Trước đây, mỗi ngày Trung tâm tiêm chủng ở Quy Nhơn có khoảng chục người tới tiêm vắc xin cúm A(H1N1), nhưng những ngày qua, khách đến tăng vọt, có ngày đến 400 người. Đây là phản ứng của người dân sau khi có 4 người tử vong do cúm xảy ra ở 2 huyện Phù Mỹ và Vĩnh Thạnh,
Theo Sở Y tế Bình Định, từ đầu năm đến nay địa phương ghi 842 người mắc bệnh cúm, trong đó có 26 trường hợp bị viêm phổi nặng. Kết quả xét nghiệm có 10 trường hợp dương tính với cúm A (H1pdm), 1 trường hợp cúm B, 9 trường hợp âm tính, 6 trường hợp chưa có kết quả.
Kết quả điều tra cho thấy các trường hợp bệnh cúm A(H1pdm) tại Bình Định là đơn lẻ, chưa có mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh.
4 người đã tử vong (3 ở huyện Phù Mỹ, 1 tại Vĩnh Thạnh). Đáng chú ý, ca bệnh mắc cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong tăng nhanh trong hai tuần gần đây.
Trước tình hình này, Sở Y tế Bình Định đã báo cáo Bộ Y tế và yêu cầu các cơ sở trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H1pdm. Nếu phát hiện ca nghi nhiễm hoặc xác định nhiễm cúm cần cách ly y tế và phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh.
Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng vắc xin để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Để chủ động trong phòng, chống dịch cúm, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB) đã chủ trì cuộc họp về tình hình đáp ứng trong công tác KCB đối với bệnh cúm ở Bình Định, có sự tham dự của các chuyên gia truyền nhiễm hàng đầu trong cả nước.
Các chuyên gia đánh giá 4 trường hợp tử vong dương tính với cúm A/H1pdm đều trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, hội chứng Cushing… Các bệnh nhân này đến viện muộn, không được tiếp cận hồi sức tích cực sớm, khi nhập viện đều có viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp về cơ bản không có bất thường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Khoa yêu cầu các đơn vị liên quan cần làm thêm giải trình tự gen các ca viêm phổi vi rút nặng để loại trừ các chủng vi rút mới; các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường; nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng vi rút cúm; tăng cường công tác tiêm phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao; tiếp tục nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Oseltamivir.
Đặc biệt, các cơ sở KCB phải tăng cường giám sát cúm, nhất là các ca nặng; tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, phân luồng, cách ly các ca cúm.