“Người gác cổng” thông tin thời nhà nhà đưa tin lên mạng xã hội

VietTimes --Năm 2009, khi Walter Cronkite, nhà báo huyền thoại của truyền hình Mỹ qua đời, tin tức chạy trên mặt báo Mỹ khi đó có tiêu đề thông báo ngắn gọn: “Người đáng tin cậy nhất nước Mỹ đã ra đi”.
Chris Matthews, biên tập viên dẫn chương trình nổi tiếng, linh hồn của show “Hardball with Chris Matthews” - chương trình đang được phát sóng lâu nhất trên đài MSNBC của Mỹ (kéo dài hơn 20 năm) tại TP.HCM hôm 29/12/2019. Ảnh: Nguyễn Luân.
Chris Matthews, biên tập viên dẫn chương trình nổi tiếng, linh hồn của show “Hardball with Chris Matthews” - chương trình đang được phát sóng lâu nhất trên đài MSNBC của Mỹ (kéo dài hơn 20 năm) tại TP.HCM hôm 29/12/2019. Ảnh: Nguyễn Luân.

Tổng thống Barack Obama ngày hôm đó ra thông báo chia buồn cũng nhấn mạnh, trong nhiều thập niên, Walter Cronkite là tiếng nói đáng tin cậy nhất tại nước Mỹ.

“Mỏ neo” của ngành truyền thông nước Mỹ

“Người đáng tin cậy nhất nước Mỹ” (The most trusted man in America) là danh hiệu cao quý mà người dân Mỹ dành tặng cho Walter Cronkite trong các cuộc thăm dò dư luận, hay bình chọn Nhân vật được công chúng tin cậy nhất nước Mỹ.

Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, hàng triệu người Mỹ tối nào cũng mở tivi xem “Chương trình thời sự buổi tối của CBS” để nghe Cronkite tường thuật tin tức sự kiện, trở thành chương trình thống trị ngành truyền hình Mỹ.

Tại CBS, Cronkite được coi là một anchor (mỏ neo), định hướng, giữ cho tâm trạng người Mỹ ổn định trước những thông tin trái chiều gây hoang mang trước những sự kiện, biến cố phức tạp xảy ra ở nước Mỹ và trên thế giới. Trong sự nghiệp gần 50 làm báo, Cronkite luôn kiên định tôn trọng sự thật.

Nhà báo kỳ cựu của Mỹ cho hay, trong hơn 20 năm làm nghề, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi về sức mạnh của các hình thức truyền thông. Ảnh: Nguyễn Luân.
Nhà báo kỳ cựu của Mỹ cho hay, trong hơn 20 năm làm nghề, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi về sức mạnh của các hình thức truyền thông. Ảnh: Nguyễn Luân.

Với vai trò ảnh hưởng trong giới truyền thông và dư luận, Cronkite như một “người gác cổng” truyền thông quan trọng, bằng trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, bản lĩnh giúp khán giả chắt lọc sự thật.

Nhưng, những thập kỷ mà báo chí chính thống có vai trò, sức mạnh dẫn dắt, định hướng dư luận về sự thật như của Walter Cronkite đã không còn nguyên bản trong kỷ nguyên phát triển của Internet và mạng xã hội. 

Người kế nhiệm ông Walter Cronkite tại CBS là Dan Rather. Dan Rather là nhà báo, biên tập viên thời sự chủ chốt của đài CBS và Nhà Trắng, cũng là một tượng đài báo chí truyền hình của Mỹ nổi tiếng với những tường thuật sự kiện nóng bỏng.

Nhưng nhà báo này sinh nghề tử nghiệp với báo chí sau khi dính vào một bê bối về thông tin không đúng sự thực. Năm 2004, khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ diễn ra căng thẳng, Dan Rather thực hiện một phóng sự điều tra về cuộc đời binh nghiệp của ứng cử viên George Bush.

Những thông tin điều tra cho biết, trong những năm 1970, với việc được bổ nhiệm về Texas, ông George Bush có thể đã được hưởng ưu ái để không phải tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng tính xác thực của các tài liệu trích dẫn trong điều tra này bị phản bác, Dan Rather hứng chịu búa rìu dư luận trên mạng xã hội.

Chính mạng xã hội đã phát hiện ra tài liệu nguồn tin mà nhà báo sử dụng không hề có cơ sở, buộc ông phải công khai xin lỗi chính thức và giã từ sự nghiệp.

