh sĩ Mỹ đóng tại Syria bị đẩy vào tình thế khó vì một quyết định của Tổng tư lệnh. Họ giờ đang mắc kẹt giữa một bên là lực lượng của chính phủ Syria và một bên là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO - đang nã pháo kích dồn dập vào các vị trí ngay sát binh sĩ Mỹ.
Tổng thống Trump thay đổi cục diện ở Syria chỉ bằng một quyết định (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Trump thay đổi cục diện ở Syria chỉ bằng một quyết định (Ảnh: New York Times)

Hỗn loạn

Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống với lời hứa sẽ chấm dứt "những cuộc chiến không hồi kết", không ai đề cập tới cái giá phải trả là từ bỏ các đồng minh, như lực lượng người Kurd từng giúp Mỹ đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hay chính phủ Afghanistan. Và đương nhiên khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" cũng có nghĩa rằng không bao giờ bỏ lại binh sĩ Mỹ ở phía sau.

Trong hôm đầu tuần này, tờ New York Times đưa tin việc di dời binh sĩ Mỹ khỏi Syria có thể cần tới vận chuyển đường không, đó là chưa kể việc di dời khoảng 50 vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ khỏi căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đã có hàng chục thường dân và các tay súng người Kurd thiệt mạng trong lúc mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công sâu về phía Nam nhằm vào các khu vực người Kurd kiểm soát ở Syria hồi cuối tuần trước - một chiến dịch mà Nhà Trắng "bật đèn xanh". Trong khi đó, phiến quân IS cùng gia đình vốn bị giam trong các trại tập trung của người Kurd đã bỏ trốn. Người Kurd, trong lúc hứng chịu hỏa lực của Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhanh chóng quay sang hợp tác với chính phủ Syria và lực lượng chính phủ được Nga hậu thuẫn này lập tức triển khai quân tới miền Bắc.

Có cả nghìn quyết định khiến Mỹ triển khai quân lực tới vùng biên giới nằm giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, thế nhưng chỉ bằng 1 quyết định duy nhất mà Tổng thống Trump đưa ra cách đây hơn 1 tuần lễ sau cú điện đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm bùng phát tình trạng hỗn loạn và đổ máu chỉ trong vài ngày trên cùng khu vực.

Quyết định đó có thể nhằm phục vụ cho một chiến lược quan trọng hơn, nhưng đến nay không ai biết chiến lược đó là gì. Tổng thống Trump "bật đèn xanh" cho chiến dịch tấn công của người Thổ và rồi sau đó lại đe dọa sẽ "hủy diệt" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nó đi quá xa. Trong hôm đầu tuần này, ông Trump đã ra sắc lệnh tăng gấp đôi thuế thép đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Bộ Tài chính và Quốc hội tiếp tục thảo luận về biện pháp trừng phạt đối với hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ mà chính ông Trump đã cho phép.

Càng khiến câu chuyện thêm khó hiểu, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn nói ông Trump đã đề nghị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ngay những hành động thù địch.

Khủng hoảng

Chiến sự bùng phát, thường dân Kurd lại phải bỏ nhà cửa tháo chạy (Ảnh: Getty)
Chiến sự bùng phát, thường dân Kurd lại phải bỏ nhà cửa tháo chạy (Ảnh: Getty)

Trên chiến trường, các lực lượng Arab ở Syria đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ít nhất 2 vụ hành quyết tù binh người Kurd trong hôm thứ Bảy tuần trước, ghi hình lại và đăng tải trên mạng xã hội. Sự việc khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật rằng: "Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một cuộc khủng hoảng nhân đạo".

New York Times dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên nói rằng việc lực lượng Mỹ rút khỏi chiến trường buộc họ phải để lại hàng chục tù binh IS "có giá trị cao".

Tình hình chắc chắn sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi có hơn 2 triệu thường dân đang sinh sống ở khu vực có chiến sự ở miền Bắc Syria.

"Họ đã tin tưởng chúng ta, và chúng ta phản bội niềm tin đó" - một quan chức trong quân đội Mỹ từng làm việc với người Kurd ở miền Bắc Syria nói với New York Times - "Đó là một vết nhơ trong lương tâm người Mỹ".

