|
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi đồng 1), một trong những chuyên gia dịch tễ học (Ảnh: Alobacsi) |
Phóng viên: - Cho đến giờ Việt Nam có tổng số 8 ca bệnh dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Thưa bác sĩ, tỷ lệ khoảng 3% dương tính trở lại của Việt Nam có đáng lo ngại?
BS Trương Hữu Khanh: Tỷ lệ 3% số ca nhiễm dương tính trở lại thì không đáng ngại. Thế giới cũng bị tương tự. Hơn nữa, còn phải xét nghiệm kỹ xem số ca dương tính trở lại này mang tải lượng virus thế nào. Có hai trường hợp xảy ra, một là virus còn sống, hai là bệnh nhân chỉ còn mang xác virus thôi. Dù sao đây cũng là một bước cần thiết, bắt buộc để nghiên cứu COVID-19.
PV: Thưa bác sĩ, toàn bộ những bệnh nhân này đã trải qua quá trình điều trị và nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, rất sớm ngay sau khi xuất viện (từ 5 đến 15 ngày), những bệnh nhân này lại có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ đánh giá thế nào về khả năng lây lan của các bệnh nhân dương tính trở lại?
BS Trương Hữu Khanh: Đa phần cho thấy virus của người bệnh dương tính trở lại cũng yếu, ít lây nhiễm cho các đối tượng khác. Hầu như toàn bộ các xét nghiệm người tiếp xúc gần với họ đều âm tính. Tuy nhiên, nói như thế không phải để chủ quan. Vẫn cần nâng cao cảnh giác, thực hiện kỹ toàn bộ các khâu vệ sinh, công tác phòng, chống.
PV: Việc nhiều bệnh nhân dương tính trở lại sau điều trị khỏi khiến công chúng lo lắng về việc liệu có thể điều trị triệt để căn bệnh viêm phổi cấp do virus Corona?
BS Trương Hữu Khanh: Nên nhớ rằng, có khá nhiều bệnh tương tự COVID-19, không có thuốc điều trị, mà cũng chỉ điều trị triệu chứng, và nâng cao thể lực cho bệnh nhân, rồi kháng thể của vật chủ sẽ thắng virus, như sởi, quai bị, thủy đậu, tay chân miệng…
PV: - Bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, hàng ngàn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc làm, ai cũng muốn “mở cửa” trở lại để phục hồi dần nền kinh tế. Tuy nhiên, “mở cửa” cho kinh tế đồng nghĩa với mối lo về dịch bệnh sẽ tăng thêm. Nhất là đứng trước hiện trạng đã có tới 8 bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 như hiện nay? Thưa bác sĩ, liệu làn sóng thứ hai có thể tới sớm hơn dự kiến?
BS Trương Hữu Khanh: Làn sóng thứ hai có thể tới sớm hơn, hoặc tới trễ, hoặc không tới nữa; lúc này tất cả các tương lai đó đều phụ thuộc vào chính từng cá nhân, từng cơ quan, tổ chức.
|
Điều trị khỏi hơn 80% bệnh nhân COVID-19 và chưa có người tử vong, Việt Nam đang chống dịch rất tốt (Ảnh: Thái Bình)
|
Nếu “mở cửa” nhưng làm đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế thì hoàn toàn có thể yên tâm là dịch có thể chống được. Nhưng nếu trong lúc “mở cửa” mà lơ là, bất cẩn, để cho virus xâm nhập thì chính hành động đó lại góp phần làm “đóng cửa”, thậm chí là “đóng băng” kinh tế nặng nề hơn.
PV: - Nói như bác sĩ, là công chúng không chỉ có quyền hy vọng làn sóng thứ 2 tới trễ hơn mà hoàn toàn có thể kiểm soát để nó không tới nữa, trong lúc chờ đợi vắc-xin có thể được công bố sau một thời gian khá dài nữa?
BS Trương Hữu Khanh: Đúng vậy. Nhưng tin vui là từ giờ cho tới khoảng tháng 6/2020 thì tình hình sẽ rõ ràng hơn.
Vì sao lại nói vậy? Bởi vì khu vực đang bị COVID-19 tàn phá nặng nề nhất là các nước Bắc bán cầu với thời tiết ôn đới sẽ cần ít nhất là hết tháng 5/2020, sang tháng 6/2020 để nền nhiệt tăng lên đủ, thời tiết bước vào mùa hè. Yếu tố thời tiết cộng với yếu tố giãn cách xã hội sẽ cho thấy sự ổn định hơn của virus.
Nếu đến thời gian đó mà các nhà khoa học thấy tỷ lệ tử vong và khả năng lây lan không theo quy luật của con virus mới, tiếp tục diễn biến mạnh, thì họ sẽ đẩy nhanh quy trình sản xuất và vaccine có thể ra cuối năm 2020.
Còn nếu đến tháng 6/2020 mà tỷ lệ tử vong và khả năng lây lan bắt đầu ổn định theo quy luật thì các nhà khoa học sẽ nghiên cứu chậm lại chút, cân nhắc thật cẩn thận tất cả các yếu tố: nhân văn, kinh tế, y đức… để quyết định thời điểm công bố vaccine.