Khách mời đối thoại với diễn giả, nhà báo Chris Matthews. Ảnh: Nguyễn Luân.
Khách mời đối thoại với diễn giả, nhà báo Chris Matthews. Ảnh: Nguyễn Luân.

Chris Matthews, biên tập viên dẫn chương trình nổi tiếng, linh hồn của show “Hardball with Chris Matthews” - chương trình đang được phát sóng lâu nhất trên đài MSNBC của Mỹ (kéo dài hơn 20 năm) dẫn dắt câu chuyện của những đồng nghiệp ở CBS - nêu ví dụ khi ông mở đầu cuộc nói chuyện với công chúng Việt Nam tại Đại học Fulbright về chủ đề: “Cuộc đấu tranh vì sự thật của truyền thông mạng xã hội và truyền thông chính thống, với câu chuyện từ nước Mỹ” hôm cuối năm 29/12/2019 tại TP.HCM. 

Facebook chỉ là công cụ?

Nhà báo kỳ cựu của Mỹ cho hay, trong hơn 20 năm làm nghề, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi về sức mạnh của các hình thức truyền thông: từ tờ rơi, điện tín, báo in, phát thanh, truyền hình cho tới Facebook và Twitter.

Nếu như thế kỷ trước, các chính trị gia phải gõ cửa từng hộ gia đình để vận động tranh cử. Họ hiếm khi nào ở nhà, may ra chỉ có sáng thứ bảy. Nhưng ngày nay, họ chỉ cần “gõ cửa” nhà dân trên Facebook và liên tục trò chuyện với cử tri.

Chris Matthews mô phỏng một ví dụ về cách mà truyền thông Mỹ vận dụng, cụ thể là vai trò của mạng xã hội: “Nếu có ý định tranh cử tại địa phương, tôi cũng sẽ lên Facebook. Facebook cho phép tôi xây dựng những cộng đồng hàng vạn người và giữ liên lạc với họ. Không nhất thiết phải kêu gọi họ tài trợ, đôi khi sự động viên tinh thần cũng rất quý giá.

Tôi nghĩ tâm lý chung là mọi người muốn được tham gia. Họ không quá bận tậm đến việc bị lợi dụng, nhưng họ muốn được cập nhật về mọi thứ. Họ muốn biết rõ bạn đang làm gì, tại sao lại vận động về vấn đề này, tại sao lại quan tâm đến vấn đề y tế kia, tại sao lại thảo luận về việc đó…

"Nếu không còn tồn tại vai trò của “người gác cổng”, chắt lọc sự thật thì phải làm thế nào?". Ảnh: Nguyễn Luân.
"Nếu không còn tồn tại vai trò của “người gác cổng”, chắt lọc sự thật thì phải làm thế nào?". Ảnh: Nguyễn Luân.

Bạn phải trình bày cho họ biết động cơ của mình là gì? Mỗi tối sau khi trở về từ các cuộc vận động tranh cử, tôi sẽ suy nghĩ lại những người tôi đã gặp, những vấn đề họ đã chia sẻ. Rồi tôi sẽ mang việc đó lên thảo luận trên Facebook, thu hút nhiều người cùng tham gia trao đổi ý kiến, mở rộng vòng đối thoại”.

Dù vậy, nhà báo Mỹ cũng bày tỏ băn khoăn về việc “Để cho họ bước vào trong đầu mình”, hàm ý mạng xã hội có thể ảnh hưởng, chi phối cuộc sống của mỗi người ra sao.

Nhắc đến câu chuyện của Dan Rather, Chris chỉ ra sức mạnh của mạng xã hội, như một người giám sát bao quát, đặc biệt giám sát báo chí truyền thông chính thống. Giá trị của mạng xã hội thể hiện rất rõ ở khía cạnh này.

Tuy nhiên, theo ông, mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Đã có rất nhiều thuyết âm mưu vô căn cứ được lan truyền rộng rãi trên thế giới mạng. “Mặt trái đồng xu” của mạng xã hội thấy rõ qua nhiều tin tức giả mạo, không kiểm chứng, thông tin thất thiệt thao túng xã hội.

