Điện than: vẫn là lựa chọn cho Việt Nam
Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 xét đến năm 2030 cho thấy, thời gian tới ngành điện sẽ phải chịu áp lực không nhỏ. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 -2030, ngành điện là phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm, điện thương phẩm năm 2030 khoảng 506 - 559 tỷ kWh. Trong giai đoạn đến năm 2030, cả nước sẽ phải đầu tư đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới, đồng thời phải tiếp tục phát triển lưới điện truyền tải và phân phối đồng bộ đáp ứng yêu cầu truyền tải, phân phối điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
ảnh minh họa
Trong bối cảnh nguồn điện hạt nhân chưa được phát triển, tiềm năng thủy điện hiện đã khai thác gần như tối đa, nguồn điện gió, điện mặt trời tiến triển chậm, điện than vẫn là lựa chọn hàng đầu cho Việt Nam hiện nay. Sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp nhất, xấp xỉ 7cent Mỹ/kWh; vốn đầu tư không quá cao - khoảng 1.500USD/kW, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân. Bên cạnh đó, nhiệt điện than không quá phụ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng không quá lâu, khoảng 3 năm kể từ ngày khởi công.
Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng cho thấy, đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than ở nước ta dự kiến đạt khoảng 55.300 MW, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất toàn hệ thống và tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.
Giải pháp từ Công nghệ siêu tới hạn (USC)
Trên thực tế, một trong những vấn đề “lấn cấn” nhất của nhiệt điện than chính là việc có thể tác động xấu đến môi trường.Hiện nay, nhiều nhà máy điện than vẫn đang hoạt động trong tình trạng hiệu suất chưa cao và phát thải nhiều gây ô nhiễm môi trường.Tuy nhiên, theo các chuyên gia về năng lượng, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, nếu nhà máy nhiệt điện than được đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến thì vấn đề hiệu suất và bài toán về môi trường hoàn toàn có thể giải quyết được.
Trên thế giới hiện nay, sản xuất điện than sạch bằng việc sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC) đang ngày càng phổ biến. Công nghệ này cho phép tăng hiệu suất của nhà máy điện một cách ấn tượng.Tại Đông Nam Á, Malaysia đang là nước thành công vang dội với công nghệ siêu tới hạn tại nhà máy điện than Manjung 4. Sau khi áp dụng công nghệ này, Manjung 4 đạt hiệu suất lên tới 40%, vượt mức trung bình toàn cầu là 33%; nhà máy cũng đạt được tỉ lệ vô cùng cao về tính sẵn sàng với 94,5% trong hai năm đầu vận hành, tỉ lệ mất điện cũng chỉ là 2,4% so với mức trung bình của thế giới là 4%.
Theo ông Amir Mujezinovic, Trưởng bộ phận Sản phẩm Toàn cầu của GE Steam Power - đơn vị thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng Manjung 4, việc ứng dụng công nghệ siêu tới hạn trong sản xuất điện từ than đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
“Với mỗi phần trăm hiệu suất được tăng lên với nhà máy, lượng khí CO2 thải ra môi trường sẽ được giảm đi 2%. Ngoài ra, với hệ thống AQCS cũng được cung cấp bởi GE, Manjung 4 đang đạt được tất cả các tiêu chuẩn về môi trường ban hành bởi các tổ chức uy tín nhất. Từ công nghệ khử lưu huỳnh khói thải (FGD) ướt, hệ thống túi lọc bụi (như thiết bị lọc bụi tĩnh điện và kiểu túi) hay hệ thống khử NOx trong khói thải (SCR), GE đang giúp nhà máy Manjung 4 giảm 4 - 5% lượng khí thải so với các nhà máy khác. Đây là một con số thật sự ấn tượng về cải thiện chất lượng môi trường trong khu vực” - ông cho biết.
Theo đại diện GE, Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn về điện than. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới như công nghệ siêu tới hạn sẽ giúp cho các nhà máy điện than có được sự phát triển bền vững.
Theo VnMedia