"Lá chắn thép" bảo vệ thủ đô: Bên trong hệ thống phòng thủ đa tầng Moscow

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang và mối đe dọa tấn công từ Ukraine ngày càng hiện hữu, hệ thống phòng không bao quanh thủ đô Moscow trở thành tâm điểm chú ý trong dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5/2025.

Lá chắn thép bảo vệ thủ đô Bên trong hệ thống phòng thủ đa tầng Moscow 4.png
Hệ thống phòng không tên lửa S-400 của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong buổi diễn tập cho cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở trung tâm Moscow vào ngày 7/5/2023. Ảnh: Sputnik.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang và mối đe dọa tấn công từ Ukraine ngày càng hiện hữu, hệ thống phòng không bao quanh thủ đô Moscow trở thành tâm điểm chú ý trong dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5/2025.

Trong khi các lễ duyệt binh và hoạt động tưởng niệm vẫn diễn ra với quy mô lớn, bầu trời Moscow được bảo vệ nghiêm ngặt bởi mạng lưới phòng thủ đa tầng, từ các tổ hợp S-400, S-500 cho đến lưới tên lửa tầm ngắn Pantsir-S1. Sự kiện năm nay không chỉ mang tính biểu tượng lịch sử mà còn phơi bày rõ nét quyết tâm của Nga trong việc bảo vệ trái tim chính trị và quân sự của mình giữa lúc chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ đô Moscow không chỉ là trung tâm chính trị, quân sự và kinh tế của Liên bang Nga mà còn là biểu tượng lịch sử và niềm kiêu hãnh quốc gia. Việc bảo vệ thành phố này khỏi mọi hình thức tấn công luôn là ưu tiên tuyệt đối của giới lãnh đạo quân sự Nga.

Trong suốt hơn 7 thập kỷ qua, Moscow đã được bao bọc bởi một mạng lưới phòng thủ đa tầng, kết hợp giữa tàn tích của những công sự từ thời Thế chiến II với các hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất thế giới. Đây là một trong những mô hình phòng thủ đô thị phức tạp và toàn diện nhất hành tinh.

Di sản từ Thế chiến: Hào chống tăng, boongke và công sự ngầm

Lá chắn thép bảo vệ thủ đô Bên trong hệ thống phòng thủ đa tầng Moscow.png
Lối vào một hầm chống bom ở thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: TASS.

Khi quân đội Đức Quốc xã tiến gần Moscow vào năm 1941, giới chức Liên Xô đã nhanh chóng tổ chức một hệ thống phòng thủ quy mô lớn, trải dài trên vành đai xung quanh thủ đô.

Được gọi là “Khu phòng thủ Moscow”, hệ thống này gồm hàng trăm kilomet hào chống tăng, rãnh, hàng rào kẽm gai, boongke và thậm chí cả hệ thống hầm ngầm – một phần trong số đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Cụ thể, hệ thống phòng thủ quy mô lớn này bao gồm: 676 km hào chống tăng, 445 km đường hầm và lối thoát hiểm, 380 km rãnh, hơn 30.000 điểm bắn, boongke và hầm ngầm, hơn 1.300 km hàng rào kẽm gai, hơn 22.000 gai chống tăng. Tuyến phòng thủ Khlebnikov thậm chí còn được trang bị các hàng rào điện.

Dù hiện nay giá trị quân sự của những cấu trúc đó đã giảm đáng kể, chúng vẫn giữ vai trò hỗ trợ hậu cần, làm cơ sở phụ cho các đơn vị phòng không hiện đại được triển khai phía trên.

Mái vòm lửa đa tầng bao phủ thủ đô

Lá chắn thép bảo vệ thủ đô Bên trong hệ thống phòng thủ đa tầng Moscow 1.png
Hệ thống phòng không S-500 của Nga. Ảnh: Meta Defense.

Bắt đầu từ thời hậu Xô Viết và đặc biệt sau các cuộc chiến tại Syria và Ukraine, Nga đã tăng cường đáng kể khả năng phòng không của thủ đô. Moscow hiện nằm dưới sự bảo vệ của một hệ thống phòng không phân tầng, nơi mỗi lớp đóng vai trò tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.

Ở tầng cao nhất là hệ thống S-500 Prometey – vũ khí được xem là trụ cột trong chiến lược phòng thủ không gian – có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo và mục tiêu siêu thanh ở tầm cực xa, lên tới 600 km. Với khả năng đánh chặn cả vệ tinh quỹ đạo thấp, S-500 không chỉ là hệ thống phòng không mà còn là lá chắn không gian chiến lược.

Ngay dưới S-500 là các tổ hợp S-400 Triumf – một hệ thống đã được thử lửa tại Syria – với tầm bắn 400 km. S-400 đóng vai trò chốt chặn trung gian, xử lý các mục tiêu khí động học như máy bay ném bom tầm xa, tên lửa hành trình và UAV cỡ lớn. Hệ thống này được đánh giá cao nhờ radar đa chế độ, khả năng phát hiện đồng thời hàng trăm mục tiêu và phản ứng cực nhanh.

