Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Phải có được những nhà lãnh đạo và quản trị số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số chính là yếu tố con người, mà nhất thiết phải có những nhà lãnh đạo và quản trị số.

Ông Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc
Ông Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc

Ngày 7/10, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp và nông thôn thành phố Hà Nội", nhằm góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô.

Tại đây, báo cáo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn” của PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - nêu: Bên cạnh các giải pháp về chuyển đổi số đã được tư vấn và chuyển giao, điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số (không chỉ riêng trong nông nghiệp) chính là yếu tố con người, mà điều nhất thiết phải có được là những nhà lãnh đạo và quản trị số.

Theo ông Lê Xuân Rao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và là tiền đề để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thành uỷ Hà Nội cũng đã có Chương trình 07-Ctr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Trong báo cáo về ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội - cho biết, bên cạnh các văn bản, chính sách của UBND và HĐND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, chính các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp của thành phố cũng rất chủ động ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử và CNTT để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình tập huấn về thương mại điện tử và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một số hạn chế như các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do UBND Thành phố ban hành là khó thực hiện, chưa phù hợp với nhiều địa phương. Trong khi đó, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiện nay quy mô còn nhỏ. Vì thế, để mô hình này thực sự hiệu quả thì phải đảm bảo 2 yếu tố là đáp ứng theo tiêu chí của Thành phố và nằm trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của Hà Nội còn thiếu chính sách và định mức kinh tế kỹ thuật trong việc ứng dụng chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, trí tuệ nhân tạo, đưa công nghệ Internet vạn vật vào thực hành sản xuất, kết nối thị trường trên tất cả các lĩnh vực chủ yếu của nông nghiệp…

Vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đề nghị Thành phố chính thức ban hành chính sách và định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động nói trên, đồng thời, tập trung triển khai chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Muốn thực hiện thành công chuyển đổi số nông nghiệp phải nhất thiết có được những nhà lãnh đạo và quản trị số

Muốn thực hiện thành công chuyển đổi số nông nghiệp phải nhất thiết có được những nhà lãnh đạo và quản trị số

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ đã giới thiệu các công nghệ và giải pháp về ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ cao cho nông nghiệp. Cùng với các công nghệ và giải pháp này, các cơ sở nông nghiệp như Hợp tác xã Đan Hoài, Công ty Cổ phần Giống Gia súc Hà Nội, Hội Chăn nuôi Hà Nội, Hội Làm vườn Hà Nội đã chia sẻ thực tế ứng dụng công nghệ cao của mình.

Bà Phạm Đan Hoài – Chủ nhiệm Hợp tác xã Đan Hoài - một cơ sở chuyên doanh sản xuất hoa đề nghị cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hoá khoa học công nghệ, nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước để đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ.