Giá nhà ở tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong tháng 10, giá nhà ở tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm, có thể ảnh hưởng tới tâm lý người mua và làm tăng sức ép với chính phủ.

Giá nhà ở Trung Quốc giảm 0,58% trên thị trường thứ cấp, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2014 (Ảnh: Bloomberg)
Giá nhà ở Trung Quốc giảm 0,58% trên thị trường thứ cấp, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2014 (Ảnh: Bloomberg)

Giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc, ngoại trừ nhà ở được chính phủ trợ cấp, đã giảm 0,38% trong tháng 10, so với tháng trước, thời điểm mà giá nhà giảm 0,3%; theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 16/11. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 2/2015.

Các biện pháp kích thích mới đã được áp dụng ở nhiều thành phố lớn kể từ tháng 8, tuy nhiên chỉ mang lại tác động nhỏ đối với khu vực bất động sản vốn đang kéo tụt đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Một đợt phục hồi ngắn thị trường nhà ở hồi đầu năm nay, sau khi Trung Quốc kết thúc các biện pháp phong tỏa do đại dịch, “hóa ra chỉ là nhất thời”, Chen Wenjing, giám đốc nghiên cứu đến từ China Index Holdings, cho hay. “Người mua nhà bị ảnh hưởng bởi thu nhập giảm và viễn cảnh mờ mịt của thị trường bất động sản”.

Giá nhà đã giảm 0,58% trên thị trường thứ cấp, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2014, theo số liệu thống kê.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, chính quyền Bắc Kinh có kế hoạch cung cấp gói vốn vay chi phí thấp 1 nghìn tỉ NDT (138 triệu USD) cho các chương trình cải tạo làng đô thị và nhà ở giá phải chăng, theo Bloomberg.

Mặc dù chi tiết về kế hoạch mới vẫn chưa rõ, nhưng một số nhà kinh tế học cho rằng nó sẽ mang lại ít tác dụng hơn các nỗ lực trước đó. Chương trình mới của chính phủ chủ yếu sẽ nhằm vào một số khu vực đô thị lớn nhất, chứ không phải các thành phố cấp thấp nơi mà đà giảm giá nhà nghiêm trọng nhất.

Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đã ảnh hưởng tới gần như tất cả các nhà phát triển lớn nhất, những bên đang phải chật vật trả nợ và hoàn thiện các dự án dang dở kể từ khi xảy ra khủng hoảng tín dụng cách đây 3 năm.

Ngay cả China Vanke, một trong số ít các nhà phát triển bất động sản cấp đầu tư còn lại của Trung Quốc, cũng chứng kiến lô trái phiếu bằng đồng USD của họ lao dốc trong những tuần gần đây, sau khi Country Garden vỡ nợ. Vanke sau đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ bất thường từ chính quyền địa phương.

“Bất động sản vẫn là trở lực lớn nhất trong bối cảnh rủi ro tín dụng ngày càng tăng đối với các nhà phát triển”, Larry Hu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, nhận định./.

Theo Bloomberg