Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 9 Chương, 115 Điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.
Về chương trình GDPT, dự thảo luật quy định chương trình giáo dục phải đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sing, do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội.
Chương trình GDPT phải bảo đảm các yêu cầu: Quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của GDPT; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm trước khi ban hành; được công bố công khai sau khi ban hành.
Đáng chú ý, SGK được triển khai trong chương trình GDPT sẽ cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật.
Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về SGK GDPT; phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK GDPT; quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh.