Mời các bạn cũng nhìn lại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 và lắng nghe chia sẻ của một số doanh nghiệp đạt giải thưởng
|
Highlight lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 |
Ông Trịnh Việt Long - Giám đốc Trung tâm Công nghệ chăm sóc sức khỏe, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel
PV: Xin ông chia sẻ cảm nhận về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021?
Tôi thấy đây là một giải thưởng rất ý nghĩa, bởi vì trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, trước đây đổi mới y tế cần khá nhiều thời gian bởi vì y tế liên quan đến đời sống tính mạng con người nên các bác sĩ và bệnh viện đều rất cẩn trọng. Với đặc thù của giai đoạn vừa qua, quá trình chuyển đổi số đã được đẩy mạnh, chính vì thế các giải pháp về chuyển đổi số được áp dụng khá nhanh và rộng khắp trong lĩnh vực y tế. Dịch bệnh xảy ra là điều không hay, nhưng đã tạo ra cơ hội rất tốt để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung.
|
PV: Được biết doanh nghiệp của ông đã nhận được giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 cho giải pháp Chăm sóc sức khoẻ từ xa Ourhealth. Liệu giải pháp này có được phát triển tiếp nữa hay không, và doanh nghiệp của ông có tiếp tục tham gia Giải thưởng Chuyển đổi số năm tới?
Chắc chắn rồi, mục tiêu tiếp theo của Ourhealth là sẽ chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, đồng hành cùng các bệnh viện và ngành y tế trong công cuộc chuyển đổi số. Có thể thấy lĩnh vực Medtech (công nghệ y tế - PV) đang bùng nổ rất mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp năng động, cố gắng để triển khai nhưng vẫn có những vướng mắc chưa thật sự xứng đáng với tiềm năng.
Với năng lực của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, chúng tôi là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế sản xuất, đặc biệt trong công nghệ cao. Chúng tôi tự tin với sự quyết tâm và nền tảng công nghệ của mình có thể đồng hành cùng ngành y tế và các bệnh viện, y bác sĩ, người bệnh.
Thật ra, trong tất cả những tôn chỉ của chúng tôi khi triển khai các giải pháp đều lấy hạt nhân là người bệnh và y bác sĩ, đấy là hai thành phần rất quan trọng trong lĩnh vực y tế. Giải pháp đưa ra cho người bệnh phải làm sao để họ có thể thăm khám hiệu quả, giảm thiểu thời gian khám chữa tại bệnh viện, thậm chí không cần đến bệnh viện mà có thể khám từ xa. Các kinh nghiệm này chúng tôi đã phối hợp các với bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… Chúng tôi đã triển khai thực tế và mang lại hiệu quả rất khích lệ, được các lãnh đạo bệnh viện, y bác sĩ đánh giá rất cao. Nó thật sự đi vào cuộc sống và chúng tôi muốn ngày càng đi sâu hơn nữa, xuyên suốt quá trình thăm khám, điều trị của bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật
|
PV: Xin ông cho biết việc áp dụng công nghệ số có ý nghĩa như thế nào đối với người khuyết tật?
Ông Nguyễn Văn Cử: “Việc áp dụng công nghệ số vào công tác hỗ trợ cho người khuyết tật đóng vai trò rất quan trọng. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội rất lớn để làm việc từ xa. Do người khuyết tật gặp khó khăn trong việc di chuyển, tiếp cận nên khi áp dụng công nghệ số, đặc biệt trong vấn đề đào tạo nghề, thì những nhóm ngành nghề liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin sẽ rất phù hợp với người khuyết tật. Nó tạo việc làm từ xa để người khuyết tật có thể ngồi ở nhà và làm được công việc đó, tạo được thu nhập của mình và từ đó họ có thể tự tin hòa nhập với xã hội một cách hiệu quả nhất”.
PV: Ông có thể chia sẻ về công việc của Trung tâm nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật trong thời gian qua?
“Trong thời gian qua Trung tâm của chúng tôi áp dụng thành công chuyển đổi số và đã xây dựng thành công 2 ứng dụng dành cho người khuyết tật. Thứ nhất là ứng dụng Bản đồ tiếp cận D.Map, bản đồ này giúp cho người khuyết tật có được thông tin liên quan đến công trình công cộng mà nó tiếp cận - ví dụ như có đường dốc cho xe lăn, biển báo chỉ dẫn cho người mù, người khiếm thị, hay thang máy hoặc nhà vệ sinh tiếp cận cho người khuyết tật. Khi người khuyết tật muốn đi ra ngoài vui chơi giải trí, tham gia những hoạt động xã hội mà họ không biết chỗ để tiếp cận thì họ sẽ tải ứng dụng D.Map về có đầy đủ thông tin trên toàn quốc.
Ứng dụng thứ hai là tư vấn pháp lý miễn phí cho người khuyết tật. Khi người khuyết tật có những thắc mắc, câu hỏi chưa hiểu biết về các chế độ chính sách, quyền lợi theo luật của người khuyết tật và công ước quốc tế, họ tải ứng dụng DLaw về và đặt câu hỏi. Những thắc mắc sẽ được văn phòng luật sư Trương Thị Hòa và Công ty luật Roma liên kết để tư vấn miễn phí cho người khuyết tật thông qua ứng dụng này.
Ông Nguyễn Hữu Trung – Sáng lập và Giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Cystack
|
PV: Xin ông chia sẻ về giải pháp mà Cystack đang thực hiện?
Khoảng 2 năm gần đây dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách mà chúng ta sống và sinh hoạt cũng như làm việc. Nó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số Việt Nam. Để thích nghi với tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển môi trường làm việc từ offline sang online từ đó dẫn đến rất nhiều rủi ro trên môi trường Internet nơi các doanh nghiệp đang sống và làm việc, đặt ra một thách thức lớn về bảo mật. Đó là những gì Cystack đang theo đuổi để giúp doanh nghiệp vận hành an toàn hơn trên môi trường số.
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn?
Khi đưa các giải pháp truyền thống lên môi trường Internet, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ về bảo mật như lừa đảo, đánh cắp dữ liệu, tin tặc, tấn công mạng… nói chung là rất nhiều các vấn đề mà họ sẽ gặp rủi ro và cái giá phải trả là mất mát về dữ liệu, thậm chí là tài chính và uy tín của doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp sẽ cần phải có giải pháp giúp họ giải quyết được các vấn đề này. Các giải pháp của Cystack hiện tại có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận với cộng đồng bảo mật tại Việt Nam cũng như phương pháp bảo vệ dữ liệu, hệ thống trước các tấn công mạng với mức chi phí hợp lý và dễ dàng tiếp cận.
PV: Ông đánh giá thế nào về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021?
Chuyển đổi số Việt Nam 2021 là một giải thưởng uy tín, có nhiều ý nghĩa cho doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối giữa các doanh nghiệp đạt giải ngày hôm nay mà còn là cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp khác được tiếp cận với các nền tảng số tốt. Giải thưởng giúp doanh nghiệp tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả từ giá trị của các doanh nghiệp khác mang lại.
CyStack đã làm việc trong ngành bảo mật được hơn 3 năm và Giải thưởng mà chúng tôi nhận được là sự ghi nhận rất lớn từ cộng đồng công nghệ cũng như Ban tổ chức về những nỗ lực, đóng góp của chúng tôi cho cộng đồng.