|
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 |
NXB đã có sự chuẩn bị trước
Theo ông Tùng, từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, NXBGDVN đã chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.
Theo đó, NXBGDVN đã được Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp xây dựng và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học xuất bản một bộ SGK mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình hành động của Chính phủ và Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK của Bộ GD&ĐT.
Các nội dung hợp tác này đã được cụ thể hóa tại Biên bản ghi nhớ kết quả cuộc họp giữa ban lãnh đạo NXBGDVN với ban lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh về việc liên kết xuất bản một bộ SGK mới.
|
Biên bản ghi nhớ kết quả cuộc họp giữa ban lãnh đạo NXBGDVN với ban lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh
|
Tại biên bản này, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất liên kết với NXBGDVN để xây dựng, triển khai đề tài nghiên cứu khoa học xuất bản một bộ SGK mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình hành động của Chính phủ và Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, SGK của Bộ GD&ĐT. Trước mắt chuẩn bị cho việc xuất bản một bộ SGK mới.
Ban Chỉ đạo chung để chuẩn bị xuất bản bộ SGK mới được thành lập gồm: ông Vũ Văn Hùng – Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXBGDVN; ông Phan Xuân Khánh – Phó Tổng Biên tập NXBGDVN; bà Trần Thị Kim Nhung – quyền Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định; ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh và bà Phạm Kim Oanh – Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Văn Hùng – Tổng Giám đốc NXBGDVN được giao chỉ đạo soạn thảo đề tài nghiên cứu khoa học, hoàn thành trong tháng 3/2015, tổ chức họp thống nhất thông qua đề tài trong tháng 4/2015.
NXBGDVN sẽ tổ chức làm việc, tập huấn cho các tác giả; tổ chức viết thử một số bản mẫu, dạy thử; tạm ứng kinh phí ban đầu. Sau khi Chính phủ công bố chương trình giáo dục phổ thông sẽ chuyển đề tài nghiên cứu khoa học thành đề án, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Biên bản ghi nhớ này do ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh và ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN ký vào ngày 10/3/2015.
Sở GD&ĐT lập danh sách tác giả, Hội đồng thẩm định SGK
Trong biên bản ghi nhớ kết quả cuộc họp giữa ban lãnh đạo NXBGDVN với ban lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định để lập danh sách tác giả, Hội đồng thẩm định, đề xuất tổng chủ biên, chủ biên từng môn học để xem xét, thống nhất giữa hai bên.
|
Gian hàng sách giáo khoa
|
Theo quy định của pháp luật, tại khoản 1a, điều 7 của Nghị định số 11/2010 của Chính Phủ về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Sở GD&ĐT có trách nhiệm: “Trình UBND cấp tỉnh: dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục trên địa bàn; dự thảo các quyết định, chỉ thị khác về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh để phát triển giáo dục”.
Tại khoản 2, Điều 11, Thông tư số 33/2017TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK đã quy định: "Người tham gia biên soạn sách giáo khoa không tham gia thẩm định sách giáo khoa".
TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho hay: Nếu Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh có chỉ đạo biên soạn sách thực sự, việc tham gia vào Ban chỉ đạo không chỉ gây ra xung đột lợi ích mà còn làm cho uy tín của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng, lòng tin của người dân bị giảm sút.
Nhuận bút biên soạn SGK được chi trả cho những ai?
Năm 2018, sau khi Bộ GD&ĐT bổ nhiệm ban lãnh đạo mới thay thế các đồng chí đã nghỉ hưu, NXBGDVN đã tiếp nối, phối hợp với Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh để xây dựng, hoàn thiện bộ SGK Chân trời sáng tạo.
Vừa qua bộ SGK này đã được Hội đồng Quốc gia thẩm định thông qua và được Bộ GD&ĐT quyết định chính thức sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021.
Theo Phó Tổng biên tập NXBGDVN, Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK được thành lập với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, tập hợp, lựa chọn các thầy cô giáo có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm giảng dạy để tham gia làm tác giả; hỗ trợ trong việc triển khai dạy thực nghiệm; tổ chức các hội thảo tập huấn biên soạn, biên tập, thiết kế SGK; phản biện, góp ý, chỉnh sửa cho bản thảo của bộ SGK này.
|
Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NV
|
Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Nhuận bút biên soạn SGK chỉ được chi trả cho Tổng chủ biên, Chủ biên và các tác giả.
Do đó, NXBGDVN phải cân đối tính toán để có mức thù lao phù hợp cho các thành viên Ban chỉ đạo từ nguồn kinh phí của mình.
Trước nhiều ý kiến thắc mắc vì sao Nhà xuất bản liên tục báo lỗ nhưng lại chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, ông Tùng cho hay: Hoạt động xuất bản SGK trong nhiều năm của NXBGDVN không có lãi. NXB đã phải bù đắp khoản lỗ này từ các nguồn thu khác.
“Tổ chức biên soạn, xuất bản SGK bao gồm khối lượng công việc lớn, trải qua rất nhiều công đoạn từ nghiên cứu chương trình, tập huấn đội ngũ tác giả, biên soạn, biên tập, minh họa, dạy thực nghiệm cho tới giới thiệu sách, tập huấn giáo viên sử dụng sách, cung cấp sách mẫu, học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình tổ chức dạy học... Đó là một khoản kinh phí không nhỏ. Song với mục tiêu đặt nhiệm vụ phục vụ lên hàng đầu, NXBGDVN sẽ phải cân đối, bù đắp chi phí để SGK có mức giá phù hợp nhất với đại đa số gia đình có con em đi học.” – ông Tùng nói.
VietTimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này...