Nghi vấn Mỹ cung cấp cho Ukraine tên lửa chống radar AGM-88

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một tài khoản mạng xã hội new_militarycolumnist kênh Telegram cho Mỹ đã cung cấp cho quân đội Ukraine các tên lửa chống radar tiên tiến để tấn công các radar phòng không quân đội Nga.
Tên lửa chống radar AGM-88_HARM của quân đội Mỹ. Ảnh South Front.
Tên lửa chống radar AGM-88_HARM của quân đội Mỹ. Ảnh South Front.

Ngày 7/8, mạng xã hội Nga, kênh Telegram new_militarycolumnist công bố các bức ảnh cho thấy phần còn lại của một tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM do Mỹ sản xuất, do quân đội Ukraine phóng gần một vị trí chiến đấu của quân đội Nga ở một khu vực không xác định của Ukraine.

AGM-88 được thiết kế để phát hiện, tấn công phá hủy đài radar và thiết bị phát xung radar (anten). Hệ thống dẫn đường trên cơ sở bức xạ radar, có thiết bị khóa tần số anten đối phương và đầu tự dẫn ở mũi tên lửa. Tên lửa được trang bị một động cơ đẩy nhiên liệu rắn không khói với tốc độ trên Mach 2.0. Tên lửa có tầm bắn tối thiểu là 25 km và tầm bắn tối đa đạt 150 km.

Tên lửa chống radar AGM-88 HARM của Mỹ xuất hiện bất ngờ ở Ukraine. Ảnh kênh Telegram new_militarycolumnist.

Tên lửa chống radar AGM-88 HARM của Mỹ xuất hiện bất ngờ ở Ukraine. Ảnh kênh Telegram new_militarycolumnist.

Mỹ không thông báo cung cấp tên lửa chống radar AGM-88 cho Ukraine. Tháng 7/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết nước này sẽ nhận được những tên lửa chống radar trước đây không có trong biên chế vũ khí trang bị.

Tên lửa chống radar AGM-88 HARM có thể đang được sử dụng ở Ukraine (Nguồn: Youtube)

Theo thiết kế, tên lửa chống radar AGM-88 có thể được phóng từ một số máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ và phương Tây, nhưng các máy bay Ukraine không được thiết kế để phóng loại tên lửa này. Có thể quân đội Kiev đã phóng tên lửa AGM-88 từ hệ thống phóng và điều khiển trên mặt đất.

Israel đã sử dụng một chiến thuật tương tự để phóng tên lửa chống radar AGM-45 Shrike và AGM-78 Standard phóng từ trên không vào những năm 1970 và 80.

Các bệ phóng mặt đất cung cấp một giải pháp có thể hiệu quả, nhưng sẽ hạn chế đáng kể khả năng chiến đấu của AGM-88. Quân đội Ukraine có thể phải dùng một thiết bị chuyển tiếp như UAV để phát hiện và xác định bức xạ radar quân đội Nga, sau đó truyền về thiết bị thu nhận tần số radar đối phương và phóng tên lửa về hướng mục tiêu. Trên quỹ đạo bay, AGM–88 tiếp tục thu nhận tín hiệu radar đối phương và bay về phía mục tiêu. Do tên lửa được phóng lên bằng tên lửa đẩy nên không có được động năng ban đầu từ tốc độ và độ cao phương tiện mang, tầm bắn sẽ ngắn hơn đáng kể và độ chính xác không cao.

Không rõ tên lửa chống radar AGM-88 mà phía Ukraine có thể đã sử dụng thuộc phiên bản nào. Phiên bản mới nhất, AGM-88E AARGM, có phần mềm mới nhất, cho phép chống lại kỹ thuật tắt radar của đối phương khi phát hiện có tên lửa chống radar, đồng thời trang bị thêm 1 radar thụ động sử dụng thiết bị dò sóng milimet chủ động.

Những tên lửa chống radar của Ukraine do Mỹ viện trợ, nếu được xác nhận thông tin, trên thực tế không có được hiệu quả tác chiến mong muốn do các phương tiện phòng không của quân đội Nga là các phương tiện cơ động, đài radar thường xuyên di chuyển và thay đổi vị trí chiến đấu. Các radar dẫn đạn thường chỉ dừng trong khoảng thời gian ngắn, do đó xác suất đánh trúng mục tiêu không cao, đặc biệt khi phóng từ mặt đất. Hơn thế nữa, số lượng các phương tiện phòng không Nga rất lớn và có thể che chắn, bảo vệ lẫn nhau trên không gian chiến trường, do đó khả năng đánh trúng mục tiêu không cao. Từ góc nhìn của các nhà quan sát, đây có thể chỉ là hành động xây dựng lòng tin cho quân nhân Ukraine đang chiến đấu.

Các tên lửa chống bức xạ mới mua của Kiev có thể sẽ không có bất kỳ tác động thực sự nào trên chiến trường do mật độ phòng không của Nga và sự hiện diện mạnh mẽ của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga trên lãnh thổ Ukraine. Những tên lửa này, có thể do Mỹ cung cấp, chỉ để làm suy kiệt quân đội Nga.