Giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% từ ngày 16/3 tới đây, một số ngành sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ quyết định này là thép, xi măng, thủy sản, da giày.
Trao đổi với BizLIVE, bà Trần Thị Minh Chính, Phó Giám đốc Công ty Thương mại và Công nghiệp Mỹ Việt (Đống Đa, Hà Nội), doanh nghiệp chuyên hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thép đen dạng cuộn, thép tấm… có nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Phố Nối A, Văn Lâm, Hưng Yên cho biết, giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Theo giá điện cũ, hàng tháng Mỹ Việt chi khoảng 200-300 triệu đồng cho tiền điện do đó điện tăng giá 7,5%, tức là mỗi tháng sẽ mất thêm khoảng 20 triệu đồng cho tiền điện.
Trong khi sản xuất hiện vẫn còn khó khăn, vừa có dấu hiệu phục hồi giá điện tăng khiến chi phí bị đẩy lên cao hơn. Việc tăng giá điện lần này nằm ngoài dự tính của doanh nghiệp.
Bà Chính thông tin, hiện tại nhà máy đang sử dụng những công nghệ hiện đại, ưu tiên việc tiết kiệm điện năng để giảm chi phí sản xuất.
“Cũng với số tiền 20 triệu đồng này, chúng tôi có thể chi trả cho việc tăng lương cho cán bộ công nhân viên hoặc giảm giá bán sản phẩm ra thị trường. Song giá điện tăng, doanh nghiệp khó có thể tăng giá bán vì thị trường không chấp nhận điều này”, bà Chính nói.
Bà Chính cũng cho rằng, khác với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác việc bán điện độc quyền từ EVN sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chịu thua thiệt nên chỉ khi nhiều hơn 1 doanh nghiệp bán điện Việt Nam mới có giá điện cạnh tranh.
Về vấn đề này, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tuy chưa thể tính được con số cụ thể của mức ảnh hưởng tăng giá điện 7,5% đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nhưng chắc chắn giá thành sản xuất 70% sản lượng thép sản xuất bằng điện hồ quang sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Trong bối cảnh cung vượt cầu như hiện nay, doanh nghiệp chắc chắn phải tính toán lại để điều tiết chi phí sản xuất và cân đối với giá thành”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra đề cập đến việc ngành điện từng “tố” ngành thép sử dụng nhiều điện năng do công nghệ, máy móc lạc hậu, vậy việc đầu tư công nghệ mới bớt tốn điện năng hơn được các doanh nghiệp sản xuất thép tiến hành đến đâu. Ông Dũng cho rằng không thể nói doanh nghiệp có thể làm trong ngày một ngày hai được bởi đầu tư trong ngành thép rất lớn.
Vị đại diện Hiệp hội cũng cho biết, nếu trường hợp ngành thép bị áp dụng mức giá cao hơn giá trung bình thì không công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Doanh nghiệp xi măng tính kế, cắt giảm nhân viên
Lo lắng trước kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán không thể điều chỉnh một số doanh nghiệp sản xuất xi măng cho biết sẽ tính toán thay đổi dần công nghệ sản xuất để đảm bảo không thua lỗ trong thời gian đầu, sau đó mới tính đến việc thu lãi.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cho rằng sẽ cắt giảm lao động hoặc thay đổi kế hoạch tăng lương cho công nhân, nhân viên.
Đại diện doanh nghiệp xi măng có trụ sở tại Quảng Ninh cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh mới có sự khởi sắc chưa được bao lâu, lãnh đạo công ty mới lên kế hoạch tăng lương cho nhân viên nhưng việc giá điện tăng 7,5% tới đây khiến kế hoạch này có thể chững lại hoặc mức tăng thấp hơn so với kế hoạch đã đặt ra.
Về biện pháp tăng giá bán do chi phí sản xuất tăng, vị này cho hay, trước đây có thể sử dụng biện pháp này nhưng ở thời điểm nguồn cung lớn hơn cầu, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài về giá cả, chất lượng nên biện pháp này không được tính đến.
Theo Bizlive