Nhà nghiên cứu chiến lược Nga: Tình hình hiện nay nguy hiểm hơn Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tối 27/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Vasili Gerasimov về tình hình Ukraine, đưa ra quyết định quan trọng.
Tối 27/2, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh nâng cấp lực lượng răn đe chiến lược của quân đội Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt (Ảnh: Singtao).
Tối 27/2, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh nâng cấp lực lượng răn đe chiến lược của quân đội Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt (Ảnh: Singtao).

Ông Putin tuyên bố, do "các biện pháp không thân thiện của phương Tây trong lĩnh vực kinh tế và những bình luận gây hấn của các quan chức cấp cao các nước thành viên NATO đối với đất nước chúng ta", ông đã ra lệnh nâng cấp lực lượng răn đe chiến lược của quân đội Nga được trang bị vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt.

Trước đó cùng ngày, Nga và Ukraine vừa thỏa thuận tổ chức các cuộc đàm phán tại biên giới giữa Belarus và Ukraine vào ngày 28/2. Đây cũng là lần đầu tiên tình hình Ukraine xuất hiện ánh sáng hòa bình kể từ khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2. Nhưng trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố chính sách của ông chống lại Nga là lựa chọn giữa "hoặc là trừng phạt, hoặc là Chiến tranh thế giới thứ ba", điều này được cho là phủ bóng đen lên giải pháp hòa bình cho tình hình.

Việc ông Putin nâng cấp khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân "là nhằm gửi một tín hiệu rõ ràng đến và NATO". Vào tối ngày 27, ông Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Ủy ban các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC), một cơ quan tham vấn của Liên bang Nga, phát biểu cho rằng hành động của Nga trên thực tế có liên quan trực tiếp đến nỗ lực ngày càng tăng của các nước NATO nhằm "ứng phó tình hình Ukraine" từ ngày 26 đến ngày 27/2.

Tổng thống Nga Putin cùng Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và Tổng TMT Grasimov (Ảnh: RIA).

Tổng thống Nga Putin cùng Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và Tổng TMT Grasimov (Ảnh: RIA).

“Đây có thể được coi là một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba mới”, ông Kortunov nói thêm: “Nhưng theo một cách nào đó, tình hình còn nguy hiểm hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 được coi là lần tiến đến gần nhất một chiến tranh hạt nhân toàn diện trong thời kì Chiến tranh Lạnh.

"Đáp trả sự leo thang của NATO không chỉ giới hạn ở các biện pháp thông thường"

Thế nào là "trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" của lực lượng răn đe hạt nhân? Lực lượng răn đe hạt nhân, tức là một trong những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới mà Nga sở hữu. Theo số liệu năm 2020 từ Bulletin of Atomic Sciences, nước Nga có tổng cộng khoảng 6.800 vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật (vũ khí hạt nhân phi chiến lược) có thể tấn công mục tiêu tầm ngắn và vũ khí hạt nhân chiến lược có thể tấn công tầm xa tới các mục tiêu trên lục địa Mỹ. Trong đó có khoảng 1.600 đầu đạn hạt nhân chiến lược, khoảng 300 tên lửa đạn đạo liên lục địa và khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược đang được triển khai.

Ông Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí The Russian Defense Policy của Nga cho biết, những đơn vị này lúc thường không có những nhiệm vụ cụ thể, nhưng khi bước vào "trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" có nghĩa là họ có những nhiệm vụ cụ thể, và quân đội Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược và phi chiến lược bất cứ lúc nào để chống lại sự xâm lược.

Ảnh vệ tinh chụp cảnh sân bay Antonov ở ngoại ô Kiev tan hoang sau vụ không kích của quân Nga (Ảnh: MAXAR).

Ảnh vệ tinh chụp cảnh sân bay Antonov ở ngoại ô Kiev tan hoang sau vụ không kích của quân Nga (Ảnh: MAXAR).

Theo James Acton, nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace (Tổ chức Hòa bình Carnegie, Hoa Kỳ), nói cụ thể, lúc thường, các đầu đạn hạt nhân của quân đội Nga được cất giữ tách riêng với các phương tiện mang và chỉ một số tàu ngầm và hầm chứa tên lửa đạn đạo được đảm bảo duy trì hoạt động. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, máy bay ném bom chiến lược hiếm khi tuần tra với đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, sau khi nâng cấp độ sẵn sàng chiến đấu lên "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt", các phương tiện mang sẽ bắt đầu được lắp đầu đạn hạt nhân, các xe phóng di động sẽ được bố trí phân tán và các máy bay ném bom chiến lược trang bị đầu đạn hạt nhân có thể được đặt vào tình trạng cảnh giới trên không.

