Nhiều bệnh lây truyền đều có tử vong
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế - cho biết dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét, kể cả các bệnh có vắc xin từ lâu như sởi, ho gà... gia tăng. WHO đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi, cũng như thông báo đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế công cộng.
Ở Việt Nam, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng, dại …tăng cao ở nhiều địa phương, nhiều bệnh đều có tử vong. Có hai trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó đã có tử vong, đồng thời, xuất hiện bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A (H9N2).
Ông Tâm lưu ý: Cúm A rất nguy hiểm khi tỉ lệ tử vong tới 50%, nên cần phải đặc biệt quan tâm. Đã có 79 ca tử vong do bệnh dại tại 32 tỉnh, thành phố. Một số tỉnh có số tử vong cao: Bình Thuận (9), Đắk Lắk (7), Nghệ An (6), Gia Lai (6). “100% người nhiễm virus dại là tử vong” - ông Tâm cho hay.
Cả nước có 74 người mắc đậu mùa khỉ mắc, tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Tổng đã có 209 trường hợp mắc tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó 9 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết cũng gia tăng, trong đó, một số địa phương có số mắc cao: Hải Phòng (22.507), TP Hồ Chí Minh (12.046), Đồng Nai (7.334), Hà Nội (7.000), Lâm Đồng (6.895), Đắk Lắk (6.768), Đắk Nông (5.202), Bình Dương (4.350), Quảng Bình (3.890), Khánh Hòa (3.564), Bình Định (3.452), Gia Lai (3.373).
Bệnh sởi năm nay cũng tăng cao, nhất là ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…
Ông Tâm cho hay, đã xuất hiện nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi do đó, cần chú ý để tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Cần đánh giá lại nguy cơ để có kế hoạch tiêm phòng.
Tại Đồng Nai, là một trong những tỉnh có số bệnh nhân mắc sởi tăng cao và được đại diện Sở Y tế tỉnh này báo cáo là do vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư phòng bệnh.
Một số địa phương cũng báo cáo gặp vướng mắc trong xây dựng giá dịch vụ y tế dự phòng. Công tác phòng, chống lây chéo trong bệnh viện ở tuyến huyện chưa kiểm soát được hết.
Báo động về nhiễm chéo sởi trong bệnh viện
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết: Cục đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương về tình hình bệnh nhân sởi gia tăng, đặc biệt là từ tháng 9 đến 11/11, với 195 ca dương tính. Riêng 11 ngày đầu tháng 11 đã có 64 ca. Đáng lưu ý khi số trẻ dưới 9 tháng và chưa đến tuổi tiêm chủng chiếm 32% và trên 9 tháng chưa tiêm phòng là 40%.
Ông Dương cho biết Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sởi, với Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được cập nhật về chuyên môn và ban hành vào đầu tháng 12/2024.
Cục chỉ đạo chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, nhất là với bệnh sởi và khuyến cáo cân nhắc tiêm chủng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Hướng dẫn chuyên môn của Cục cũng lưu ý các cơ sở y tế phòng chống lây chéo trong bệnh viện; yêu cầu các bệnh viện có các biện pháp phòng ngừa chuẩn, cách ly bệnh nhân sởi; vệ sinh tay, bề mặt, hạn chế người đến thăm…
Không được chậm cung cấp vắc xin
Trước những ý kiến trao đổi của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương chỉnh sửa thông tư về tiêm chủng, bổ sung vắc xin PCV, HPV và dự trù kinh phí mua từ ngân sách nhà nước.
“Không được để việc chậm, muộn trong cung cấp và triển khai tiêm vắc xin” là yêu cầu của Thứ trưởng Hương. Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng và các viện chủ động tổ chức họp với các địa phương hoàn thiện quy trình kỹ thuật dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật để ban hành giá tối đa với các dịch vụ y tế dự phòng, hướng dẫn các địa phương xây dựng giá; tăng cường chỉ đạo tuyến.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng khẩn trương ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2025, đảm bảo công tác phòng bệnh xuyên suốt.
“100% ca mắc và tử vong do dịch bệnh đều ở BV và lây nhiễm ở BV. Đã xảy ra lây nhiễm từ tuyến tỉnh lên Trung ương và giữa các tỉnh.
Vì thế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục hướng dẫn và kiểm soát việc phòng, lây nhiễm trong bệnh viện. Các đơn vị cần thông tin nhanh, chính xác và hiệu quả về công tác dịch bệnh, đảm bảo không rối loạn thông tin” - Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.