Đối phó “Luật Hải cảnh” Trung Quốc, Nhật tuyên bố cho phép sử dụng vũ khí ở quần đảo Senkaku

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Okushima Okujima tuyên bố do Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, Nhật Bản sẽ không loại trừ việc cho phép sử dụng vũ khí ở lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku.
Đáp lại việc Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh mới, Nhật Bản tuyên bố cho phép sử dụng vũ khí trong lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dongfang).
Đáp lại việc Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh mới, Nhật Bản tuyên bố cho phép sử dụng vũ khí trong lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dongfang).

Theo hãng tin Nhật Kyodo News ngày 18/2, ông Okushima Takahiro đã tuyên bố vào ngày 17/2 rằng: "(Nhật Bản) sẽ tuân theo các nguyên tắc pháp lý trong phạm vi được luật pháp quốc tế cho phép và không loại trừ việc sử dụng vũ khí”.

“Luật Hải cảnh” mới của Trung Quốc bắt đầu thực thi ngày 1/2/2021 quy định, nếu chủ quyền của Trung Quốc bị chính phủ hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm, hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo Đại tướng Koji Yamazaki, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản Đại tướng và Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến. Hai bên đã trao đổi ý kiến về “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc và xác nhận lập trường của hai bên phản đối đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Liên quan đến thông tin này, trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) đưa tin, kể từ khi Trung Quốc thực hiện "Luật Hải cảnh” vào ngày 1 tháng 2, các tàu hải cảnh của họ đã liên tục đi vào quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong nhiều ngày, gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima hôm thứ Tư (17/2) nói rằng, do việc Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, các cơ quan chức năng của Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí trong việc thực thi pháp luật; Nhật Bản không loại trừ việc sử dụng vũ khí chống lại các tàu xâm phạm quần đảo Senkaku và các vùng biển lân cận trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản (Ảnh: Reuters).

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản (Ảnh: Reuters).

Truyền thông Nhật Bản trước đó đưa tin, các tàu hải cảnh Trung Quốc đại lục đã tiếp cận tàu cá Nhật Bản đang hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Senkaku vào thứ Hai và thứ Ba (15 và 16/2). Ủy viên Hội đồng thành phố Ishigaki, người đi trên tàu đánh cá của Nhật Bản đã nói với truyền thông Nhật Bản vào đêm hôm trước rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã cách tàu cá của ông chỉ từ 40 đến 50 m và ở lại bên trong vùng biển này khoảng 23 giờ. Ông nói: “Có cảm giác tàu đối phương đang thị uy, đến để gây sức ép”.

Tướng Koji Yamazaki, Tổng Tham mưu trưởng Nhật Bản, đã có cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm thứ Tư (17/2). Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của quân đội Nhật Bản và Mỹ kể từ chính quyền của Tổng thống Biden lên nắm quyền. Hai bên đã trao đổi quan điểm về Luật Hải cảnh của Trung Quốc, khẳng định lập trường “phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông bằng vũ lực", và đồng ý rằng việc triển khai quân đội Mỹ trong các khu vực liên quan của Ấn Độ - Thái Bình Dương là vô cùng quan trọng và cần thiết phải tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật - Mỹ. Trước đó, cả Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều tuyên bố Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được áp dụng cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tức là Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản.

Theo Kyodo, sau khi "Luật Hải cảnh" cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài được thực thi, các tàu công vụ Trung Quốc gần đây đã liên tiếp đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư mà họ có chủ quyền từ xa xưa). Động thái này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường các hoạt động trên biển dựa trên sức mạnh quốc gia. Chính phủ Nhật Bản kịch liệt phản đối và cho rằng có thể xảy ra xung đột giữa Nhật Bản với Trung Quốc và đã tăng cường cảnh giác. Do một mình Nhật Bản không thể đối đầu hoàn toàn nên phía Nhật Bản đang cân nhắc tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.

Từ hôm 6/2 đến nay, Trung Quốc liên tiếp cho tàu hải cảnh đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Kyodo).

Từ hôm 6/2 đến nay, Trung Quốc liên tiếp cho tàu hải cảnh đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Kyodo).

Sáng ngày 6/2, Nhật Bản phát hiện hai tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải. Ông Kenyu Funakoshi, Vụ trưởng Châu Á và Châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đã truyền đạt quan điểm của Nhật Bản tới các quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, tuyên bố Nhật "không chấp nhận việc xâm nhập lãnh hải" và đưa ra phản đối nghiêm khắc; đồng thời giao thiệp thông qua kênh ngoại giao ở Bắc Kinh. Chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp Văn phòng Liên lạc Thông tin trực thuộc Phủ Thủ tướng thành Văn phòng Đối sách. Một số ý kiến ​​cho rằng đây là thể hiện chính phủ Nhật Bản nhận định cần thể hiện tư thế nghiêm khắc trước tình hình dư luận Nhật lo ngại về những động thái của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thực hiện “Luật Hải cảnh”.

Ngoài ra, theo Đông Phương ngày 18/2, bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn vào ngày hôm trước đó đã chỉ ra rằng "Luật Hải cảnh” của Trung Quốc đại lục đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và Nhật Bản cần phải cảnh giác về tình hình trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bà hoan nghênh Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ hình thành "đối thoại an ninh bốn bên" nhằm tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.