Giá trị chiến lược chưa thấy đâu, nhưng ảnh hưởng từ quyết định này đã xuất hiện rõ. Các đồng minh của Mỹ, từ Berlin cho tới Riyadh, đều báo động. "Bất cứ ai muốn hỗ trợ Syria trong việc bảo vệ người Kurd thì cứ việc, dù là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonapart" - ông Trump viết trên Twitter.

Dù lãnh đạo Mỹ đánh tiếng rằng Trung Đông là vấn đề của bên khác và bàn về việc rút hết binh sĩ Mỹ về nước, thế nhưng mới đây ông vẫn ra lệnh triển khai thêm 3.000 binh sĩ tới Arab Saudi để đối phó với Iran.

Phẫn nộ

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh ở Syria tập trung ở ngoại ô Manbij hôm 14/10 (Ảnh: NBC)
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh ở Syria tập trung ở ngoại ô Manbij hôm 14/10 (Ảnh: NBC)

Lịch sử từng chứng kiến không ít lần mà Washington bỏ mặc những đồng minh "sử dụng một lần" của họ - như trong sự kiện Vịnh Con Lợn hay trong nhiều cuộc nổi dậy trong nước, như ở Hungary năm 1956. Mỹ cũng từng "phản bội" người Kurd - những người không có một nhà nước mà phải sinh sống rải rác ở nhiều phần của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Armenia và Iran - nhiều lần trong vòng nửa thế kỷ qua. Vụ tai tiếng nhất có lẽ là khi chính quyền Saddam Hussein tấn công người Kurd bằng khí độc năm 1988, và rồi chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lại bảo vệ chính phủ Iraq thoát đòn trừng phạt của Quốc hội.

Nhưng quyết định mà chính quyền Trump đưa ra mới đây lại khác, bởi hiện trạng trước khi Mỹ rút quân khá ổn định. Lực lượng Mỹ không chịu nhiều tổn thất. Khu vực mà người Kurd kiểm soát phần lớn không xảy ra chiến sự. Phiến quân IS bị cầm tù. Mỹ không chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế đến mức phải rút quân. Và nếu muốn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có hành động mạnh tay hơn để bảo vệ an ninh quốc gia của họ, chính quyền Trump có thể đưa ra những biện pháp mang tính chất phối hợp hơn.

Một số thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Hạ nghị sĩ Liz Cheney, đã thể hiện rõ sự phẫn nộ trước hành động phản bội người Kurd. Nhưng họ cũng chỉ có thể đổ lỗi cho chính đảng của mình vì đã không bắt ông Trump chịu trách nhiệm cho hành động đột ngột thay đổi chính sách của Mỹ hay khiến các đồng minh lâu năm bị hủy diệt ở nước ngoài.

Và nếu ông Trump đưa ra quyết định rút quân chỉ để cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ ông đã lầm. Bởi giờ đây, sự cải thiện chớp nhoáng đó có thể vụt tắt bởi các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ vừa công bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể tới thực tế là ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc xâm lược, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định hạn chế bán vũ khí cho nước này; Quốc hội Mỹ cũng đang cân nhắc ngừng bán vũ khí, thiết bị thay thế và đạn dược cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại thời điểm hiện nay, ưu tiên của Mỹ phải là bảo vệ các binh sĩ của họ trên chiến trường và đảm bảo các vũ khí hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần hiểu rằng NATO sẽ không ủng hộ hay hỗ trợ họ nếu như chiến dịch ở Syria vượt ngoài tầm kiểm soát, và cộng đồng quốc tế sẽ phản đối việc loại bỏ người Kurd để thay thế bằng các nhóm thiểu số khác ở Syria.

Mới chỉ cách đây vài ngày, Mỹ vẫn còn khá nhiều lựa chọn hợp lý để phản ứng trước hành đồng của Thổ Nhĩ Kỳ: Tung đòn trừng phạt hà khắc cùng nhiều hành động khác để người Thổ lui quân, cho phép binh sĩ Mỹ phục hồi hiện trạng như cũ. Thế nhưng ở hiện tại, lựa chọn chỉ là: Một là để cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát miền Bắc Syria, hai là để cho chính quyền Syria kiểm soát khu vực này.

Khối liên minh giữa Mỹ và người Kurd dường như đã chết, và khó để nhìn ra Mỹ còn giữ vai trò gì ở Syria hay trong cuộc chiến chống IS nữa.

Theo New York Times