Song hành với nó, ở tầng thấp hơn, là tổ hợp S-350 Vityaz – được triển khai để thay thế những hệ thống S-300PS cũ kỹ. S-350 được thiết kế với trọng tâm là đánh chặn tên lửa tầm ngắn và UAV, đặc biệt hữu dụng trước các đòn tập kích đồng loạt.

Ở tầm gần và cực gần, hệ thống Pantsir-S đóng vai trò cuối cùng trong chuỗi phòng thủ. Đặt trên nóc các tòa nhà và các điểm chiến lược nội đô, Pantsir-S – kết hợp pháo tự động cỡ nòng lớn với tên lửa tầm ngắn – là “lưới chắn” để bắn hạ những mục tiêu bay thấp, nhanh, đặc biệt là UAV cảm tử, loại vũ khí mà Ukraine đã nhiều lần sử dụng trong các cuộc tấn công vào thủ đô Nga.

Hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ tên lửa đạn đạo

Lá chắn thép bảo vệ thủ đô Bên trong hệ thống phòng thủ đa tầng Moscow 2.png
Hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol của Nga. Ảnh: Sputnik.

Một lớp phòng thủ đặc biệt bao quanh Moscow không nằm ở khả năng đánh chặn UAV hay máy bay, mà ở việc đối phó với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trung tâm của hệ thống này là radar Don-2N – một cấu trúc hình kim tự tháp đồ sộ, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hàng ngàn kilomet.

Don-2N không chỉ là “con mắt” của hệ thống A-135, mà còn là trung tâm xử lý dữ liệu cho toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa quanh Moscow. Hệ thống A-135, đưa vào vận hành từ thập niên 1990, có khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt ICBM trong giai đoạn bay cuối bằng các tên lửa đánh chặn siêu nhanh 53T6 được đặt ngầm trong các hầm phóng quanh thủ đô.

Gần đây, Nga bắt đầu thay thế A-135 bằng hệ thống A-235 Nudol, với khả năng mở rộng phạm vi đánh chặn và độ chính xác cao hơn nhiều. Không chỉ dừng lại ở vai trò chống ICBM, A-235 còn được phát triển với mục tiêu có thể tiêu diệt vệ tinh đối phương – một dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh không gian trong tương lai gần.

Phòng thủ phi truyền thống

Lá chắn thép bảo vệ thủ đô Bên trong hệ thống phòng thủ đa tầng Moscow 3.png
Với các thiết bị gây nhiễu điện thoại di động mới, những chiếc UAV này có thể gây nhiễu thông tin liên lạc ở khoảng cách 135 dặm tính từ nơi chúng được phóng. Ảnh: BQP Nga.

Từ năm 2022, khi xung đột với Ukraine leo thang, Moscow bắt đầu hứng chịu các đòn tấn công bằng UAV. Đây không phải là vũ khí công nghệ cao theo nghĩa truyền thống, nhưng lại khó đối phó bởi kích thước nhỏ, tốc độ thấp và thường bay sát mặt đất, khiến các radar lớn khó phát hiện.

Đáp trả mối đe dọa mới này, Nga đã xây dựng một số tháp phòng không ở ngoại ô Moscow, nhằm tăng độ cao triển khai cho các hệ thống như Pantsir-S, từ đó mở rộng tầm quan sát và vùng hỏa lực. Ngoài ra, các “ô dù điện tử” cũng được dựng lên, sử dụng nhiễu sóng, phá sóng điều khiển UAV, và bảo vệ các cơ sở trọng yếu như Điện Kremlin, Bộ Quốc phòng, trung tâm chỉ huy chiến lược.

Bất chấp các nỗ lực đó, một số UAV vẫn lọt qua hệ thống phòng không. Vụ tấn công ngày 12/3/2025, khiến 2 người thiệt mạng và hơn 18 người bị thương, cho thấy ngay cả một hệ thống dày đặc như ở Moscow vẫn có điểm mù. Nó buộc giới quân sự Nga phải liên tục điều chỉnh chiến thuật, tăng cường lớp phòng thủ tầm cực gần và cải tiến thuật toán phát hiện mục tiêu nhỏ trong môi trường đô thị dày đặc.

Nhìn chung, hệ thống phòng thủ quanh Moscow là ví dụ tiêu biểu cho chiến lược quân sự Nga: kết hợp chiều sâu, phân tầng và khả năng phản ứng nhanh. Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi. Những UAV rẻ tiền nhưng có độ chính xác cao, tên lửa siêu thanh, và nguy cơ chiến tranh không gian đòi hỏi Nga phải không ngừng cải tiến.

Tổng hợp