Dương tính là phát hiện vật liệu di truyền của virus
Theo TS. Phạm Quang Thái, những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe. Vẫn có trường hợp có triệu chứng ho hoặc sốt, những trường hợp này sẽ được làm xét nghiệm lại. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 2-3 lần nhưng sau đó lại dương tính.
TS. Thái cho biết: Thụ thể yêu thích của virus SARS-CoV-2 là ở phổi, chứ không nhiều trên vùng hầu họng, do đó, khi có triệu chứng là virus đã tấn công xuống đến phổi.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Minh Thúy
|
Khi bệnh nhân đã điều trị từ 6-7 ngày, đến khi hết triệu chứng và hồi phục, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus. Đến khi 2 lần âm tính (sau khi hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu) khả năng xét nghiệm âm tính cao, nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi, các tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus và mặc dù không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi. Lúc này, việc xét nghiệm ở những hệ thống nhậy vẫn cho kết quả dương tính.
“Cần lưu ý dương tính là phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng gì, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính” – TS. Thái nhấn mạnh.
Không có bằng chứng về khả năng lây nhiễm sau khi khỏi bệnh
Với những trường hợp như thế này, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương sẽ được làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không… Tuy nhiên, đến nay không có bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục.
Do đó người dân có thể yên tâm, các cơ sở y tế vẫn sẽ tiếp tục giữ những bệnh nhân sau hồi phục để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với Y học đến thời điểm này.
Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm nhanh COVID-19. Ảnh: Minh Thúy
|
Để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người thì những trường hợp như bệnh nhân 188 sẽ được đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế. Việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kỹ thật Realtime-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại 1 vài vật liệu di truyền của con này thôi là sẽ cho kết quả dương tính.
“Đến nay, trên thế giới chưa ghi nhận những lây nhiễm thứ phát từ những bệnh nhân đã điều trị khỏi. Việt Nam có tỉ lệ mắc không nhiều, nên chưa đủ bằng chứng để nói 100% chắc chắn trường hợp dương tính lại không lây ra cộng đồng. Dương tính trong xét nghiệm Realtime-PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của virus, không có nghĩa là tìm thấy virus còn sống và đang gây bệnh” – TS. Thái nói.
BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hòa Bình
|
Thông tin về khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh) chuyên gia dịch tễ học – cho hay: “Rất khó để xác định bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng hay không. Điển hình là 58 người đã tiếp xúc với bệnh nhân 22 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan mà vẫn phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, ở những nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc đông người theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.”
Về trường hợp bệnh nhân bệnh nhân 188 mắc COVID-19 âm tính trở lại sau khi tái dương tính với virus SARS-CoV-2, BS. Khanh cho rằng có thể nguyên nhân là do nồng độ virus trong cơ thể bệnh nhân thấp hoặc do quá trình xét nghiệm.
Trường hợp này cũng giống với trường hợp bệnh nhân 22 người Anh sau khi xét nghiệm 3 lần âm tính thì lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Đến khi về nước, bệnh nhân này lại có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.