Phải chăng đó chính là những lý do khiến Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực từ chối cung cấp bộ tài liệu Báo cáo tài chính đầy đủ cho phóng viên?
Những con số... "lớn nhanh như thổi"
Theo Báo cáo tài chính năm 2014 đã kiểm toán vừa được Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực – EVN Finance (EVNFC) công bố trên website, trong năm 2014, tổ chức tín dụng này đã báo lãi 109 tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2013.
Nhìn nhận khách quan, trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng – tài chính đang phải gồng mình trước thử thách tái cơ cấu và những “di căn” của một thời nợ xấu thì con số lợi nhuận trăm tỷ mà EVNFC công bố là tương đối ấn tượng, bởi, nên nhớ rằng “cây đại thụ” Eximbank cũng chỉ lãi bằng già phân nửa (69 tỷ đồng).
So sánh với số liệu 2013, trừ khoản lỗ 65 tỷ đồng từ Hoạt động khác, các phương diện kinh doanh của Tài chính Điện lực đều tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí “lột xác”.
Điển hình nhất có thể kể đến Mua bán Chứng khoán đầu tư. Nếu như 2013 còn lỗ đậm 39 tỷ đồng thì môt năm sau, hoạt động này bỗng báo lãi đến hơn 31 tỷ đồng. Đáng nói hơn nữa, tính đến hết quý III, hoạt động này vẫn còn bị âm đến 43 tỷ đồng. Hay, có nghĩa rằng, chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi cuối năm, nghiệp vụ mua bán chứng khoán đầu tư đã “lôi” về cho EVNFC khoản lời lớn đến kinh ngạc… hơn 74 tỷ đồng.
Lỗ đậm trong ¾ quý đầu năm, nhưng chỉ trong ¼ năm, gió đã đổi chiều chóng mặt, hiệu quả đến thần kỳ!...
Tương tự là Mua bán chứng khoán kinh doanh: 2013 lỗ 9.350 triệu đồng, 2014 lãi 217 triệu đồng.
Trên mảng hoạt động chính của mỗi tổ chức tín dụng như EVNFC, tín dụng, Thu nhập lãi thuần có vẻ khá ổn định: 412,5 tỷ đồng của 2014 so với 406,4 tỷ đồng của 2013.
Nhưng khi so sánh Báo cáo năm và Báo cáo Quý III, tiếp tục thấy một sức tăng trưởng đến thần kỳ.
Cụ thể, tính đến 30/9/2014, Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự là 785 tỷ đồng, đồng thời, Chi phí lãi và các chi phí tương tự là 540 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, trong khi Chi phí lãi và các chi phí tương tự chỉ tăng 148 tỷ đồng thì Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự lại tăng tới 316 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần.
Phải chăng những tháng cuối năm, NIM lãi suất cho vay – huy động lại được EVNFC yết cao lên hẳn?
Biết rằng, về bối cảnh thị trường, “hội chứng thừa vốn” vẫn đang đeo đuổi toàn hệ thống (cung thừa), sực hấp thu của nền kinh tế chưa được phục hồi (cầu yếu) và Ngân hàng Nhà nước thì liên tục kêu gọi các tổ chức tín dụng hạ thấp lãi suất cho vay.
Từ chối cung cấp Thuyết minh Báo cáo tài chính
Để giải đáp cho những thắc mắc trên, phóng viên ANTT.VN tiến hành tìm hiểu hợp phần Thuyết minh Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, EVNFC lại từ chối cung cấp tài liệu tài chính quan trọng mà đa phần các tổ chức tín dụng khác vẫn công khai tường minh này.
Để cung cấp thông tin cho độc giả và những nhà đầu tư quan tâm, ngày 18 tháng 3 năm 2015, Tòa soạn An ninh Tiền tệ & Truyền thông đã có Công văn số 97/CV-NĐT đề nghị Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực tạo điều kiện để phóng viên được tiếp cận đầy đủ hệ thống Báo cáo tài chính các năm cũng như các tài liệu cần thiết khác, hoàn thiện hệ thống tư liệu, phục vụ công tác viết bài được chính xác, khách quan và minh bạch, nhằm phục vụ nhu cầu bạn đọc, thông tin đến cho các cổ đông, nhà đầu tư một góc nhìn đa chiều về “sức khỏe” tài chính của EVN Finance.
Sau nhiều lần liên hệ, đại diện EVNFC vẫn khước từ đề nghị cung cấp những tài liệu tưởng chừng không có gì phải bí mật nêu trên trên.
Phải chăng, trong Báo cáo có điều gì không được rõ ràng?
Được biết, Khoản 3, Điều 14, Quyết định Ban hành Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng (Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN và Thông tư số 49/2014/TT-NHNN) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ: “TCTD có trách nhiệm trả lời chất vấn khi có yêu cầu của đối tượng sử dụng báo cáo tài chính (cơ quan quản lý nhà nước, cổ đông, khách hàng và các đối tượng khác) theo quy định của pháp luật”.
Kiểm toán lưu ý hàng loạt vấn đề trong Báo cáo tài chính
Theo Báo cáo kiểm toán độc lập, Hãng kiểm toán AASC – đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính 2014 của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực đã lưu ý người đọc báo cáo tài chính về các vấn đề sau:
“Chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và bán lại, hỗ trợ hợp tác đầu tư, phải thu chậm trả trong nghiệp vụ nhận ủy thác được trình bày tại thuyết minh số 2.16 – Các khoản phải thu và tài sản có khác.
