Nhật Bản hiện đại hóa, tăng tầm tên lửa chống hạm đối phó Trung Quốc, Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong tình huống gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan, Nhật Bản đặt mục tiêu sở hữu 1000 tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu trên bờ biển Trung Quốc, Triều Tiên.
Tổ hợp tên lửa chống hạm Type-12 Nhật Bản và tổ hợp pháo phản lực - tên lửa HIMARS Mỹ trong diễn tập RIMPAC-2018
Tổ hợp tên lửa chống hạm Type-12 Nhật Bản và tổ hợp pháo phản lực - tên lửa HIMARS Mỹ trong diễn tập RIMPAC-2018

Nhật báo Yomiuri đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu triển khai Tên lửa chống hạm Type-12 phóng từ mặt đất (Type 12 SSM), tăng cường tầm bắn của tên lửa từ 200 km đến hơn 1.000 km, tiếp cận vùng nước các đảo xa xôi phía tây nam và vùng Kyushu.

Nhằm mục tiêu thu hẹp “khoảng cách tên lửa” với Trung Quốc, Nhật Bản đang xem xét phát triển kho dự trữ chiến lược 1.000 tên lửa hành trình tầm xa, khi căng thẳng trên eo biển Đài Loan gia tăng. Những vũ khí được nâng cấp, có khả năng phóng từ chiến hạm và trên không, sẽ đưa bờ biển Trung Quốc và Triều Tiên vào tầm bắn hiệu quả.

Theo thống kê từ các nguồn mở, Trung Quốc sở hữu khoảng 300 tên lửa hành trình và 1.900 tên lửa đạn đạo có thể tấn công Nhật Bản. Triều Tiên có hàng trăm tên lửa đạn đạo, mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Nhật Bản, những đột phá công nghệ quân sự của nước này, trong đó có tuyên bố thử nghiệm vũ khí siêu thanh, được thiết kế để có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại khiến Tokyo lo ngại.

Nhật Bản không sở hữu bất kỳ tên lửa tầm xa nào, những vũ khí được đề xuất sẽ là cốt lõi trong chương trình nghị sự của chính phủ nhằm đạt được khả năng phản kích, cho phép quốc gia này tấn công các căn cứ và trung tâm chỉ huy, kiểm soát và điều hành tác chiến của đối phương. Chính phủ Nhật Bản hiện đang phát triển kế hoạch cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất của kẻ thù tiềm năng bằng SSM type 12.

Tên lửa chống hạm cơ động cao (SSM) của Mitsubishi Heavy Industries Type-12. Ảnh Military Leak

Tên lửa chống hạm cơ động cao (SSM) của Mitsubishi Heavy Industries Type-12. Ảnh Military Leak

Tên lửa chống hạm Type 12 từ đất liền là hệ thống tên lửa hành trình trên xe tải do công ty Mitsubishi Heavy Industries Nhật Bản phát triển vào năm 2012. Tổ hợp tên lửa là phiên bản nâng cấp Tên lửa chống hạm Type 88.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JGSDF) phóng tên lửa chống hạm Type 12 SSM trong cuộc diễn tập Sinkex RIMPAC 2018. Video Defense daily.

Tên lửa Type 12 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tình INS với định vị vệ ting GPS giai đoạn giữa, có độ chính xác cao hơn nhờ khả năng Đối sánh đường viền địa hình và khả năng phân biệt ảnh mục tiêu tối ưu hóa. Vũ khí được kết nối mạng thông tin chiến thuật, cho phép các phương tiện chiến đấu khác cung cấp dữ liệu mục tiêu ban đầu và giai đoạn giữa, thời gian nạp đạn ngắn, chi phí vòng đời thấp, tầm bắn đến 108 hải lý, tương đương 200 km. Tên lửa chống hạm sử dụng chung thiết bị dò tìm và khóa mục tiêu radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) băng tần Ka với tên lửa BVRAAM, AAM-4B của Nhật Bản.

Nội các chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình phát triển phiên bản hiện đại hóa Tên lửa đất đối hạm Type 12 ngày 18/12/ 2020. Theo truyền thông Nhật Bản, tầm bắn sẽ được tăng cường từ 200 km lên 900 km, mục tiêu trong tương lai là 1.500 km. Tên lửa sẽ được ứng dụng công nghệ tàng hình nhằm giảm độ phản xạ hiệu dụng radar (RCS), khả năng cơ động cao nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đánh chặn từ đối phương. Tên lửa có thể tấn công không chỉ các mục tiêu hải quân mà cả các mục tiêu mặt đất. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các phương tiện mang phóng tên lửa Type 12 SSM hiện đại hóa sâu sẽ là các xe vận tải – phóng mặt đất, chiến hạm nổi và máy bay chiến đấu.