PV: Thưa bác sĩ, hồi mới phát hiện ra bệnh nhân số 17 khai báo y tế không trung thực về việc mình đã đi qua vùng dịch, khiến lây bệnh cho rất nhiều người, dư luận xã hội cũng đã ồn ào đòi hỏi cần phải xử phạt bệnh nhân này. Nhưng đến nay thì sự việc lại lắng xuống? Rồi sau đó là bệnh nhân 34 và bây giờ là bệnh nhân số 100 đều không hợp tác khi đi qua vùng dịch mà không tự cách ly. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
BS Trương Hữu Khanh: - Có thể vì công tác chống dịch quá căng thẳng nên đã chiếm hết thời gian. Và hơn nữa, sự quan tâm được ưu tiên hàng đầu là chống dịch, nên việc phạt những người làm trái pháp luật đã tạm thời xếp xuống một bên.
Nhưng cho đến hiện tại thì không thể nói như vậy được nữa. Hiện nay, số ca bệnh phát hiện là người đi qua vùng dịch từ nước ngoài về càng lúc càng nhiều. Trong khi đó, mỗi ngày vẫn có hàng chục ngàn người tiếp tục trở về. Mối nguy hiểm này khiến cả xã hội lao đao. Chỉ cần một người khai không trung thực, không chấp hành các quy định về cách ly, sẽ mang lại nguy cơ hoàn toàn có thật cho hàng ngàn người khác trong cộng đồng.
Sau bệnh nhân 17, đã xuất hiện thêm bệnh nhân 34 cũng không trung thực khi khai báo, không tự cách ly, dẫn đến nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi khoanh vùng dịch. Bây giờ thêm bệnh nhân số 100 cũng bất tuân pháp luật, đang thời hạn tự cách ly mà đi lễ rất nhiều lần, gặp gỡ rất nhiều người.
Nếu cá nhân người Việt ta chưa thể tự có ý thức cao về phòng, chống dịch, nhà nước cần thẳng tay phạt nặng để cả xã hội phải nhìn vào đó làm gương. Tôi đề nghị phạt ngay, phạt gấp các bệnh nhân 17, 34 và 100.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)
|
PV: Thưa bác sĩ, có ý kiến cho rằng các bệnh nhân này đang nằm viện, nếu phạt tiền hoặc như một số đề nghị là cần truy tố họ trong lúc này, có phi nhân đạo không?
BS Trương Hữu Khanh: Thử đặt lại câu hỏi khi họ gian dối, không tuân thủ luật pháp, làm ảnh hưởng đến hàng ngàn người khác, xáo trộn cuộc sống, thiệt hại kinh tế của nhà nước và nhân dân, thì họ có nhân đạo không?
Chính phủ Việt Nam đang miễn phí toàn bộ chi phí chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 (virus Corona chủng mới). Trong đó bao gồm cả những bệnh nhân diễn biến xấu, bệnh nặng, rất tốn kém về trang thiết bị y tế, phòng hộ như nữ bệnh nhân 64 tuổi có bệnh nền tại Hà Nội, là bác gái của bệnh nhân 17.
Nếu các bệnh nhân này ở nước ngoài, họ sẽ phải trả những khoản chi phí khổng lồ, điển hình như tại nước Mỹ đã có bệnh nhân phải trả vài chục ngàn USD sau khi khỏi bệnh.
Vậy chính sách miễn phí toàn bộ chi phí chữa bệnh, xét nghiệm và cách ly của Việt Nam đã đủ nhân đạo chưa? Tại sao lại cho phép các bệnh nhân này “chui lọt” qua những “kẽ hở” to đùng để vi phạm pháp luật? Chỉ cần phạt tiền thôi, đâu phải là điều gì quá đáng với họ?
Trong khi tính mạng của bệnh nhân đang được đánh đổi bằng sự đối đầu với nguy hiểm, đầu tiên là của đội ngũ y tá, hộ lý, bác sĩ. Mà cho đến hiện tại, đã có 2 y tá của BV Bạch Mai bị nhiễm, và đến sáng nay là bác sĩ khoa cấp cứu của BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Sau nữa, là tính mạng của toàn bộ những người đang tình nguyện phục vụ trong các khu cách ly. Và cuối cùng là tính mạng của người dân.
Làm việc trong các khu vực cách ly, y tá, bác sĩ có nguy cơ lây nhiễm (Ảnh: Minh Thúy)
|
Nếu chỉ vì những người khai báo gian dối, bất tuân luật pháp, không chịu cách ly mà làm cho dịch bùng lên nóng bỏng như nhiều nước châu Âu đang phải đối mặt, thì ai là người chịu trách nhiệm về điều đó?
Cho đến lúc đó, thì có đưa các bệnh nhân này ra tòa, cũng không giải quyết được điều gì. Nhưng bây giờ phạt “nóng” các bệnh nhân này thì vẫn còn chưa quá trễ để cảnh báo cho các đối tượng khác.
PV: Thưa bác sĩ, với tư cách là một trong những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, từng “giữ sạch” địa bàn, không để xảy ra tử vong trong vụ dịch sởi năm 2014, ông cho rằng điều quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch truyền nhiễm là gì?
BS Trương Hữu Khanh: Chỉ cần cách ly tốt sẽ khoanh vùng dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, nhân lực, tập trung để giải quyết các ca nhiễm, đồng thời thực hiện phòng hộ cho đội ngũ y tế. Cách ly tốt cũng sẽ giúp cho cả xã hội không lâm cảnh cùng rối loạn, mệt mỏi, đuối sức khi phải chạy theo những diễn biến bất ngờ. Cơ quan chức năng cũng bớt nhiều phần rủi ro đối mặt nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh khiến mất kiểm soát hệ thống bất cứ lúc nào.
PV: - Xin cảm ơn bác sĩ!
Đã có nhiều nước trên thế giới tiến hành phạt người khai báo không trung thực, hoặc cố tình không chấp hành biện pháp cách ly. Chẳng hạn như mới nhất, ca sĩ Kanika Kapoor là người nổi tiếng đầu tiên ở Ấn Độ đã trở thành bệnh nhân COVID-19 cũng bị cảnh sát Ấn Độ phạt tiền vì bất tuân luật pháp, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng. Dư luận nước này cũng lên án, chỉ trích người đẹp vì đã từ vùng dịch nước Anh trở về nhưng không chịu cách ly, vẫn đi dự nhiều sự kiện có đông người Ấn Độ tham dự. |