Chính sách dự thu lãi từ các khoản phải thu khác được trình bày tại thuyết minh số 2.20 – Ghi nhận thu nhập và chi phí lãi”.
Dẫu vậy, như đã nói, không được có Thuyết minh nên người viết cũng không thể theo dõi được các lưu ý của Kiểm toán viên.
Trước đó, tại Báo cáo bán niên của EVNFC, AASC cũng đã lưu ý:
“Chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản phải thu lãi từ các khoản phải thu từ nghiệp vụ repo giấy tờ có giá, hỗ trợ hợp tác đầu tư, ứng trước tiền cho quyền góp vốn trong tương lai, phải thu chậm trả trong nghiệp vụ nhận ủy thác,… và cả khoản đi ủy thác đầu tư được trình bày tại thuyết minh số 2.17 – Các khoản phải thu và tài sản có khác;
Chính sách dự thu lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán nợ đã niêm yết, lãi từ các khoản phải thu khác được trình bày tại thuyết minh số 2.21 – Ghi nhận thu nhập/chi phí lãi và các khoản tương đương”.
Đáng lưu ý, cả 2 vấn đề nêu trên đã được AASC lưu ý từ Báo cáo tài chính năm 2013. Ngoài ra, đối với Báo cáo tài chính 2013, hãng kiểm toán này còn lưu ý thêm một vấn đề khác. Đó là, “Chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệpđược trình bày tại thuyết minh số 2.6, mục d –Dự phòng các khoản đầu tư”.
Dòng vốn “ngoắt ngoéo” giữa EVNFC – EVN - ABBank: “Tít mù rồi lại vòng quanh”…
Báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét) của EVN Finance cũng không được upload công khai trên website của tổ chức tín dụng này, tuy nhiên, thông qua một kênh dữ liệu khác, phóng viên cũng đã có được tài liệu này. Tìm hiểu báo cáo, người viết tìm thấy khá nhiều chi tiết “thú vị”.
Theo đó, tính đến 30/06/2014, EVNFC có tới 6.603,7 tỷ đồng Vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, cho vay TCTD chịu rủi ro, trong đó, 2.364,4 tỷ đồng bằng VND và 4.238,3 tỷ đồng bằng vàng và ngoại tệ.
Đối với khoản vốn ngoại tệ và vàng, theo thuyết minh, đây là khoản vốn nhận ủy thác của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) với giá trị 100.000.000 USD và vốn nhận ủy thác của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) với giá trị 99.487.380 USD theo thỏa thuận cho vay lại ký giữa Bộ Tài chính, EVNFC và VietinBank nhằm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 2 mà Chính phủ Việt Nam đã vay. Theo đó, Công ty sẽ chịu trách nhiệm cho vay lại và giải ngân cho vay các dự án của ngành điện và không được sử dụng khoản vay này cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài phạm vi tài trợ của Dự án.
Cũng theo báo cáo này, tính đến giữa năm 2014, vốn điều lệ của EVNFC là 2.500 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp 1.000 tỷ đồng (40%), Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) đóng góp 210 tỷ đồng (8,4%), Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) đóng góp 45 tỷ đồng (1,8%) và các cổ đông khác đóng góp 1.245 tỷ đồng (49,8%).
Tuy nhiên, quan hệ giữa EVNFC và các cổ đông sáng lập của mình lại khá “vòng quanh”.
Cụ thể, tại thời điểm 31/06/2014, EVNFC đang đầu tư 100 tỷ đồng Trái phiếu do EVN phát hành với Phải thu lãi trái phiếu EVN là 667 triệu đồng. Trong khi đó, EVN lại có 600 tỷ đồngTiền gửi có kỳ hạn tại EVNFC với Lãi tiền gửi phải trả là 569 triệu đồng.
Đối với Ngân hàng TMCP An Bình, mọi việc lại càng “rắc rối”. EVNFC gửi không kỳ hạn tại ABBank 14,7 tỷ đồng và cho ngân hàng này vay 2.008 tỷ đồng với Phải thu lãi tiền gửi và cho vay tại 30/06/2014 là 3,3 tỷ đồng.
Cho cổ đông lớn của mình vay hơn 2 nghìn tỷ đồng, nhưng thật khó hiểu khi… đồng thời, EVNFC cũng lại vay ngược lại từ ABBank 1.879 tỷ đồng với Phải trả lãi vay ABB là 3,9 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, công ty tài chính này còn đầu tư 2,3 tỷ đồng vào cổ phiếu ABB để kinh doanh chứng khoán.
Ngoài ABB, EVNFC cũng có 3,1 tỷ đồng “đổ” vào chứng khoán của một cổ đông sáng lập khác là REE.
Bên cạnh đó, EVNFC cũng cho các công ty con của Tập đoàn điện lực vay 644 tỷ đồng.
Song, đấy mới chỉ là đối với các giao dịch bằng VND, còn đối với các giao dịch ngoại tệ, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực cũng đang cho các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay số USD trị giá gần 3.188 tỷ đồng.
Xung quanh dòng vốn “vòng vo” trên còn rất nhiều chi tiết “thú vị” khác. ANTT.VN sẽ tiếp tục gửi tới quý bạn đọc trong những kỳ tiếp theo!
Theo ANTT