Phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp trực tuyến của nhóm “Bộ Tứ”, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng các Bộ trưởng cũng xác nhận sự cần thiết phải nhanh chóng phục hồi nền dân chủ ở Myanmar, nơi xảy ra cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2.
“Chúng tôi đã có cuộc thảo luận thực chất về hợp tác hướng tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do, cùng nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu khác”, trong đó bao gồm cách phản ứng với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, ông Motegi nói.
4 vị Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do thông qua các cam kết và hợp tác sâu rộng hơn với nhiều quốc gia, trong đó có các nước thành viên ASEAN, các đảo thuộc Thái Bình Dương và các nước châu Âu, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Ngoại trưởng Antony Blinken và những người đồng cấp, ngoài các vấn đề khác, đã thảo luận về “sự cấp thiết phải vãn hồi chính phủ được bầu chọn dân chủ” ở Myanmar và “ưu tiên tăng cường nền dân chủ ở khu vực rộng lớn hơn”.
Các Ngoại trưởng cũng tái khẳng định cam kết tổ chức cuộc họp nhóm “Bộ Tứ” ít nhất là thường niên ở cấp độ Bộ trưởng, và trên cơ sở thường xuyên ở các cấp cao và cấp làm việc để tăng cường sự hợp tác hướng tới một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do, bao gồm việc ủng hộ tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ; theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Liên quan tới khả năng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh nhóm “Bộ Tứ”, ông Motegi nói rằng vẫn chưa có lịch trình cụ thể, mặc dù các Bộ trưởng đã thống nhất về tầm quan trọng của việc hợp tác ở cấp độ lãnh đạo.
Nhóm 4 quốc gia có tên gọi “Bộ Tứ” phần lớn được xem như một mặt trận thống nhất để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc đối phó với sự quyết liệt của Bắc Kinh trong tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang có tranh chấp căng thẳng, kéo dài ở khu vực biên giới.
Ngoại trưởng Motegi cho hay ông đã nêu những quan ngại sâu sắc của Nhật Bản về Luật Hải cảnh của Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/2) cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí nhằm vào các tàu nước ngoài mà họ cho là xâm nhập trái phép vào các vùng biển của họ.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xuất hiện gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Nhật quản lý ở biển Hoa Đông trong khoảng thời gian dài kỷ lục trong năm ngoái, và cũng thâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản gần các đảo không người một số lần kể từ khi Luật Hải cảnh có hiệu lực.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc còn làm dấy lên quan ngại rằng Bắc Kinh có thể nhắm vào các tàu thuyền của Nhật Bản đang hoạt động xung quanh các đảo trên.
Cuộc họp diễn ra hôm 18/2 vừa qua, có sự tham gia của Ngoại trưởng Australia Marise Payne và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, là cuộc họp lần thứ 3 của các Ngoại trưởng nhóm “Bộ Tứ” kể từ lần gặp gỡ đầu tiên tại New York trong tháng 9/2019 và lần thứ hai ở Tokyo vào tháng 10/2020.
Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1.
Phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, Katssunobu Kato, đã hoan nghênh động thái của Mỹ khi tổ chức cuộc họp, nói rằng nó “thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền Biden đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và với khung làm việc giữa 4 nước Nhật Bản - Mỹ - Australia - Ấn Độ”.
Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực, trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực để tạo động lực làm mới nhóm “Bộ Tứ”, có tên gọi chính thức là Đối thoại An ninh Bộ Tứ.
Mặc dù 4 quốc gia này đã tổ chức nhiều cuộc gặp Ngoại trưởng và tổ chức các cuộc tập trận chung, nhưng nhiều câu hỏi vẫn dấy lên rằng liệu họ có thể thực sự đưa ra được một tiếng nói chung về các vấn đề khu vực hay không.
Nhiều học giả cho rằng, quá tập trung vào nhóm “Bộ Tứ” có thể làm suy yếu các khối đồng minh song phương truyền thống, như giữa Mỹ và Hàn Quốc – nước vốn do dự gia nhập nhóm do lo ngại xảy ra xích mích với Trung Quốc.