Hợp tác với Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam

VietTimes -- "Bộ TT&TT luôn xác định hợp tác với các đối tác Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hơn nữa với các đối tác Nhật Bản để tạo đột phá trong lĩnh vực CNTT" - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Thành Hưng cho biết.
Những năm tiếp theo sẽ có rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lợi thế về giá cả cạnh tranh và nguồn nhân lực sẽ dần không còn.
Những năm tiếp theo sẽ có rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lợi thế về giá cả cạnh tranh và nguồn nhân lực sẽ dần không còn.

Ngày 26/10, tại Hà Nội đã diễn ra ngày CNTT Nhật Bản lần thứ 10 (Japan ICT Day 2016) với chủ đề "10 năm hợp tác Việt Nam và Nhật Bản - nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai “dịch vụ CNTT - sản phẩm CNTT - công nghệ mới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, để đẩy mạnh quan hệ hợp tác CNTT với các đối tác Nhật Bản, trong thời gian tới cần tập trung vào 5 trọng tâm bao gồm phát triển nguồn nhân lực CNTT nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng xây dựng các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, thuận lợi và đảm bảo về an toàn thông tin; ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Đánh giá về quan hệ hợp tác và phát triển CNTT Việt Nam- Nhật Bản trong 10 năm qua bà Yuko Adachi, Phó Chủ tịch Gartner Nhật Bản cho biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh được đánh giá cao, thu hút hợp tác và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong 10 năm vừa qua như: Hỗ trợ của chính phủ, cơ sở hạ tầng tốt, chính trị ổn định, văn hóa phù hợp, nhân lực dồi dào, khả năng ngôn ngữ tốt, chi phí cạnh tranh, bảo mật thông tin khách hàng tốt... Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ còn duy trì được 3 lợi thế cạnh tranh ở mức cao bao gồm: Giá cả, tuân thủ quy trình quốc tế và ý thức bảo mật thông tin.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết:
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: "Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hơn nữa với các đối tác Nhật Bản để tạo đột phá trong lĩnh vực CNTT".

"Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dịch, cần phá thế bị động, tiêu chuẩn hóa những quy trình sản xuất và con người, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới để chuẩn bị cho sự hợp tác trong giai đoạn tới", bà Yuko Adachi cho biết thêm.

Trong thời gian tới, để phát triển mạnh CNTT, đại diện VINASA cũng chỉ rõ, những năm tiếp theo sẽ có rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lợi thế về giá cả cạnh tranh và nguồn nhân lực sẽ dần không còn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải định hướng và chuẩn bị nguồn lực nhằm tập trung vào 3 hướng là nâng cao giá trị trong hợp tác dịch vụ CNTT. Đồng thời, cần phát triển và phân phối các sản phẩm CNTT, ứng dụng di động. Và quan trọng nhất là hợp tác trong các xu hướng công nghệ mới như: Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI),... các doanh nghiệp hai nước cần phải chủ động, tích cự tìm ra những giá trị mới để tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác.

Với một hệ thống các chủ đề đề lớn vừa mang tính tổng quát, vừa gợi mở tầm nhìn phát triển mang tính chiến lược dài hạn cho ngành CNTT trong thập kỷ mới, Japan ICT Day 2016 đã khẳng định được giá trị trở thành sự kiện hàng đầu của ngành CNTT trong năm 2016. Là sự sâu chuỗi các vấn đề từ quá khứ đến tương lai dựa trên những nhu cầu thiết thực về chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển thế hệ nguồn nhân lực mới cùng xúc tiến thương mại thông qua thúc đẩy quảng bá sản phẩm phần mềm, CNTT đến thị trường hai quốc gia.

Cũng trong khuôn khổ Japan ICT Day 2016, VINASA cũng đã tiến hành trao chứng nhận cho 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015. Đây là danh hiệu minh chứng cho sự phát triển của khối doanh nghiệp CNTT nói riêng cũng như ngành CNTT Việt Nam nói chung đồng thời là dịp để vinh danh và biểu dương sự nỗ lực của 50 doanh nghiệp.

Japan ICT Day được tổ chức lần đầu tiên năm 2007, thị phần dịch vụ gia công xuất khẩu của Việt Nam tại Nhật chưa đến 1%, hầu như chưa có doanh nghiệp phần mềm nào đầu tư mở doanh nghiệp tại Nhật Bản. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam hiện đã là đối tác lớn thứ 2 của Nhật về gia công phần mềm và dịch vụ, là đối tác được yêu thích nhất của Nhật từ năm 2009.

Đặc biệt, theo thông tin của JETRO, đã có trên 10 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đầu tư mở công ty/chi nhánh tại Nhật Bản, thuộc ngành có số lượng doanh nghiệp đầu tư lớn nhất vào Nhật. Nhật Bản hiện đang là thị trường gia công xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với đà tăng trưởng rất nhanh. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp hai nước, sự hỗ trợ của Chính phủ và sự thúc đẩy mạnh mẽ từ các tổ chức xã hội, nghề nghiệp.