Trên tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 15/2 có bài viết bình luận về ngày tết truyền thống của Trung Quốc, Tết Nguyên Đán, thời điểm mà người người đều quay trở về sum họp với gia đình.
Theo bài viết, gia đình hòa thuận thì mọi việc suôn sẻ, gia đình là một "quốc gia nhỏ nhất", quốc gia là "gia đình lớn nhất", "gốc của thiên hạ là ở quốc gia, gốc của quốc gia là gia đình". Đằng sau những câu triết lý này là những giải thích sâu sắc về quan hệ giữa gia đình và quốc gia, cũng thể hiện tầm quan trọng của gia đình.
Sự giàu có của một quốc gia, sự phục hưng của một dân tộc được xem như là một khái niệm vĩ mô không gì cao hơn, nhưng cuối cùng phải thể hiện được ở sự giàu có, hạnh phúc, hài hòa và đầm ấm của hàng nghìn, hàng vạn gia đình trong quốc gia và dân tộc ấy.
Trong thời khắc này, trong không khí vui tươi của ngày xuân, khi được thưởng thức những chương trình ngày tết truyền thống, có thể rất ít người sẽ nghĩ đến, gia đình mới là người chiến thắng lớn nhất của ngày tết truyền thống kéo dài nghìn năm này.
Chúng ta vất vả đi tàu xe, trải qua ngàn dặm, chúng ta bỏ qua tất cả để được về nhà. Chúng ta thương nhớ, không đành lòng, chúng ta trở về nơi mà chúng ta không muốn đi, đó gọi là nhà.
Ở các nơi khác nhau có văn hóa ngày tết khác nhau, phong tục ăn tết khác nhau, nhưng hầu hết các văn hóa, phong tục đều được tiến hành theo đơn vị là gia đình hoặc dòng họ.
Một gia đình cùng nhau dán câu đối, một dòng họ tiến hành các hoạt động thờ cúng theo nghi lễ, những hoạt động văn hóa truyền thống này luôn thể hiện khái niệm "nhà" hay "gia đình" ở khắp nơi.
Về khách quan, chúng ta phải thừa nhận, quan hệ gia đình thời đại nông nghiệp chặt chẽ hơn, giữa các thành viên trong gia đình thân mật hơn. Đây là do mọi người cùng nhau sản xuất, lao động, sinh hoạt, rất nhiều việc phải có sự phối hợp và hợp tác với nhau mới có thể hoàn thành.
Nhưng, đến xã hội hiện đại, nhất là cùng với sự phát triển của đô thị hóa, gia đình ngày càng nhỏ hơn, ngày càng độc lập hơn, quan hệ giữa các gia đình không còn chặt chẽ như trước, quan hệ giữa các thành viên gia đình nhất là giữa các thành viên trong đại gia đình đã trở nên xa cách hơn.
Trong khi đó, Tết Nguyên Đán chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta thu hẹp khoảng cách, kéo gần quan hệ. Con cái và bố mẹ, anh chị em đều lấy tinh thần ngày tết, quay trở về nhà ăn tết cùng nhau, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống theo đơn vị gia đình như tiến hành thờ cúng, đi chúc tết, thăm người thân và bạn bè.
Vào lúc này, khái niệm gia đình được thăng hoa. Đây cũng chính là lúc sự gắn kết và sự đồng nhất trong nội bộ các thành viên của một gia đình mạnh nhất. Chính vì có sự gắn kết như vậy thì mới được gọi là gia đình hòa thuận, mọi việc suôn sẻ, phát triển.
Nhìn từ góc độ ngày nghỉ theo quy định của nhà nước, Tết Nguyên Đán chẳng qua là khoảng thời gian chỉ có 7 ngày. Khi những ngày này qua đi thì hầu hết mọi người đều lại chạy đi khắp nơi để tiếp tục lao vào công việc, sự nghiệp và cuộc sống, chờ cho đến tết đoàn viên lần sau, tức là 1 năm sau.
Nhưng chính sự đoàn tụ chỉ trong vài ngày ngắn ngủ đã làm cho chúng ta cảm nhận được tình mẹ tình cha, tình anh chị em, giúp chúng ta có được thêm sức mạnh từ tình cảm của người thân, làm dịu đi nỗi nhớ nhà, sau đó lại vui vẻ lên đường, bắt đầu những công việc và cuộc sống trong năm mới.
Nhìn từ góc độ vật chất, hiện nay, ngày tết và những lúc bình thường đã không còn khác mấy, áo mới muốn mua thì mua, không nhất thiết phải chờ đến tết; ăn ngon muốn ăn thì ăn, càng không phải chờ đến tết mới ăn. Nhưng sức hấp dẫn của ngày tết đối với chúng ta tại sao vẫn rất mạnh như vậy?
Gia đình rõ ràng là một nhân tố quan trọng không thể bị coi nhẹ. Bởi vì gia đình đang ở đó, cho nên chúng ta quay trở về. Bởi vì trong nhà có bố mẹ, cho nên chúng ta cảm thấy yên lòng, ấm áp. Đây chính là sức mạnh của gia đình, cũng là sức mạnh của ngày tết truyền thống.