Tại sao người Mỹ không thể mua xe điện giá rẻ của Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mỹ đã xây dựng một "pháo đài" để ngăn chặn xe điện của Trung Quốc khi hàng triệu chiếc xe được bán ra trên khắp thế giới.

im-890843.jpg
Polestar, thương hiệu xe điện hạng sang thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely và đơn vị Volvo, có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại South Carolina, Mỹ vào năm tới (Ảnh: Getty)

Các hãng xe Trung Quốc đang thu hút sự ưa chuộng của hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới nhờ tung ra những mẫu xe điện (EV) giá cả phải chăng. Tuy nhiên, họ lại không thể có chỗ đứng trên một thị trường lớn: Mỹ.

Washington đã xây dựng một “pháo đài” để ngăn chặn EV của Trung Quốc. Cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden ủng hộ chính sách đó và đi xa hơn, từ chối áp dụng các khoản ưu đãi thuế đối với EV Trung Quốc – có thể giảm giá xe hàng nghìn USD.

Những bước đi này khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gần như không thể cạnh tranh với xe sản xuất tại Mỹ hoặc xe nhập khẩu từ các quốc gia thân Mỹ, ngay cả khi họ nhanh chóng thâm nhập các thị trường khác.

Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mạnh mẽ đến mức một số quan chức Mỹ cho rằng ngay cả những rào cản thương mại của nước này trong tương lai cũng có thể không đủ để đẩy họ ra khỏi thị trường Mỹ và bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Giới chức Mỹ chỉ ra những khoản trợ cấp khổng lồ mà Trung Quốc đã chi ra để thúc đẩy chuỗi cung ứng EV, được xem là làm cho các nhà sản xuất Trung Quốc có khả năng bán sản phẩm của họ với giá thấp một cách không công bằng.

“Trung Quốc quyết tâm thống trị thị trường EV bằng cách sử dụng các hoạt động thương mại không công bằng, nhưng tôi sẽ không để họ làm vậy”, Tổng thống Biden nói với các công nhân công đoàn ô tô ở Illinois hồi đầu tháng này. "Tôi hứa với bạn điều đó”.

2.png
Mẫu Atto 3 của BYD (Ảnh: TechCrunch)

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu Trung Quốc

Trong năm nay, Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, thay thế Nhật Bản. Nước này sản xuất khoảng 2/3 tổng số EV trên toàn cầu và nhà sản xuất EV lớn nhất Trung Quốc, BYD, đã sản xuất 1,9 triệu xe vào năm ngoái, vượt xa con số 1,4 triệu chiếc của Tesla.

“Hãy tưởng tượng một gã khổng lồ thời hiện đại với sức mạnh có thể chà đạp và phá hủy bất cứ thứ gì cản đường nó”, Michael Dunne, CEO của ZoZo Go, một công ty tư vấn chuyên về ngành EV Trung Quốc, cho biết. Ông chỉ ra hơn 100 quốc gia nơi mà EV Trung Quốc được rao bán. “Thị trường duy nhất mà người Trung Quốc chưa thực sự bắt đầu một cuộc tấn công lớn là ngay tại Mỹ”.

Một số nhà lập pháp và nhà hoạch định chính sách Mỹ muốn giữ nguyên hiện trạng và đang kêu gọi chính quyền Biden xem xét mở rộng thêm việc áp thuế đối với ô tô Trung Quốc.

“Chỉ là vấn đề thời gian trước khi các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chịu được mức thuế bổ sung 25%”, các thành viên của Ủy ban Chọn lọc Hạ viện về Trung Quốc, viết trong một lá thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong tháng này.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Biden cho biết họ đã học được những bài học đắt giá từ sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm thống trị các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp, như tấm pin mặt trời và thép.

Brian Janovitz, cố vấn trưởng của cơ quan thực thi thương mại Trung Quốc, nhận định văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đang cảnh giác trước mối đe dọa từ khả năng EV Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ. “Chúng tôi đã học được từ kinh nghiệm trong quá khứ rằng nếu bạn chờ đợi lượng lớn hàng nhập khẩu tràn ngập thị trường…thì việc chống lại mối đe dọa đó cũng trở nên khó khăn hơn nhiều”, ông nói trong một hội thảo tháng 8.

1.png
Năng lực sản xuất pin EV của các công ty, trong đó CATL của Trung Quốc đứng đầu (Ảnh: WSJ)

Áp mức thuế cao hơn có thể đối mặt với sự đón nhận trái chiều giữa các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Họ kỳ vọng các chính sách của Chính phủ Mỹ sẽ làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp EV Trung Quốc, nhưng cũng cảnh giác với khả năng các quan chức Trung Quốc có thể đưa ra hành động trả đũa, đặc biệt khi Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ hai của các hãng xe Mỹ.

Phức tạp hơn, Trung Quốc đã xây dựng chuỗi cung ứng thống trị cho pin EV và các khoáng chất dùng để sản xuất chúng. John Bozzella, người đứng đầu Liên minh Đổi mới Ô tô, một nhóm công nghiệp bao gồm Ford Motor và General Motors, đã nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất ô tô của Mỹ chắc chắn sẽ phải dựa vào những nguồn cung này khi họ tăng cường sản xuất EV để đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải carbon của chính quyền Biden.

“Trung Quốc đã đi trước chúng ta từ 10 đến 15 năm trong ngành công nghiệp xe điện”, ông Bozzella lưu ý.

Chiếm lĩnh thị trường châu Âu nhờ lợi thế giá

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc là thị trường châu Âu. Mẫu SUV Atto 3 nổi tiếng của BYD - mẫu xe bán chạy nhất toàn cầu đi kèm hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến và ghế sưởi - được chào bán với giá 39.500 euro, tương đương 43.000 USD. MG5 EV, một mẫu xe cỡ lớn khác được chế tạo bởi thương hiệu cũ của Anh, hiện đang thuộc sở hữu của SAIC Motor, cũng rất phổ biến với giá khởi điểm là 35.395 euro, tương đương 38.500 USD.

Theo Cox Automotive, tại Mỹ, giá bán xe điện trung bình là 53.469 USD trong tháng 7.

EU hiện vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu là 10%. Trong tháng 10, EU đã tiến hành một cuộc điều tra để xem xét khả năng tăng thuế, với cáo buộc rằng giá bán của các mẫu xe Trung Quốc thường thấp hơn khoảng 20% so với xe sản xuất bởi EU, nhờ vào sự trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc. EU cho biết thị phần của Trung Quốc trên thị trường nội địa gần đây đã tăng từ 1% lên 8% và có thể tăng lên 25% vào năm 2025.

Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ là phân biệt đối xử với ngành công nghiệp EV của các nước khác, làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng. Ông nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và bảo vệ các quyền và lợi ích của mình”.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai kế hoạch lắp ráp EV tại hoặc gần Mỹ để tránh thuế.

Polestar, thương hiệu EV hạng sang thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely và Volvo, có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại South Carolina vào năm tới. Một nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc, Chery, đang xây dựng một nhà máy ở Mexico, còn BYD và MG thuộc sở hữu của SAIC cũng đang tăng cường hiện diện tại Mexico.

Các nhà phân tích kỳ vọng nỗ lực xuất khẩu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ trở nên tích cực hơn nữa, bởi các công ty này đã xây dựng được năng lực sản xuất xe và pin khổng lồ. Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết Trung Quốc có khả năng sản xuất khoảng 10 triệu ô tô sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước (26 triệu chiếc mỗi năm). Nhưng liệu thế giới có thể tiếp nhận hết lượng xe đó hay không vẫn còn là một câu hỏi./.

Theo Wall Street Journal