Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho báo Sài Gòn giải phóng biết, trước nhu cầu phát triển và tạo bước đột phá trong 4 ngành công nghiệp mũi nhọn của TPHCM, mới đây lần đầu tiên một sàn giao dịch việc làm phục vụ cho các DN trong lĩnh vực này được tổ chức.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chỉ riêng 42 DN lên sàn giao dịch việc làm ở 4 ngành này đã có nhu cầu tuyển hơn 6.200 lao động với mức lương cao nhất là 21 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, các trung tâm giới thiệu việc làm của Thành phố phối hợp với các trường đại học đã nhắn tin trực tiếp tới 2.000 sinh viên vừa tốt nghiệp của 4 ngành trên; những lao động đang thất nghiệp thuộc các ngành này cũng được báo tin đến phỏng vấn, gặp gỡ trực tiếp DN để tìm việc làm mới phù hợp.
Đa số các DN cần kỹ sư các ngành điện-điện tử, CNTT, cơ khí, hóa hữu cơ/vô cơ với mức lương từ 8-21 triệu đồng/tháng. Đồng thời, tuyển dụng nhiều vị trí thiết kế, lập trình phần mềm, quản lý chất lượng, quản lý sản xuất… với mức lương từ 7-18 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có mức lương cạnh tranh, nhiều DN còn đưa ra chế độ thưởng, phúc lợi tốt như: Người lao động được cung cấp chỗ ở miễn phí, có xe đưa đón đi làm; thưởng theo hiệu quả công việc, quà tặng vào các dịp lễ, Tết trong năm, thưởng thâm niên, thưởng tái ký hợp đồng lao động; có cơ hội đào tạo, làm việc ở nước ngoài.
Điểm chung của các DN thuộc 4 ngành công nghiệp này là luôn cần lao động có tay nghề, có kỹ năng làm việc và biết ngoại ngữ.
Bà Nguyễn Thị Danh, Phòng Nhân sự Công ty Olympus Việt Nam cho biết, nếu người lao động biết tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, công ty sẽ trợ cấp lên đến 6 triệu đồng/tháng cho mỗi loại ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Huỳnh Ngọc Phát, Phòng Nhân sự Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông chia sẻ: “Người có trình độ đại học (lao động gián tiếp), công ty chúng tôi lại không thiếu thì dễ dàng tuyển được hơn là người có trình độ trung cấp và đặc biệt luôn thiếu thợ lành nghề sản xuất trực tiếp. Chúng tôi đang có cả chục vị trí tổ trưởng các khâu in, tráng, thổi, cắt dán, chia cuộn; mỗi tổ trưởng phụ trách nhóm khoảng 10 lao động, nhưng chưa tìm được người tốt nghiệp trung cấp hay thợ lành nghề để quản nhóm”.
Cũng theo ông Phát, do ngành nhựa ở TPHCM đang khan hiếm trầm trọng nhân lực giỏi, nên để có được lao động giỏi đáp ứng yêu cầu, Rạng Đông phải xoay xở bằng cách tuyển công nhân công nghệ rồi đào tạo làm tổ phó, tổ trưởng dự bị, tổ trưởng các khâu.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM thông tin, ngành cơ khí trong 10 năm tới tiếp tục phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu gia công đơn thuần.
Hiện 1.500 DN hoạt động trong ngành cơ khí bình quân mỗi năm cần thêm 8.100 lao động. Thậm chí nhiều DN chỉ cần tuyển dụng nhân lực cơ khí không cần có tay nghề để đưa đi đào tạo tại nước ngoài. Điều đó cho thấy tình trạng nhân lực cơ khí tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn đang là vấn đề nan giải, không những thiếu về số lượng mà còn yếu về tay nghề. Phần lớn sinh viên cơ khí sau khi ra trường cần phải qua một quá trình đào tạo lại.