EVN đoạt giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022” chiều 9/10.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN đại diện tập đoàn đón nhận giải thưởng
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN đại diện tập đoàn đón nhận giải thưởng

Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Cùng với EVN, còn có 2 đơn vị trực thuộc Tập đoàn được vinh danh trong sự kiện.

Chiều ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022”.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp trong 5 năm giải thưởng được tổ chức và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Cùng với EVN, còn có 2 đơn vị trực thuộc Tập đoàn được vinh danh trong sự kiện.

Để đoạt được giải thưởng quan trọng này, EVN cùng với 49 doanh nghiệp, Tập đoàn công nghệ, cơ quan nhà nước đã vượt qua hơn 400 hồ sơ dự thi chung khảo ở 5 hạng mục: Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng; sản phẩm, dịch vụ, giải pháp doanh nghiệp nước ngoài.

EVN vinh dự là một trong 7 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đoạt được giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc nhờ những đóng góp trong việc góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, EVN luôn đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong điều hành sản xuất kinh doanh. Đặc biệt năm 2021, Tập đoàn đã thực hiện các chương trình chuyển đổi số với chủ đề năm là "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam". Đến cuối năm 2022, dự kiến cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ khác cũng đạt trên 80% khối lượng thực hiện.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) được vinh danh ở hạng mục "Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng"

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) được vinh danh ở hạng mục "Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng"

Các giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số giúp EVN trở thành doanh nghiệp số xuất sắc năm 2022 được Ban Tổ chức vinh danh lần này bao gồm: Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD 2.0 – IMIS 2.0); giải pháp cổng thông tin điện tử EVN và số hóa nghiệp vụ hành chính văn phòng (EVNPortal); giải pháp quản lý sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM); ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt nam (SmartEVN); giải pháp tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư thông qua cổng dịch vụ công quốc gia vào hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS 3.0).

Các giải pháp được đăng ký tập trung ở 4 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số. Ở lĩnh vực quản trị hiện có 100% đơn vị áp dụng hệ thống Digital – Office, 100% báo cáo được luân chuyển dưới dạng điện tử, 100% các cán bộ quản lý được cấp chữ ký số. EVN đã hoàn thành kết nối giữa hệ thống văn phòng số (Digital Office) với trục liên thông văn bản quốc gia và chính thức sử dụng từ ngày 1/1/2020, không sử dụng văn bản giấy, kết nối tới gần 200 cơ quan gồm Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hành chính ở Trung ương và địa phương.

Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng, hướng đến số hóa các hoạt động trong đầu tư xây dựng như: Sổ nhật ký công trình điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và quản lý hồ sơ dự án điện tử… Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, EVN đã triển khai áp dụng hồ sơ điện tử cho 2.950 dự án, 1.207 dự án áp dụng chữ ký số, 160 dự án áp dụng sổ nhật ký công trình điện tử, hoàn thành thử nghiệm và triển khai trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh giám sát thi công và ứng dụng công nghệ mới như: 3D, UAV, BIM từ khâu khảo sát thiết kế đến triển khai dự án.

Trong lĩnh vực sản xuất, hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110 kV đến 500 kV. Đặc biệt, thử nghiệm thành công áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh nhằm nâng cao độ chính xác của hệ thống trong nhận diện 20 đối tượng thiết bị trên đường dây phục vụ giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải.

Về kinh doanh và dịch vụ khách hàng, số lượng công tơ điện tử đã lắp đặt trên toàn quốc đạt xấp xỉ 21,1 triệu/29,7 triệu công tơ, đạt tỷ lệ 70,9% và là cơ sở quan trọng để thu thập và khai thác dữ liệu phục vụ khách hàng. Các dịch vụ điện trực tuyến cũng đạt kết quả khả quan như: 9,4 triệu khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến cấp độ 4 năm 2021, đạt tỷ lệ 99%; 6,6 triệu hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng theo phương thức điện tử; trên 3,7 triệu hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp Hợp đồng mua bán điện điện tử, đạt tỷ lệ 99%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 96,97%.

Ngoài 4 lĩnh vực trọng tâm, Tập đoàn còn triển khai các nhiệm vụ khác nhằm nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và thực hiện các dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng nền tảng và kiến trúc công nghệ thông tin, hệ sinh thái số linh hoạt; tăng cường khai thác tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung để đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số trong EVN.

Những giải pháp này góp phần quan trọng giúp EVN phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022 và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN và đem lại sự hài lòng cho khách hàng./.