Trưởng khoa nhiễm (BV Nhi Đồng 1)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh ra mắt “Corona từ A đến Z” giữa mùa dịch

VietTimes – Cuốn cẩm nang về dịch tễ cộng đồng cho mọi gia đình, trường học, doanh nghiệp “Corona từ A đến Z” – “Đại dịch tim không đập thình thịch” của BS. Trương Hữu Khanh, một trong những chuyên gia dịch tễ, đã chỉ ra những sai lầm, ngộ nhận thường gặp.
Cuốn sách về đại dịch do virus Corona của BS Trương Hữu Khanh (Ảnh: HB)
Cuốn sách về đại dịch do virus Corona của BS Trương Hữu Khanh (Ảnh: HB)

Cuốn sách vừa ra mắt, “Corona từ A đến Z: Đại dịch tim không đập thình thịch!” của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) giải thích về COVID – 19 bằng phong cách hài hước, bình dân, nhưng đã giúp chỉ ra những sai lầm, ngộ nhận thường gặp của người dân khi phòng chống COVID – 19. Sách do Anbooks thực hiện, gồm 5 chương.

Ai thuộc nhóm nguy cơ cao?

Chương 1: Hệ thống “dòng họ nhà Corona”, bao gồm việc phân tích bản chất của virus, nguồn gốc của virus Corona kinh điển, SARS, MERS và cuối cùng là chủng mới Sars-coV-2 gây ra đại dịch Covid – 19 trên toàn cầu.

Bác sĩ phân tích “hành vi” của virus trong cơ thể người đến các giai đoạn của bệnh (ủ bệnh; tiền chứng; khởi phát; toàn phát, hồi phục) và chỉ ra thái độ đúng khi nghe tin phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Chương 1 cũng lý giải cụ thể lý do tại sao không có miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, vì sao số lượng người nhiễm bệnh tăng rất nhiều và rất nhanh; đồng thời phân tích chi tiết về các phương pháp xét nghiệm hiện nay, từ mục đích của việc xét nghiệm, đến việc ai cần làm xét nghiệm, ai không cần, ai thuộc nhóm nguy cơ cao; đến việc phân tích yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của virus; cách tìm ra nguồn lây bệnh, và chỉ ra nguồn lây nhiễm chính, từ đó giải thích cách ly là gì, tại sao phải cách ly và hướng dẫn bảo vệ đối tương nguy cơ cao.

Chương 2: Vai trò của cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng

Ở chương 2, bác sĩ phân tích về miễn dịch cộng đồng đối với các bệnh lây nhiễm, lấy ví dụ sởi, tay chân miệng, những bệnh rất quen thuộc đối với cộng đồng, để bạn đọc dễ hình dung hơn về miễn dịch cộng đồng. Bác sĩ cũng phân tích làm sao để tạo được miễn dịch cộng đồng một cách đơn giản nhất.

Trả lời câu hỏi: có nên “thả nổi” để tạo miễn dịch cộng đồng; phân tích vai trò của cá nhân và gia đình trong việc làm chậm lây lan Covid-19 thông qua việc giải thích tốc độ lây lan; và giải thích cặn kẽ vì sao ở nhà, ở nhà, ở nhà lại là “Cứu đất nước, cứu thế giới”.

Bác sĩ phân tích khái niệm F0; F1; F2; F3 và toàn bộ quy trình liên quan đến việc giám sát và tự giám sát
Bác sĩ phân tích khái niệm F0; F1; F2; F3 và toàn bộ quy trình liên quan đến việc giám sát và tự giám sát


Ở chương 2, bác sĩ cũng giải thích về giám sát y tế, chỉ rõ những người nào đang có nguy cơ mắc bệnh, cách ly tại nhà – ai canh chừng người có nguy cơ; đồng thời giải thích về các phương pháp cách ly khác nhau trong từng mức độ khác nhau, và cho biết khi nào thì giảm cách ly.

Bác sĩ Khanh phân tích vì sao khi tình hình chuyển biến, tốc độ lây chậm thì chúng ta nới lỏng cách ly như thế nào? Khi nào thì cần xét nghiệm đại trà? Bác sĩ cũng phân tích khái niệm F0; F1; F2; F3 và toàn bộ quy trình liên quan đến việc giám sát và tự giám sát đối với chuỗi từ F0 đến F3.

Chương 3: Chốn công sở không lo sơ hở

Trong chương 3, bác sĩ phân tích các nguy cơ lây nhiễm cao ở công sở, chỉ rõ vai trò của cấp quản lý, nhân viên, hướng dẫn từng bước thực hiện quy trình vệ sinh từ lúc tan sở đến lúc vào ca, đến việc sử dụng đèn cực tím để diệt virus như thế nào, và cách để phòng ngừa nguy cơ khi tiếp xúc với người lạ.

Chương 4: Chuyện đi học thời COVID

Ở chương 4, bác sĩ hướng dẫn cách vận hành hệ thống giám sát y tế cho trẻ em khi đi học trở lại. Bác sĩ cũng cho biết tỷ lệ trẻ em bị nhiễm bệnh rất ít.

Bác sĩ cũng chỉ ra các bước cần thực hiện khi trẻ em quay trở lại trường học, bao gồm việc giám sát khi trẻ trở lại trường học ra sao; Giáo viên có cần khẩu trang y tế không? Trẻ em đi học lại có cần khẩu trang không? Và trẻ em thì nên đeo khẩu trang loại gì…

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Alobacsi)
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Alobacsi)


Chương 5: COVID-19 và những lời đồn

Tại chương này, bác sĩ trả lời các câu hỏi phổ biến của độc giả về khẩu trang y tế, bao gồm việc tái sử dụng khẩu trang y tế như thế nào? Mang khẩu trang sai có tác hại như thế nào?

Phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19 thì như thế nào? Có khả năng COVID-19 kết hợp với H5N6 hay không?

Khác với những tài liệu cung cấp kiến thức y khoa đơn thuần, cuốn sách này mang tới lời giải đáp cho thắc mắc của người dân, được đúc kết từ một bác sĩ có kinh nghiệm làm việc liên quan tới các bệnh truyền nhiễm.

“Dịch bệnh là điều không dự tính được, nhưng hiểu đúng, hiểu đủ, để có bản lĩnh chung sống với dịch bệnh là điều mỗi người chúng ta đều có thể chủ động làm được” - Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Bác sĩ nhắn nhủ: “Cuốn sách này ra đời với hy vọng giúp quý bạn có thái độ hợp lý, và quan trọng hơn là giúp mình hiểu đúng để tự bảo vệ mình, bảo vệ những người có nguy cơ trong gia đình và xung quanh mình. Và vì vậy, cuối cùng, bạn sẽ bảo vệ được cộng đồng”.

Ngoài những kiến thức về đại dịch, cuốn sách còn bàn đến là sự chuẩn bị những kiến thức y khoa cho thời điểm dịch tạm lắng; khi công việc, học tập trở lại bình thường, là điều mà mọi nhà trường, công sở đều cần nghĩ tới và học cách chuẩn bị.