Bất chấp Bắc Kinh cảnh cáo, ông Biden tiếp tục liên minh 4 nước chống Trung Quốc của ông Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 18/2 Mỹ tuyên bố sẽ tổ chức hội đàm 4 bên với Australia, Ấn Độ và Nhật. Điều này cho thấy bất chấp Bắc Kinh nhiều lần cảnh cáo, ông Biden đã quyết định tiếp tục chiến lược liên minh 4 nước chống Trung Quốc.
Ngoại trưởng 4 nước Quad gặp nhau tháng 10/2020 tại Tokyo (Ảnh: VOA).
Ngoại trưởng 4 nước Quad gặp nhau tháng 10/2020 tại Tokyo (Ảnh: VOA).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ hội đàm với ngoại trưởng các nước Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Nội dung cuộc hội đàm sẽ bao gồm các vấn đề dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc gặp này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Liên minh 4 nước (Quad) nhằm cùng nhau xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, cởi mở và tự do, đáp ứng những thách thức mà liên minh này phải đối mặt.

Liên minh Quad gồm 4 quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ được thành lập vào năm 2007. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra sức thúc đẩy, hy vọng 4 nước sẽ cùng nhau kiềm chế Trung Quốc. Vào tháng 11/2020, 4 nước đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trên biển ở Vịnh Bengal.

Vào đầu tháng 10/2020, Hội nghị Tokyo của các ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhất trí hợp lực để đối phó với những thách thức của Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vừa mới nhậm chức khi đó khi gặp mặt các ngoại trưởng của liên minh 4 quốc gia đã nói, trước thách thức của đại dịch COVID-19, việc sử dụng chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng.

Tháng 7/2020, Hải quân Mỹ, Australia, Nhật diễn tập chung từ Biển Đông đến đảo Guam (Ảnh: BQP Australia).

Tháng 7/2020, Hải quân Mỹ, Australia, Nhật diễn tập chung từ Biển Đông đến đảo Guam (Ảnh: BQP Australia).

Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc vào đầu tháng 2/2021 đã đăng bài cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng việc tiếp tục chiến lược liên minh 4 nước Quad sẽ là một "sai lầm chiến lược nghiêm trọng" và cảnh báo những nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ có nguy cơ dẫn đến sự "đối đầu chiến lược nghiêm trọng".

Thời báo Hoàn cầu trong chuyên mục bình luận chuyên gia của mình cũng gây áp lực đặc biệt lên Ấn Độ khi cho rằng việc “buộc mình hoàn toàn vào cỗ xe chống Trung Quốc của Mỹ” không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, ông Jake Sullivan, vào cuối tháng 1 đã nói rõ rằng “sẽ tiếp tục ở một mức độ nhất định” chiến lược an ninh của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Jake Sullivan nói rằng Trung Quốc đang mưu đồ thể hiện mô hình Trung Quốc tốt hơn hơn mô hình của Mỹ. Các liên minh thân thiện của Hoa Kỳ và các nước dân chủ sẽ hiệu quả hơn trong việc đối phó với Trung Quốc khi liên kết với nhau. Mỹ cần củng cố thể chế dân chủ của mình để Trung Quốc “lãnh chịu hậu quả” vì tư thế “hiếu chiến” của họ.

Chính quyền của ông Joe Biden đang tiếp tục chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của ông Trump để đối phó Trung Quốc (Ảnh: AP).

Chính quyền của ông Joe Biden đang tiếp tục chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của ông Trump để đối phó Trung Quốc (Ảnh: AP).

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price vào ngày 17/2 đã nói với các phóng viên: "Cuộc gặp gỡ các ngoại trưởng của 4 quốc gia Quad là rất quan trọng để bảo vệ tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và ứng phó với những thách thức mang tính quyết định của thời đại chúng ta".

Hãng tin Anh Reuters chỉ ra rằng, ông Joe Biden cho rằng sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh là sách lược then chốt của ông để đối phó với Trung Quốc, ông nói rằng Mỹ đặt ra mục tiêu phải "đánh bại" Bắc Kinh.

Hãng tin Pháp AFP chỉ ra rằng mặc dù Australia và Ấn Độ ban đầu tỏ ra thận trọng trong việc đối đầu với Trung Quốc, nhưng trong những năm gần đây, khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và hai nước ngày càng xấu đi, hình thức đối thoại 4 bên cũng đang được mở rộng.

Về sự kiện này, trang VOA tiếng Trung ngày 18/2 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có kế hoạch ​​tổ chức một cuộc họp trực tuyến qua truyền hình với các ngoại trưởng Nhật Bản, Australia và Ấn Độ vào đầu ngày thứ Năm (18/2/2021). Điều này cho thấy chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden có kế hoạch sử dụng cơ chế hội đàm 4 bên để giải quyết những thách thức chiến lược lớn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo lịch trình làm việc của các quan chức chủ chốt được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Tư, ông Blinken dự kiến ​​tổ chức cuộc họp kín 4 bên với ba ngoại trưởng vào lúc 7 giờ sáng thứ Năm, không mở cửa với giới truyền thông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư: "Cơ chế đàm phán 4 bên đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu chung của chúng ta là thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng như phản ứng của chúng ta trước những thách thức rất quan trọng đối với thời đại này".

Hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden gặp nhau tháng 1/2017 tại Davos, Thụy Sĩ (Ảnh: Tân Hoa xã).

Hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden gặp nhau tháng 1/2017 tại Davos, Thụy Sĩ (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo VOA, hồi đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi trao đổi qua điện thoại cũng nhất trí rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm ủng hộ tự do hàng hải, toàn vẹn lãnh thổ và thiết lập một cơ chế an ninh khu vực mạnh mẽ hơn thông qua cơ chế hội đàm bốn bên.

Chính quyền Donald Trump trước đây của Mỹ coi Ấn Độ là đồng minh quan trọng trong việc đối phó với những thách thức của Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã đề xuất một khái niệm mới về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời hồi sinh cơ chế hội đàm 4 bên đã hình thành gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ; đồng thời mở rộng cơ chế này sang lĩnh vực an ninh để đối phó với sự bành trướng ra bên ngoài ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

VOA nhận định, cuộc hội đàm của ngoại trưởng 4 bên vào ngày thứ Năm 18/2 và cuộc điện đàm trước đó của các nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ cho thấy chính phủ mới ở Mỹ sẽ tiếp tục một số chiến lược và phương pháp mà chính phủ tiền nhiệm đã áp dụng để đối phó với các mối đe dọa an ninh của Trung Quốc, đặc biệt là trong việc liên kết lực lượng của các đồng minh và đối tác trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, để cùng nhau chống lại những thách thức của Trung Quốc.