Quân đội Mỹ cũng có một hệ thống DEFCON với cấp độ sẵn sàng chiến đấu tương tự. Cấp cao nhất, DEFCON-1 yêu cầu "chuẩn bị tối đa cho chiến tranh hạt nhân, sẵn sàng đáp trả"; cấp tiếp theo, DEFCON-2, có nghĩa là các lực lượng vũ trang sẵn sàng triển khai và tham gia vào chiến tranh hạt nhân trong vòng 6 giờ.

Tuy nhiên, ngoại trừ cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba và Chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ hiếm khi nâng mức sẵn sàng chiến đấu lên DEFCON-2. Sau "Sự kiện 11 tháng 9" năm 2001, Lầu Năm Góc đã nâng mức sẵn sàng chiến đấu lên DEFCON-3, nhưng 4 ngày sau lực lượng này đã quay trở lại DEFCON-4 là mức thấp nhất.

Sau khi Tổng thống Putin tuyên bố điều chỉnh mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng răn đe hạt nhân, Bộ Quốc phòng Mỹ tối 27/2 cho biết họ không có bình luận gì về tình trạng báo động hạt nhân hiện nay.

Chiến sự diễn ra ác liệt ở Ukraine (Ảnh: Dwnews).

Chiến sự diễn ra ác liệt ở Ukraine (Ảnh: Dwnews).

Nga và Mỹ khác nhau về chiến lược hạt nhân. Phiên bản mới nhất của hệ thống học thuyết quốc phòng chính thức "Học thuyết quân sự" do Hội đồng An ninh Liên bang Nga ban hành nhấn mạnh rằng bất kỳ hình thức gây hấn nào của kẻ thù tiềm tàng đều có thể bị răn đe bởi mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Kortunov nói, lý do chính khiến Nga nâng cấp trạng thái sẵn sàng chiến đấu hạt nhân lần này là Moscow "lo ngại NATO sẽ tham gia vào cuộc xung đột Ukraine theo cách này hay cách khác".

"Đó là một lời cảnh báo: nếu anh định can thiệp, tôi có thể leo thang và sự leo thang sẽ không chỉ giới hạn ở mức độ chiến tranh thông thường", ông nói, "vì vậy tôi hy vọng các người (tức NATO) nên đứng ngoài cuộc xung đột chứ đừng cố gắng ảnh hưởng đến kết quả của nó."

Kể từ ngày 26 tháng 2, NATO đã thực sự thay đổi một phần chính sách trong viện trợ quân sự cho Ukraine. Cùng ngày, Chính phủ Mỹ thông báo viện trợ quân sự bổ sung 350 triệu USD cho Ukraine, chính phủ Đức đã phê chuẩn giao 14 xe bọc thép, 1.000 bệ phóng tên lửa chống tăng, 500 tên lửa đất đối không Stinger và 10.000 tấn nhiên liệu cho Ukraine. Động thái này đã phá vỡ nguyên tắc không xuất khẩu vũ khí hủy diệt cho các khu vực xung đột sau Thế chiến thứ hai của Đức. Quân đội Hà Lan ngày 26/2 cũng cho biết sẽ viện trợ thêm 200 tên lửa Stinger cho Ukraine.

Về vũ khí hạng nhẹ, Bộ Quốc phòng CH Séc ngày 26/12 thông báo sẽ tặng 3.000 súng máy, 7.000 súng trường tấn công, 30.000 súng lục, mấy chục súng bắn tỉa và 1 triệu viên đạn cho Ukraine. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo ngày 26/2 cũng tuyên bố cung cấp cho Ukraine 2.000 súng trường và 3.800 tấn nhiên liệu.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thậm chí còn phá vỡ "lằn ranh đỏ" với việc thông báo một đại đội quân đội gồm 175 người sẽ được triển khai trong vài tuần tới "để cùng với các binh sĩ Ukraine bảo vệ lãnh thổ của họ". Cùng với việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi "Những người tình nguyện châu Âu" tổ chức một "Binh đoàn tình nguyện" mới để tham gia cuộc chiến chống Nga, khả năng binh sĩ NATO trực tiếp can thiệp vào tình hình chiến sự hiện nay đã được gia tăng.

Ông Kortunov cho rằng, trong bối cảnh đó, NATO có các biện pháp phi quân sự khác, nhưng Nga lại có ít hơn lựa chọn để đối phó.

Xe tăng Nga bị trúng tên lửa của quân đội Ukraine (Ảnh: Sohu).

