Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong biên soạn Bách khoa toàn thư

VietTimes -- Việc ứng dụng CNTT vào biên soạn Bách khoa toàn thư sẽ đảm bảo được tính chính xác, cập nhật liên tục các thông tin vì có thể lấy được ý kiến đóng góp từ tất cả mọi người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc - (Nguồn TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc - (Nguồn TTXVN)

Chiều 10/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, đã gặp gỡ các trưởng các ban biên soạn chuyên ngành.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam là hết sức có ý nghĩa, nhằm giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay... Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của cộng đồng khoa học Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, thay vì cách làm truyền thống từ làm xong bản giấy mới cập nhật lên bản điện tử, nay có thể làm ngược lại là đăng tải các mục từ được biên soạn lên Cổng Bách khoa toàn thư Việt Nam để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định từ các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người quan tâm đến việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Sau khi hoàn chỉnh, cuốn sách sẽ được in thành bản giấy theo định kỳ 5-10 năm/lần, còn bản điện tử liên tục cập nhật.

Việc triển khai cách biên soạn nhờ ứng dụng CNTT như vậy sẽ giúp thông tin luôn được cập nhật, sửa đổi theo kịp với xu hướng thời đại. Ngoài ra còn giúp giảm bớt các khoản chi phí nếu có sai sót.

Bên cạnh đó, việc đưa Bách khoa toàn thư lên mạng tiếp thu ý kiến sẽ đỡ gánh nặng cho các nhà biên soạn.

Về phương thức biên soạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tính mở từ quá trình xây dựng đề cương, phạm vi kiến thức phân chia thành các quyển, tập bách khoa thư sao cho khoa học, hợp lý, làm rõ hội hàm, đặc thù của Việt Nam so với các bộ Bách khoa toàn thư trên thế giới. Trong đó, quan trọng và cấp thiết là khẩn trương xây dựng Cổng Bách khoa toàn thư Việt Nam kèm theo công cụ biên soạn trực tuyến để cộng đồng các nhà khoa học có thể cập nhật giải thích, bổ sung các mục từ, cập nhật sự kiện...

"Quan trọng là cần thống nhất được cách làm ngay từ đầu vì khi triển khai thì đây sẽ là một quá trình liên tục", Phó Thủ tướng phát biểu.