Chuyên gia dịch tễ học

BS Trương Hữu Khanh phân tích kỹ về ca bệnh 22 và cảnh báo

VietTimes – Ca bệnh 22 dương tính trở lại khiến công chúng lo lắng đặt nhiều dấu hỏi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) chuyên gia dịch tễ học - phân tích kỹ về ca bệnh 22 và đưa cảnh báo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) chuyên gia dịch tễ học (Ảnh: Alobacsi)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) chuyên gia dịch tễ học (Ảnh: Alobacsi)

Virus vào người để làm gì?

PV: - Thưa bác sĩ, ông có chỉ dẫn gì trước sự lo lắng của công chúng về việc ca bệnh 22 dương tính trở lại?

BS Trương Hữu Khanh: - Để thôi lo lắng, trước hết hãy tìm hiểu kỹ về việc con virus này nó vào cơ thể con người để làm gì.

Virus không tự nhân đôi mà phải nhờ ký chủ. Nó dùng cấu trúc tế bào của ký chủ để tổng hợp thành nhiều virus con.

Một lượng virus xâm nhập vào đường hô hấp hay tiêu hóa hoặc qua da không thể phân phát ngay cho người xung quanh vài con để lây lan. Nó cần thời gian để nhân lên, và nhân lên đủ số lượng thì sẽ phát tán và làm cho con người phát ra triệu chứng. Thời gian này gọi là thời gian ủ bệnh.

Tiền chứng thì có khi không rõ triệu chứng nhưng đã có thể lây bệnh cho người khác.

Khởi phát là bắt đầu sốt nhẹ nhẹ, ho chút chút nếu là bệnh hô hấp.

Toàn phát thì ho nhiều, sốt nhiều và phát tán virus nhiều.

Hồi phục là giai đoạn hết dần triệu chứng đa số do virus hết dần, và cơ thể đã tạo ra kháng thể hay có thể đã chiến thắng con virus rồi.

Cơ thể có thể phát tán ra virus là từ khi tiền chứng chứ trong giai đoạn ủ bệnh thì tuyệt đối không. Việc phát tán virus tăng dần từ tiền chứng tới khởi phát và toàn phát.

Người không có triệu chứng nhưng có virus và tiếp tục lây bệnh, hay người không có triệu chứng nói chung thì gọi là người lành mang trùng chứ không phải giai đoạn ủ bệnh.

Như ca bệnh 22, sau giai đoạn hồi phục, khỏi bệnh, có thể là trong các tế bào bạch cầu vẫn còn chứa đoạn gene di truyền của virus nhưng chỉ là số lượng rất ít, hay nói khác đi là nồng độ virus thấp. Khi sử dụng kỹ thuật xét nghiệm PCR trên mẫu bệnh phẩm, vẫn có khả năng phát hiện số lượng virus này.

Muốn biết rõ, chỉ cần lấy thêm mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm thêm, sẽ nghiên cứu được số lượng virus mà ca bệnh 22 đang mang là bao nhiêu, virus đã tiếp tục nhân lên chưa?

Giải pháp quan trọng nhất đối với nhóm người lành mang trùng này là cách ly. Còn đối với người tiếp xúc, chỉ cần mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà bông. Chỉ hai yếu tố này thôi là đảm bảo khó có thể lây nhiễm trong giai đoạn ca 22 đang mang một số lượng virus ít ỏi như thế.

Bằng chứng là, cho đến sáng nay, toàn bộ các xét nghiệm những người tiếp xúc gần với ca bệnh 22 trong thời gian cách ly tại Đà Nẵng và trong lúc bệnh nhân người Anh này đi qua TP.HCM để quá cảnh sang Anh đều có kết quả âm tính với nCoV.

Xe đưa ca bệnh 22 xuất viện cùng 2 bệnh nhân khác hôm 27/3 tại Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Xe đưa ca bệnh 22 xuất viện cùng 2 bệnh nhân khác hôm 27/3 tại Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)


Đã cần lo lắng về virus biến chủng hay chưa?

PV: - Về giả thiết khiến nhiều người đang lo lắng là virus có thể biến chủng, né tránh hệ thống miễn dịch mà người bệnh đã tạo ra sau thời gian điều trị, để quay trở lại thì sao thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh: - Nói như một số người cho rằng virus Corona chủng mới đã tiến hóa thành hai chủng khác nhau là chưa đúng. Tất cả đều có cây phả hệ chứ không phải tự nhiên mà biến hóa đa dạng vậy.

Thông thường khi nhiễm virus, giai đoạn đầu virus nhân lên rất nhiều trong cơ thể. Cơ thể sẽ huy động hệ thống tế bào sản xuất kháng thể, chặn lại không cho virus nhân lên, bệnh nhân được điều trị khỏi. Qua giai đoạn sau, bệnh nhân có thể thuộc một trong hai nhóm. Một nhóm là hoàn toàn không còn virus trong cơ thể. Nhóm thứ hai là virus trở thành cộng sinh, vẫn ở trong cơ thể mà không gây bệnh. 

Còn về các biến chủng của virus, khả năng này có, nhưng chúng ta chưa đủ cơ sở khoa học để nói về nó. Công chúng cũng không cần lo lắng về virus biến chủng. Bởi như trường hợp dương tính trở lại của ca bệnh 22, lý giải nó theo hướng người lành mang trùng thì hợp lý, bây giờ toàn bộ những người tiếp xúc gần với ca bệnh 22 đều đã âm tính, chứng tỏ con virus này đã suy yếu, nói khác đi là đã khá “thân thiện” với người mang nó chứ không còn “ác tính” như hồi đầu mới xuất hiện trên ký chủ này.

Còn nếu đặt giả thuyết đã có biến chủng của virus, chắc chắn chủng mới sẽ có sức “công phá” mạnh mẽ, lây lan “ác tính” mới hợp lý.

Ca bệnh số 22 và 23 tại sân bay Đà Nẵng ngày 10/4 trước khi di chuyển vào TP.HCM (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Ca bệnh số 22 và 23 tại sân bay Đà Nẵng ngày 10/4 trước khi di chuyển vào TP.HCM (Ảnh: Hồ Xuân Mai)


Tín hiệu vui nhưng cần hết sức thận trọng

PV: - Thưa bác sĩ, nếu phân tích như ông thì công chúng có nên lo sợ trước việc dương tính trở lại của ca bệnh 22?

BS Trương Hữu Khanh: - Ca  bệnh 22 dương tính trở lại nhưng virus khá yếu, lành tính dần đi, hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Đây là tín hiệu vui. Công chúng không cần lo lắng suy diễn nhiều.

Tuy nhiên, tín hiệu vui không phải để chủ quan. Điều mà tất cả nên ý thức rõ lúc này là càng phải nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bởi thực tế chữa bệnh ở Trung Quốc có tới 10% bệnh nhân hồi dương tính trở lại với nCoV. Các nước khác chưa thống kê tỷ lệ nhưng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính trở lại nên nếu đã phát hiện ca bệnh 22 dương tính trở lại thì biện pháp phòng ngừa càng phải nghiêm ngặt hơn ở mọi nơi, mọi môi trường.

Nhất thiết đảm bảo quy trình cách ly với các bệnh nhân kể cả sau khi hồi phục, xuất viện, bắt buộc tuân thủ xét nghiệm đánh giá sau 5 ngày, 14 ngày. Bệnh nhân xuất viện vẫn nên hạn chế tiếp xúc với người thân và cộng đồng trong ít nhất là 14 ngày tiếp theo.

PV: - TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất phải đánh giá tính rủi ro đối với dịch bệnh COVID-19. Ngày hôm qua, TP.HCM vừa đình chỉ hoạt động của một công ty có trên 70.000 công nhân, do tỷ lệ 81% rủi ro với COVID-19. Lãnh đạo TP.HCM đang tiếp tục yêu cầu toàn bộ các nhà trường đánh giá tỷ lệ rủi ro này để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trước thời điểm học sinh, sinh viên quay trở lại trường. Thưa bác sĩ, điều cần làm nhất đối với cộng đồng trong lúc này là gì?

BS Trương Hữu Khanh: - Thứ nhất, theo dõi thông tin từ cơ quan y tế, xem những người dương tính với nCoV đã đi đâu, làm gì. Rồi tự xem lại hoạt động của mình, xem mình hoặc người thân, đồng nghiệp của mình có nguy cơ không.

Thứ hai, kể cả khi không có nguy cơ, thì vẫn nên tuân thủ tự cách ly ai ở nhà người đó là tốt nhất. Nếu thấy bắt đầu xuất hiện triệu chứng thì tham vấn tổ chức y tế, cơ quan chức năng, đề phòng cho người già, người có yếu tố nguy cơ trong gia đình mình.