Xe tăng Nga bị trúng tên lửa của quân đội Ukraine (Ảnh: Sohu).

“Tình hình hiện nay cần được hạ cấp”

Về mặt lịch sử, việc nâng cao độ sẵn sàng chiến đấu hạt nhân đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Năm 1962, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã lên kế hoạch triển khai ở Cuba các tên lửa hạt nhân tầm trung có thể đe dọa lục địa Mỹ, gây ra chiến dịch phong tỏa hải quân của Tổng thống Mỹ Kennedy khi đó đối với Cuba. Trong thời gian căng thẳng, Hải quân Hoa Kỳ đã quyết định thả bom chìm xuống tàu ngầm Liên Xô mang đầu đạn hạt nhân. Một cuộc chiến tranh hạt nhân đã được tránh khỏi chỉ nhờ vào sự khăng khăng của một sĩ quan chỉ huy con tàu.

"Lần này là nâng cấp mức sẵn sàng chiến đấu của tất cả các lực lượng răn đe hạt nhân, và Nga đã thể hiện rõ quyết tâm sử dụng mọi biện pháp để quyết ngăn chặn NATO can thiệp vào tình hình Ukraine"; “cho nên, tình hình hiện nay nguy hiểm hơn cả cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”, ông Kortunov khẳng định.

Tối 27/2, trong vòng vài giờ sau khi quân đội Nga nâng cấp khả năng sẵn sàng hạt nhân, các chính phủ Mỹ và Pháp đã cảnh báo công dân hai nước ở Nga nhanh chóng sơ tán, trong khi Cục Vận tải Hàng không Nga cũng thông báo sẽ bắt đầu sơ tán công dân Nga khỏi các nước châu Âu. . Đồng thời, tất cả các bên đều có phản ứng hoặc thận trọng hoặc quyết liệt trước tình hình mới.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nói với giới truyền thông vào đêm 27/2 rằng động thái của Nga là "hoàn toàn không cần thiết". Ngoại trưởng Ukraine Kuleba, người sắp tổ chức đàm phán với Nga, nói rằng việc quân đội Nga tăng mức độ sẵn sàng hạt nhân là nhằm gây thêm "áp lực" lên Ukraine trong cuộc đàm phán, nhưng Ukraine "sẽ không khuất phục trước sức ép đó."

Ảnh vệ tinh chụp đoàn xe quân Nga đang tiến về phía Kiev hôm 27/2 (Ảnh: MAXAR).

Ảnh vệ tinh chụp đoàn xe quân Nga đang tiến về phía Kiev hôm 27/2 (Ảnh: MAXAR).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, động thái mới của ông Putin "chính là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ Ukraine". Ông cũng nói rằng trong tương lai NATO sẽ điều động "nhiều quân hơn, nhiều tàu hơn, nhiều máy bay hơn" tới các quốc gia thành viên ở tuyến đầu Đông Âu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên "ý thức được trạng thái về bình thường mới an ninh mà chúng ta đang đối mặt hiện nay, để đối phó với nước Nga hung hãn hơn."

Nhưng theo quan điểm của Kortunov, đây rõ ràng là sự hiểu sai tín hiệu do Nga phát ra. “Nga không muốn nổ ra chiến tranh hạt nhân với NATO, cũng không muốn khiêu khích NATO”. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo NATO trước đó luôn nhấn mạnh rằng “chúng tôi có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng sẽ không can thiệp trực tiếp vào trận chiến”, “Sẽ không có binh sĩ Mỹ, Anh hay Đức nào (tham chiến)". Phía Nga hy vọng NATO sẽ duy trì lập trường cơ bản này, bởi Ukraine không nằm trong phạm vi bảo vệ theo Điều V của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

James Acton, nghiên cứu viên cấp cao về các vấn đề hạt nhân tại Carnegie Peace Endowment của Mỹ, cảnh báo rằng tình hình hiện tại cần phải được "giảm căng thẳng sau khi leo thang". Ông cho rằng, khi đó các nước châu Âu và Mỹ thậm chí còn đề nghị với Nga: nếu hạ cấp sẵn sàng chiến đấu hạt nhân, Mỹ và EU sẽ hủy bỏ sự trừng phạt nghiêm khắc nhất là liên quan đến hệ thống SWIFT để thể hiện sự chân thành của thế giới phương Tây muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Đặc biệt, ông kêu gọi các nước có vũ khí hạt nhân khác không nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu và làm tình hình xấu đi.

Nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn đang xem xét các biện pháp tiếp theo để "ứng phó" với cuộc khủng hoảng Ukraine. Người phát ngôn Nhà Trắng Psaki hôm 27/2 cho biết các kế hoạch bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với các cơ quan năng lượng của Nga "đều đã được đưa lên bàn". Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Thomas Greenfield, tuyên bố rằng Hoa Kỳ cũng đang xem xét "xét xử người Nga về tội ác chiến tranh thông qua các tòa án quân sự" sau khi Ukraine đệ đơn kiện Nga tại Tòa án Hình sự Quốc tế và Tòa án Công lý Quốc tế.

Tuy nhiên, có chuyên gia chỉ ra rằng mục tiêu chính hiện tại của ông Biden không phải là đối đầu với Nga mà là quan tâm hơn đến việc làm thế nào để định hình Nga là "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu" thông qua tình hình cuộc xung đột hiện nay, để Washington có thể tiếp tục củng cố sự thống trị của họ trong Hệ thống an ninh châu Âu của NATO, sau đó, trong khi loại bỏ việc các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức tìm kiếm triển vọng tự chủ của châu Âu, lợi dụng một châu Âu thống nhất hơn để phục vụ chiến lược bá quyền toàn cầu của họ, đặc biệt là nhu cầu cấp bách kiềm chế Trung Quốc .

Do đó, dù các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhiều lần cảnh báo Nga sẽ phải trả một "cái giá không thể chịu đựng nổi", nhưng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga cho đến nay, theo quan điểm của ông Kortunov là "có tính cục bộ và né tránh kế hoạch trọn gói". Điều đáng chú ý là khi nhiều đồng minh NATO có ý định can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/2 lại tuyên bố không có ý định can thiệp quân sự gián tiếp vào cuộc chiến bằng cách "hỗ trợ trinh sát" cho Kiev.

"Sự kiềm chế" của ông Biden đối với các lệnh trừng phạt đã được lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ ở một mức độ nhất định. Mặc dù Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cấp tiến Romney và những người khác công kích chính phủ Nga là "đê tiện", nhưng họ cũng đồng tình với quan điểm của McConnell: Mỹ không nên đặt mức trừng phạt quá cao, mà cần phải " chia sẻ với các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới các biện pháp trừng phạt này".

Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov quyết định đưa quân đội tới Ukraine tham gia chiến đấu bên cạnh quân Nga (Ảnh: Sohu).

Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov quyết định đưa quân đội tới Ukraine tham gia chiến đấu bên cạnh quân Nga (Ảnh: Sohu).

Về phía Nga, nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov ngày 27/2 đã kêu gọi Moscow mở rộng quy mô hoạt động quân sự ở Ukraine, đồng thời cáo buộc "các chiến thuật được lựa chọn trước đây là quá chậm, hiệu quả không tốt", "Chúng ta chỉ cần phối hợp đầy đủ các hoạt động quân đội, tiến hành một cuộc tấn công quyết định”.

Tuy nhiên, phát biểu của ông không ảnh hưởng đến việc Nga mời Ukraine đàm phán ngừng bắn một lần nữa và cả hai bên nhất trí rằng nhà lãnh đạo Belarus Lukashenko sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng "tất cả các máy bay, trực thăng và tên lửa đóng trên lãnh thổ Belarus sẽ không hành động nào trong thời gian đoàn đại biểu Ukraine đến, gặp mặt và trở về."

"Tổng thống Putin muốn đàm phán trực tiếp với phương Tây, nhưng tôi không chắc liệu phương Tây có sẵn sàng đàm phán với Nga hay không, vì vậy việc giải quyết hòa bình tình hình Ukraine trong ngắn hạn khó có thể có sự tham gia của phương Tây, mà sẽ do các bên thứ ba vận hành giữa Moscow và Kiev", ông Kortunov tiết lộ.

Ngày 25 tháng 2, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã giải thích lập trường cơ bản của Trung Quốc về vấn đề Ukraine trong các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Anh Truss, Đại diện cấp cao về Ngoại giao EU Borrell và Cố vấn Tổng thống Pháp Bona. Ông Vương Nghị nói, Trung Quốc ủng hộ và khuyến khích mọi nỗ lực ngoại giao có lợi cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời hoan nghênh Nga và Ukraine tổ chức đối thoại và đàm phán trực tiếp càng sớm càng tốt.

Trước đó, vào đầu năm mới 2022, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp đã cùng ra "Tuyên bố chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang", nhấn mạnh rằng chiến tranh hạt nhân không thể xảy ra, không có ai thắng và bày tỏ thiện chí hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới cùng nỗ lực với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trên nguyên tắc an ninh các nước không bị tổn hại.