Luôn tin mình bị bệnh, dù không có cơ sở
Tại hội thảo diễn ra chiều 29/1 tại Viện Sức khoẻ Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, BS. Trịnh Thị Vân Anh - Phòng Rối loạn liên quan đến stress và Sức khoẻ tình dục & giới tính - đã kể cho chúng tôi về một bệnh nhân đang được chị điều trị tại Viện Sức khoẻ Tâm thần: Chị Trịnh Minh Huyền ở Lục Nam, Bắc Giang, 54 tuổi, nhập viện vì luôn thấy đau rát ở bụng, ngực, hồi hộp đánh trống ngực, ngủ kém. Quá lo lắng khiến chị rơi vào stress.
Khi trao đổi với bác sĩ, chị Huyền cho biết chị không hợp với gia đình bên chồng, nên thường xuyên mâu thuẫn với mẹ chồng, dù chỉ là những việc nhỏ nhặt.
Theo chị Huyền, ban đầu chị hay trằn trọc khó vào giấc, ngủ không sâu và ngủ ít. Sau đó chị thấy đau tức vùng thượng vị, cảm giác thức ăn trào ngược lên họng. Chị thường đau hơn khi ăn uống, đi đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lúc lỏng, lúc không. Vì thế, chị thấy sợ ăn uống, nên đã sút khoảng 7kg trong 6 tháng.
Chị đi khám bệnh, chụp chiếu khắp nơi, có lần được chẩn đoán viêm dạ dày- trào ngược thực quản, nhưng uống thuốc đỡ rồi đâu lại vào đấy.
Tự nghĩ mình bị ung thư nên chị lại tiếp tục đi nhiều bệnh viện lớn, kết quả vẫn không xác định chị bị bệnh, trong khi các biểu hiện bệnh của chị vẫn không thuyên giảm. Luôn cho rằng mình bị bệnh mà bác sĩ không tìm được ra, hoặc tìm thấy mà không nói thật với chị, chị Huyền rơi vào tình trạng chán nản, không hứng thú với bất cứ điều gì.
Khi đến khám ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nghe nói triệu chứng, bác sĩ khoa Tiêu hoá giới thiệu khám chuyên khoa tâm thần và chị được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Điều trị thuốc theo đơn 4 tháng thì thấy khỏi nên chị tự bỏ thuốc, và mới đây, các biểu hiện cũ lại tái phát, nên chị được bác sĩ chỉ định nhập Viện Sức khoẻ Tâm thần.
Theo TS. Dương Minh Tâm - Trưởng Đơn nguyên các rối loạn liên quan đến stress và rối loạn tình dục Viện SKTT - chị Huyền không phải là trường hợp cá biệt bị rối loạn dạng cơ thể. Mà gần đây, số người mắc bệnh này có xu hướng gia tăng.
Ông Trần Văn Vinh (Hà Nội) luôn ám ảnh mình bị HIV sau một lần “trót” cùng bạn bè đi “tay vịn” ở nhà hàng. Ông lo lắng đến mức đi khám ở tất cả các trung tâm HIV trong nước, rồi ra cả nước ngoài, dù kết quả đều khẳng định ông không mắc HIV. Các bác sĩ giải thích thế nào cũng không làm ông thoát khỏi nỗi nghi ngờ đó.
Bà Hà Thị Lan cũng luôn nghĩ mình bị ung thư dạ dày, luôn nhăm nhăm đi khám, dù các kết quả đều cho thấy bà không mắc.
Bệnh của những người …chi ly, cầu toàn, yếu đuối
TS. Dương Minh Tâm cho hay, đây không phải là căn bệnh mới, nhưng số người mắc có xu hướng tăng lên, do áp lực của lối sống hiện đại, là “cuộc chiến” giữa nhân cách và stress. Đáng lưu ý khi bệnh rơi vào lứa tuổi 30-50 nhiều nhất và nữ giới chiếm nhiều hơn nam.
