PV: Được biết Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hiện nay đang nghiên cứu một số phương pháp phân biệt tin giả, tin xấu độc, xin ông cho biết công nghệ này ở nước ngoài họ đã áp dụng như thế nào và ở Việt Nam đã ứng dụng được đến đâu?
Ông Lê Quốc Minh: Ở nước ngoài có nhiều dự án kiểm chứng thông tin độc lập gọi là Fact Check. Sau đó có nhiều cơ quan báo chí hoặc một nhóm các cơ quan báo chí tham gia để tổ chức Fact Check trước các sự kiện quan trọng, chẳng hạn như bầu cử tại Pháp, tại Ấn Độ, tại Anh. Càng ngày dự án Fact Check càng chuyên nghiệp hơn.
Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới, đặc biệt là các hãng thông tấn về cơ bản đều có các nội dung Fact Check. Trong một ngày họ sẽ lựa chọn ra các nội dung quan trọng mà người sử dụng đang lan truyền thông tin – những nội dung chưa biết là thật hay giả - để họ Fact Check thông tin đó. Đơn cử như những bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ta cũng Fact Check ngay để xem có nội dung nào đúng, nội dung nào sai.
Cách thức kiểm chứng theo kiểu cổ điển thì nó sẽ bị nằm trên trang web của các cơ quan báo chí, khó lan truyền. Còn hiện nay, các cơ quan báo chí đang phối hợp với các công ty công nghệ lớn như Google hay Facebook. Khi người dùng chia sẻ thông tin mà được các cơ quan báo chí lớn có độ tin cậy cao như vậy xác định là thông tin không chính xác, họ sẽ có cảnh báo tới người dùng. Hoặc khi người dùng lướt web, dùng trình duyệt Chrome của Google thì người ta có thể gắn thêm các plugin để cảnh báo các trang web giả mạo.
Sự phối hợp giữa các nguồn thông tin chính thống như vậy cộng với các công ty công nghệ và đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội thì nó nhân được sức mạnh lên rất nhiều.
Ở Việt Nam chưa có dự án nào quy mô để Fact Check được như vậy, Ngay bản thân các cơ quan báo chí lớn cũng chưa thực sự coi Fact Check là một phần công việc mà họ chỉ đưa tin, hoặc khẳng định luôn ở trong tin, mà chưa có những dự án hoặc chiến lược cụ thể về Fact Check.
Fact Check gặp khó khăn lớn nhất về lực lượng nhân sự. Phải là những cơ quan báo chí có lực lượng phóng viên, cộng tác viên lớn thì mới có thể Fact Check được bởi không phải nội dung nào cần Fact Check nó cũng xảy ra ở khu trung tâm. Thứ hai là cần phải có công nghệ bởi vì rất nhiều nội dung nếu có công nghệ tốt thì việc Fact Check ban đầu để loại bỏ bớt thông tin sai lệch sẽ có hiệu quả. Nếu thuần túy làm thủ công bằng nhân sự thôi thì sẽ không nhanh và số lượng bị hạn chế.
Theo ông 2 yếu tố con người và công nghệ liệu đã có thể đương đầu với nạn tin giả chưa? Liệu chúng ta có phải áp dụng các chế tài pháp luật khắt khe để đương đầu với vấn nạn tin giả?
Chế tài bằng luật pháp, bằng các quy định của pháp luật chắc chắn là một điều bắt buộc với bất kỳ thể chế nào. Tuy nhiên nội dung tin giả và cách thức làm tin giả ngày càng tinh vi. Công nghệ nằm trong tay những người làm tin giả ở trong bóng tối, họ lạm dụng và dễ dàng phát tán tin giả. Còn chúng ta ở ngoài ánh sáng thì luôn phải chạy đuổi theo.
Ví dụ họ có công nghệ phát tán tin giả bằng trí tuệ nhân tạo. Phát tán không phải số lượng hàng trăm, hàng nghìn mà lên đến hàng vạn thông tin. Nếu chúng ta không có công nghệ phát hiện tin giả cũng bằng trí tuệ nhân tạo phát hiện ở quy mô lớn và số lượng lớn, thì chúng ta không thể chạy đuổi theo được. Khi chúng ta vừa có công nghệ để ngăn chặn thì họ lại có ở quy mô lớn hơn hoặc họ đã nghĩ ra công nghệ hoàn toàn khác rồi. Luôn luôn chúng ta ở trong tình trạng đuổi theo họ như vậy. Nhưng không vì thế mà chúng ta không đầu tư. Chắc chắn trong thời buổi hiện nay vai trò của công nghệ rất lớn trong việc phát hiện tin giả ở quy mô lớn, ngăn chặn thông tin giả phát tán ở giai đoạn ban đầu.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì con người vẫn là yếu tố chính đằng sau tất cả các công nghệ như vậy. Có rất nhiều thông tin mà công nghệ không thể kiểm chứng được mà phải cử phóng viên đến nhìn tận mắt, kiểm tra tất cả thông tin giống như quy trình làm báo tiêu chuẩn. Kết hợp cả hai yếu tố con người và công nghệ thì phần nào mới chống được tin giả.
Dẫu sao tôi cho rằng nếu không có sự vào cuộc của các nền tảng công nghệ, không có việc nâng cao nhận thức của từng người sử dụng thì việc chống tin giả sẽ vô cùng khó khăn. Chỉ có chính quyền, khung pháp lý và báo chí không thôi thì chưa đủ.
Ông Lê Quốc Minh cũng chia sẻ về kinh nghiệm kiểm chứng thông tin của các chuyên gia Mỹ. Kinh nghiệm này được tóm lược bằng 2 từ là I’M VAIN: - Independent (nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin không) - Multiple (nguồn tin có đa chiều không) - Verify (thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa) - Authoritative (nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không) - Informed (thông tin ấy có được bằng cách nào) - Named (nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh) |