Một câu hỏi đáng suy nghĩ: "Ai sẽ “gác cổng” sự thực, định hướng, chắt lọc thông tin, sự thực khách quan như Walter Cronkite đã làm trong thập kỷ truyền thông bị chi phối mạnh mẽ của mạng xã hội ngày nay?

Khi những tin tức giả mạo, thất thiệt phát tán, dư luận đặt ra câu hỏi trách nhiệm cho Facebook, nhưng công ty này lên tiếng phủ nhận trách nhiệm, cho rằng họ chỉ cung cấp công cụ đăng tải nội dung do người dùng tạo ra.

Trong tình huống này, có thể buộc Facebook có nghĩa vụ biên tập và giám sát thông tin giả mạo, thất thiệt?

Buổi nói chuyện của nhà báo Chris Matthews thu hút sự chú ý của các khách mời người Việt...
Buổi nói chuyện của nhà báo Chris Matthews thu hút sự chú ý của các khách mời người Việt...

“Nếu bạn là người vận hành Facebook hay Google, làm thế nào để kiểm duyệt thông tin ? Có những thông tin khách quan đơn giản, như bộ phim chiếu lúc 7h, nhiệt độ hôm nay là 70 độ F. Nhưng những luận điểm chính trị và thuyết âm mưu làm thế nào có thể kiểm chứng? Mark Zuckerberg nói: "Tôi làm sao mà kiểm soát được?". Quả thực đây là vấn đề rất nan giải…

Nếu không còn tồn tại vai trò của “người gác cổng”, chắt lọc sự thật thì phải làm thế nào? Facebook không biên tập nội dung của người dùng, làm sao có thể buộc tội họ? Nếu Mark Zuckerberg và bạn không muốn phải chịu trách nhiệm cho những phát ngôn điên rồ hoặc tệ hại, những tin đồn xấu xí trên Facebook, bạn phải đặt ra một ranh giới” – nhà báo Mỹ nhấn mạnh.

“Đừng để chiếc gối nằm bị quá nóng một bên” 

Theo nhà báo Mỹ, sự khác biệt lớn nhất giữa mạng xã hội và truyền thông chính thống nằm ở sự kiểm chứng thông tin. Càng bị chiếu tướng bởi mạng xã hội, truyền thông chính thống càng phải cẩn trọng về sự chắt lọc sự thực.

Sự “giám sát” từ mạng xã hội đang buộc báo chí trở nên cạnh tranh gay gắt hơn, khắt khe về chắt lọc thông tin và tính chuẩn xác của sự thực. Bài “Tiêu điểm viết tối thứ Sáu” hàng tuần của Chris Matthews trước khi lên sóng luôn có một đội ngũ biên tập khách quan và đáng tin cậy đặt những câu hỏi khó cho ông như: Nguồn tin có đáng tin cậy? Vấn đề liệu có thể đào sâu thêm…?

Bởi vậy ông luôn nhắc các nhà sản xuất chương trình đó là “đừng bao giờ đưa ra bất cứ điều gì nếu như chưa kiểm chứng”, với những thông tin kiểu “nghe người ta nói thế”.

Trong khi đó, theo Chris Matthews, người viết blog không gặp phải vấn đề biên tập bài viết, vì không có ai biên tập bài viết của họ trên mạng xã hội, hoặc họ cũng không phải chặt chẽ chắt lọc, kiểm chứng thông tin phát tán trên mạng xã hội.

Về nguyên tắc, công chúng sẽ quyết định họ sẽ nghe ai, tin ai bằng sự chắt lọc sự thật của họ. Do đó, người viết blog sẽ phải đối diện với lương tâm của mình.

... lẫn khách mời là những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam hôm 29/12/2019 vừa rồi. Ảnh: Nguyễn Luân.
... lẫn khách mời là những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam hôm 29/12/2019 vừa rồi. Ảnh: Nguyễn Luân.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mỗi người có một niềm tin riêng, không có một thước đo chuẩn mực chung nào. Mặt tốt của việc này là sự tự do, chúng ta không thể nào sống mà không có tự do. Đây là một thách thức lớn của thế kỷ 21: Mỗi người phải thiết lập những hệ giá trị khách quan mà họ tin tưởng, cũng như những niềm tin riêng” - Chris Mathew chia sẻ.  