Chỉ ra nguyên nhân của bệnh này, TS. Tâm cho hay: Thường là những stress thông thường trong đời sống và trong sinh hoạt, nhưng hay xuất hiện ở những người có nhân cách chi ly, cầu toàn, tiểu tiết, khả năng chống đỡ yếu.
TS. Dương Minh Tâm chỉ ra cách nhận biết các triệu chứng của bệnh rối loạn dạng cơ thể: Người bệnh luôn than phiền về các triệu chứng cơ thể như tim, phổi; trào ngược dạ dày, đau vùng dạ dày – đại tràng, sôi bụng, đi ngoài không ổn định; đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mờ mắt, đau vai gáy….Họ cũng luôn yêu cầu khám xét về y tế, mặc dù kết quả âm tính nhiều lần và thầy thuốc đảm bảo rằng các triệu chứng này hoàn toàn không phải là bệnh cơ thể.
“Triệu chứng cơ thể đa dạng, bệnh nhân không bao giờ đến khám bác sĩ tâm thần, nên tìm không ra bệnh, điều trị không tiến triển” -TS. Dương Minh Tâm nhấn mạnh.
Bệnh nhân thấy các triệu chứng xuất hiện dai dẳng, nhưng khám thì không có tổn thương nên càng đau khổ, lo lắng mình mắc bệnh gì đến mức y học còn không phát hiện ra.
Hậu quả của bệnh này không nhỏ - TS. Dương Minh Tâm lưu ý - khi khiến họ tốn kém tiền đi khám bệnh nhiều chuyên khoa, chụp chiếu, siêu âm, mà có khi sinh bệnh thật, khi dẫn đến lo âu và trầm cảm, đồng thời cũng khiến bác sĩ khó khăn trong việc chẩn đoán. Nếu phát hiện muộn, điều trị không kịp thời, có thể làm tăng nguy cơ kháng trị và biến chứng của việc lạm dụng thuốc giải lo âu.
Thế nào là rối loạn dạng cơ thể?
Tuy nhiên, không phải ai có những triệu chứng trên đều là mắc bệnh rối loạn dạng cơ thể, mà phải có các điều kiện đi kèm như
Kéo dài 2 năm các triệu chứng cơ thể mà không có tổn thương gì cả; tính cách đặc biệt, đau đớn về tinh thần; hoặc nếu có bất kì rối loạn cơ thể nào thì chúng cũng không giải thích được bản chất và phạm vi của các triệu chứng hoặc đau khổ và bận tâm của bệnh nhân.
Dù kết quả xác nhận không bị bệnh gì vẫn không chấp nhận lời khuyên hoặc lời trấn an của bác sĩ về việc không măc bệnh về mặt cơ thể.
Luôn muốn đi bệnh viện để giải quyết hết những khó chịu của mình, nên thường đi khám xét và chạy chữa khắp nơi.
Theo TS. Dương Minh Tâm, giống như nhiều bệnh về sức khoẻ tâm thần khác, liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn dạng cơ thể. Phương pháp thư giãn luyện tập có tác dụng điều trị tốt đồng thời cũng có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ định, theo dõi và giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Làm thế nào để dự phòng căn bệnh rối loạn dạng cơ thể là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhằm phòng tránh cũng như sớm phát hiện để điều trị. Vì thế, TS. Dương Minh Tâm tư vấn: Trẻ được nuôi dạy bao bọc quá, sẽ không thể mạnh mẽ như những đứa trẻ trải nghiệm được, dễ mắc bệnh này. Vì thế, phải giáo dục cho trẻ nhân cách và sống có lý trí, có trách nhiệm, sẽ loại bỏ những căng thẳng không đáng có.
“Quản lý stress là rất quan trọng vì stress là không thể tránh được. Khi lựa chọn mà chỉ nhìn thấy mặt phải, không nhìn thấy mặt trái thì dễ bị stress và không kiểm soát được” - TS. Dương Minh Tâm nhấn mạnh.