Ông Erdogan: Chừng nào tôi còn giữ chức, Phần Lan và Thụy Điển đừng hòng gia nhập NATO!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục kiên quyết phản đối việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, thẳng thừng nói chừng nào ông còn giữ chức, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bỏ phiếu cho hai nước này gia nhập NATO.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiên quyết phản đối NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan (Ảnh: AP).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiên quyết phản đối NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan (Ảnh: AP).

Theo Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/5, ông Erdogan đã nói với các phóng viên tháp tùng trên đường trở về nước từ chuyến thăm Azerbaijan: "Chừng nào Tayyip Erdogan này vẫn còn là nguyên thủ quốc gia của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi khẳng định sẽ không chấp nhận các nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tham gia NATO".

Thụy Điển và Phần Lan trước đó đã tuyên bố cả hai nước đều lên án chủ nghĩa khủng bố. Nhưng ông Erdogan cho rằng Thụy Điển và Phần Lan "không đủ trung thực hoặc chân thành", vì vậy "chúng tôi không thể lặp lại những sai lầm mà chúng tôi đã phạm phải khi đối xử với những quốc gia trong NATO ủng hộ và giúp đỡ những kẻ khủng bố".

Theo hãng thông tấn bán chính thức Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 28/5 ông Erdogan cho biết các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển liên quan đến việc hai nước này gia nhập NATO "không đạt được mức mong đợi".

Ông Erdogan nói rằng Thụy Điển và Phần Lan đặt kỳ vọng vào cuộc đàm phán, nhưng hai nước này đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: “Các phần tử khủng bố hiện vẫn đi lại tự do trên đường phố Stockholm, cảnh sát Thụy Điển đang bảo vệ chúng”.

Ông Erdogan nói rằng Nga không hoan nghênh bất kỳ quốc gia vùng Scandinavia nào gia nhập NATO và Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ kết thúc càng sớm càng tốt. Erdogan tiết lộ rằng ông sẽ có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 30/5. Phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục khuyến khích hai bên giải quyết các vấn đề liên quan thông qua đối thoại và các kênh ngoại giao.

Ngày 18/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận đơn xin gia nhập của đại diện Phần Lan và Thụy Điển.

Ngày 18/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận đơn xin gia nhập của đại diện Phần Lan và Thụy Điển.

Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn gia nhập NATO vào ngày 18/5. Việc hai nước này gia nhập NATO cần phải có được sự nhất trí tán thành của tất cả các thành viên NATO. Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Thụy Điển và Phần Lan tham gia vì cho rằng hai nước này ủng hộ Đảng Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) và các chi nhánh của nó, cũng như đối với "Phong trào Gulen", mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã tổ chức một cuộc đảo chính bất thành trước đây.

Được thành lập vào năm 1979, PKK tìm cách thiết lập một nhà nước độc lập ở các khu vực có người Kurd sinh sống dọc theo biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước Iraq, Iran và Syria. PKK đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Fethullah Gulen, một giáo sĩ tôn giáo có liên quan đến âm mưu đảo chính quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.

Ông Erdogan cho rằng việc đồng ý để Hy Lạp gia nhập NATO vào năm 1952 là một sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ; giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ không thể mắc thêm sai lầm một lần nữa.

Vào ngày 25/5, hai nước Thụy Điển, Phần Lan đã tổ chức vòng đối thoại đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai nước xin gia nhập NATO. Trong cuộc đối thoại, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với hai nước này, bao gồm chấm dứt hỗ trợ chính trị cho "chủ nghĩa khủng bố" và cắt các nguồn tài trợ cho lực lượng này; ngừng cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho lực lượng vũ trang người Kurd; bãi bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc hội đàm, hai nguồn tin tham gia đàm phán nói với Reuters rằng cuộc đối thoại đã đạt được rất ít tiến triển và đã không xác định được thời gian cho vòng đàm phán tiếp theo. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 27/5 nhấn mạnh rằng ông đang chờ đợi Thụy Điển và Phần Lan phản hồi về những điều quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu hai nước Phần Lan và Thụy Điển (màu xanh lá cây) gia nhập NATO, Nga sẽ có thêm hơn ngàn kilomet đường biên giới chung với NATO.

Nếu hai nước Phần Lan và Thụy Điển (màu xanh lá cây) gia nhập NATO, Nga sẽ có thêm hơn ngàn kilomet đường biên giới chung với NATO.

Theo báo "Hurriyet” (Tự do) của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/5, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày cho biết, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có một số đề xuất, mong muốn tổ chức cuộc gặp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan. Ông Kalin nhấn mạnh rằng Thụy Điển và Phần Lan cần "đưa ra câu trả lời" để cuộc gặp có kết quả.

"Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ ở một mức độ nhất định là sự thể hiện tập trung những mâu thuẫn nội tại NATO", ông Thôi Hồng Kiện (Cui Hongjian), Giám đốc Phân viện Châu Âu của Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Observer.com về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, cho rằng bản thân quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đã là khá đặc biệt, và hai năm qua đã ở trong một giai đoạn bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Ankara đang lợi dụng việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO để thể hiện sự bất bình của mình với cả NATO và Mỹ.

Ông Thôi Hồng Kiện cho rằng các mục tiêu ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được. Mỹ phải tìm đến họ, NATO phải phối hợp với họ, Phần Lan và Thụy Điển ít nhất cũng phải lắng nghe ý kiến ​​của họ và tiếng nói của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đã được nâng cao rõ rệt. Và chỉ cần các nước ngồi vào nói chuyện, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra các yêu cầu, tranh thủ đạt được thỏa thuận về những vấn đề này và thu được một số kết quả có lợi về mình.