|
Thiếu vật tư, hóa chất, việc khám và điều trị ở các bệnh viện có nguy cơ phải ngừng. |
Những ngày qua, giám đốc các bệnh viện lớn trên cả nước chính thức lên tiếng về việc hóa chất, vật tư, máy móc phục vụ bệnh nhân sắp cạn kiệt, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Chính phủ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Vướng mắc trong đấu thầu thiết bị y tế: Bộ Tài chính cần vào cuộc
Vấn đề đấu thầu trang thiết bị được coi là “nhức nhối” nhất của ngành y tế hiện nay và Bộ Tài chính là ngành liên quan trực tiếp đến khó khăn của ngành y tế. Vì thế, trong báo cáo gửi Chính phủ, hàng loạt kiến nghị của Bộ Y tế đều liên quan đến Bộ Tài chính.
Đó là vướng mắc do Nghị định 63/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm và dự toán mua sắm, khiến khi triển khai, các đơn vị “lúng túng như gà mắc tóc”.
Vấn đề khó nhất được nêu ra là các đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu thiết bị y tế thế nào là đúng. Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt, không biết xử lý ra sao.
|
Nhiều vấn đề vướng mắc trong cơ chế quản lý đã đẩy các bệnh viện và bệnh nhân vào tình thế khó khăn |
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế gồm:
+ Quản lý giá trang thiết bị y tế: Bỏ quy định về thời điểm mua sắm (quy định tại khoản 4 Điều 44 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP) và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất các các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
+ Đăng ký lưu hành trang thiết bị: Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo Nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.
+ Thu hồi trang thiết bị y tế: Sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
+ Quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất: Sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 58/2016/TT-BTC “Quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp”.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 278/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế; sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như: Dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn; bổ sung thêm trường hợp các chủ đầu tư đã sử dụng các hình thức tham khảo được quy định tại Thông tư số 68/2022/TT-BTC để xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không thực hiện được thì giao cho chủ đầu tư tự quyết định dự toán mua sắm để thực hiện (có thể chỉ cần tham khảo 1 báo giá).
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ để sửa đổi Nghị định 51/2017/NĐ- CP hướng dẫn Luật quản lý và sử dụng tài sản công; Nghị định số 29/2018/NĐ- CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Nhiều nội dung trong Luật Dược đã lạc hậu
Nhiều nội dung của Luật Dược hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là sau đại dịch dịch Covid-19, vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải sửa Luật này. Một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn được Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ là cho phép sửa đổi Luật Dược, để có thể xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.
Theo Bộ Y tế, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, là do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định trong Luật Dược, trong khi, quy định về quản lý dược của các nước đã thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID- 19).
Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lý nên chưa khuyến khích chuyên gia tham gia.
Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc, trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên đã xảy ra nhiều nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu., nên các BV không mua/đấu thầu được thuốc như mong muốn.
Bên cạnh đó, việc mua sắm thuốc tập trung cũng gặp nhiều vướng mắc theo quy định của Luật Đấu thầu: Việc chỉ lựa chọn 1 nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia, sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, nếu nhà thầu bị gián đoạn cung ứng, giảm tính cạnh tranh sau 1-2 lần đấu thầu.
Ngoài ra, hiện chỉ có 1 hình thức duy nhất là đấu thầu rộng rãi trong mua sắm tập trung, nên các đơn vị không thể áp dụng các hình thức mua sắm khác trong tình huống thiếu thuốc.
Một vấn đề rất đặc trưng của ngành y tế là đàm phán giá. Nhưng hình thức mua sắm trực tiếp chỉ áp dụng theo kết quả của đấu thầu rộng rãi, trong khi đàm phán giá là một hình thức mua sắm tập trung thì không được áp dụng kết quả để mua sắm trực tiếp.