 Ở Mỹ từng có một bộ luật đảm bảo sự công bằng, theo đó nếu một đài truyền hình cho một ứng viên bảo thủ lên sóng tranh cử thì họ bắt buộc phải cho một ứng viên tự do lên sóng với thời lượng tương đương. Nhưng sau đó bộ luật này bị hủy bỏ và không còn yêu cầu về việc lên sóng công bằng theo cách như vậy.

“Trên thực tế, mọi chuyện sẽ do công chúng, khán giả đánh giá. Đó là một cách kiểm định chất lượng. Nếu khán giả phát hiện ra một kênh truyền thông đưa tin sai sự thật, họ sẽ không còn tin tưởng và nghe theo kênh truyền thông đó nữa”, Chris nhấn mạnh.

Nhà báo Mỹ cho rằng, mỗi người đọc nên là biên tập viên của chính mình, tự kiểm chứng sự thật bằng cách để con mắt nhìn theo góc nhìn đa chiều để tự đưa ra kết luận cho bản thân.

Như ở Mỹ, ông thường đọc The New York Times, nhưng cũng đọc cả The Wall Street Journal, xem chương trình của Rush Limbaugh, một người có quan điểm bảo thủ, nhưng ông cũng xem cả Fox, lắng nghe Rachel Maddow, một trong những bình luận viên hàng đầu của cánh tả.

"Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Nếu bạn thuộc cộng đồng thiểu số, góc nhìn bạn sẽ khác về rất nhiều vấn đề", ảnh: Nguyễn Luân.
"Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Nếu bạn thuộc cộng đồng thiểu số, góc nhìn bạn sẽ khác về rất nhiều vấn đề", ảnh: Nguyễn Luân.

Hãy lắng nghe, đọc từ nhiều phía. Giống như khi bạn nằm ngủ và cảm thấy chiếc gối của mình bị quá nóng, hãy thử lật nó lại, có thể mặt bên kia sẽ mát và dễ chịu hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đó là cơ hội để bạn nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn. Nó giống như việc “Tôi đã nghe đủ quan điểm của bên này rồi, tôi muốn biến quan điểm đối nghịch ra sao?”, Chris Matthews nói.

Hoặc, “Tôi đã nghe những điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần rồi, vậy còn những khía cạnh khác thì sao? Nhiều người cho rằng, truyền hình nhà nước giống như đưa ra thông tin khách quan: ví dụ phim chiếu lúc 7 giờ. Đó là điều hiển nhiên. Tại sao lại cần có đến 5 ý kiến khác nhau về việc đó trong khi sự thật chỉ có một.

Cuộc sống không đơn giản như vậy. Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Nếu bạn thuộc cộng đồng thiểu số, góc nhìn bạn sẽ khác về rất nhiều vấn đề. Phụ nữ thì luôn có quan điểm khác đàn ông. Đó là lý do vì sao ta phải lắng nghe ý kiến của mỗi người” - Chris Mathew chia sẻ.

Chris Matthews là nhà báo, nhà bình luận chính trị, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ.  Talkshow “Hardball với Chris Matthews” được bắt đầu từ năm 1997 và đến nay vẫn được phát buổi tối hàng tuần trên hệ thống truyền hình MSNBC. 

 “Người gác cổng” thông tin thời nhà nhà đưa tin lên mạng xã hội ảnh 7

Nhà báo Chris Matthews của hệ thống truyền hình MSNBC (Hoa Kỳ).

Show của Matthews, như tên gọi, hấp dẫn công chúng bởi ông thường xuyên “chơi rắn” với các vị khách mời bằng cách đưa ra những câu hỏi khó, tạo ra những cuộc tranh luận gay cấn.

Nhà báo Chris Matthews có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực chính trị và chính quyền trước khi theo đuổi nghề báo.

Ông từng là người viết diễn văn cho Tổng thống Jimmy Carter. Năm 1987, sự nghiệp báo chí của Matthews bắt đầu khi ông trở thành Giám đốc Văn phòng Washington của tờ San Francisco Examiner, một vị trí mà ông nắm giữ cho đến năm 2000.

Matthews cũng thường xuyên xuất hiện với tư cách một nhà bình luận cho các chương trình khác của đài MSNBC và NBC. Ông là tác giả của một loạt cuốn sách nổi tiếng như “Hardball”(1988), cuốn sách tiểu sử về Jack Kennedy: Người hùng khó nắm bắt (2011) và Bobby Kennedy: Một linh hồn giận dữ (2017)