|
Ảnh cắt từ clip. |
Bộ Quốc phòng Nga cho biết một bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất, trị giá khoảng 20 triệu USD, đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) điều khiển góc nhìn thứ nhất (FPV) tại Donetsk.
Thông báo được đưa ra hôm 7/5, trong đó nhấn mạnh vai trò của đơn vị drone Rubicon trong chiến dịch. Theo hình ảnh được phía Nga công bố, hệ thống HIMARS đang khai hỏa trước khi di chuyển cùng một xe hộ tống trên tuyến đường. Các cảnh quay cận cảnh cho thấy thiết bị này bị trúng đòn tấn công từ drone, tiếp đó là loạt hình ảnh ghi lại hiện trường vụ việc.
Hệ thống HIMARS được Ukraine xem như tài sản quân sự chiến lược nhờ khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 90 km và có thể nhanh chóng cơ động để tránh bị phản công. Việc mất một đơn vị như vậy được xem là tổn thất lớn đối với lực lượng Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang gặp khó khăn trong việc thay thế các vũ khí phương Tây bị phá hủy.
Trước đây, Nga từng tuyên bố phá hủy các hệ thống HIMARS nhưng chủ yếu thông qua tên lửa đạn đạo tốc độ cao hoặc tấn công vào các bệ phóng đang ngụy trang ở trạng thái tĩnh. Tuy nhiên, trong vụ tấn công lần này, phía Nga cho biết đã sử dụng một drone FPV với công nghệ đặc biệt giúp vô hiệu hóa các biện pháp đối kháng điện tử – điểm yếu vốn có của loại drone này.
Tạp chí Forbes dẫn nguồn tin cho biết thiết bị sử dụng trong vụ tấn công hoạt động thông qua cáp quang thay vì điều khiển vô tuyến, giúp bảo mật và tránh bị gây nhiễu. Phương pháp này tương tự với công nghệ tên lửa dẫn đường bằng dây đã từng được sử dụng trong nhiều loại vũ khí hiện đại.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đang thường xuyên triển khai loại drone công nghệ cao này trong chiến sự tại Ukraine.
Về phía Ukraine, khả năng bổ sung vũ khí từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang gặp nhiều trở ngại. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố muốn giảm thiểu sự can dự của Mỹ vào xung đột, đồng thời kêu gọi tìm kiếm một giải pháp thương lượng giữa Kiev và Moscow. Trong khi đó, nhiều đồng minh châu Âu trong NATO vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine – thậm chí một số quốc gia còn đưa ra đề xuất triển khai binh sĩ tới Ukraine, điều mà Nga coi là "vượt lằn ranh đỏ" và không thể chấp nhận.