Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine, Vatican chưa có tân Giáo hoàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine cho thấy vòng bỏ phiếu đầu tiên của mật nghị Hồng y chưa chọn được Giáo hoàng kế nhiệm Đức Francis.

Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine. Ảnh: The Independent.
Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine. Ảnh: The Independent.

Khói đen dày đặc bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine vào tối 7/5 (giờ địa phương), báo hiệu vòng bỏ phiếu đầu tiên của mật nghị Hồng y chưa chọn được người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Francis.

Tín hiệu khói xuất hiện khoảng 3 tiếng 15 phút sau khi 133 hồng y cử tri được "giam mình" trong Nhà nguyện Sistine để bắt đầu quá trình bầu chọn tân Giáo hoàng. Hàng chục nghìn người đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Peter, hướng ánh mắt lên ống khói nhà nguyện, hồi hộp chờ đợi kết quả.

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên không thành công, các hồng y rút lui về nhà khách Santa Marta – nơi họ lưu trú trong thời gian diễn ra mật nghị – và sẽ tiếp tục bầu chọn vào ngày 8/5.

Mật nghị năm nay được triệu tập sau khi Đức Giáo hoàng Francis qua đời hôm 21/4 ở tuổi 88, khép lại 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu với hơn 1,4 tỷ tín hữu.

Theo nghi lễ có từ hàng thế kỷ, chỉ những hồng y dưới 80 tuổi mới được quyền bầu Giáo hoàng. Họ bỏ phiếu bí mật trong Nhà nguyện Sistine cho đến khi có một ứng viên đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu – tương đương 89 phiếu – để trở thành người đứng đầu Tòa thánh Vatican.

Không được sử dụng thiết bị liên lạc hay ra ngoài, cách duy nhất để các hồng y thông báo kết quả là đốt các lá phiếu kèm hóa chất tạo khói. Nếu khói đen xuất hiện, nghĩa là chưa có Giáo hoàng mới; khói trắng là tín hiệu một người đã được chọn.

Mật nghị 2025 là kỳ họp đông đảo và quốc tế nhất trong lịch sử, với các hồng y đến từ khoảng 70 quốc gia, nhiều người chưa từng gặp nhau trước đó.

Hiện chưa có ứng viên nổi bật kế nhiệm vị Giáo hoàng người Argentina đầy cá tính. Các hồng y đại diện cho nhiều khuynh hướng trong Giáo hội – từ truyền thống bảo thủ đến cởi mở cải cách.

Tân Giáo hoàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức: duy trì sự cân bằng ngoại giao trong bối cảnh địa chính trị đầy bất ổn, giải quyết những rạn nứt nội bộ trong Giáo hội, tiếp tục xử lý hậu quả của các vụ bê bối lạm dụng trẻ em, và tình trạng nhà thờ ngày càng vắng tín hữu tại phương Tây.

Chờ đợi làn khói trắng

Khung cảnh khai mạc mật nghị, với đoàn hồng y và giáo sĩ rước vào Nhà nguyện Sistine trong nghi lễ trang nghiêm, được phát trực tiếp trên các màn hình lớn trước Đền thờ Thánh Peters.

Khi đêm buông xuống, dòng người đổ về ngày một đông, trong đó có nhiều người trẻ và trẻ em. Một số người hát thánh ca, số khác nhảy múa; một cô gái trẻ gây chú ý khi dắt theo chú chó poodle nhỏ mặc áo choàng như Giáo hoàng.

Đến 21h00 ngày 7/5 (giờ địa phương), các màn hình bất ngờ tắt khiến đám đông xôn xao. Ít phút sau, khói đen bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, dập tắt hy vọng về một Giáo hoàng mới trong ngày đầu tiên.

Dù vậy, nhiều người vẫn giữ sự lạc quan. “Tôi không phiền vì khói đen – điều đó cho thấy Chúa Thánh Thần đang làm việc. Sẽ còn nhiều vòng bỏ phiếu nữa, rồi chúng ta sẽ có một vị Giáo hoàng mới”, James Kleineck, 37 tuổi, đến từ Texas (Mỹ) chia sẻ với AFP.

Trước đó, các hồng y đã tụ tập tại Nhà nguyện Pauline gần đó để cầu nguyện trong im lặng, rồi bước sang Nhà nguyện Sistine – nơi đã được sắp đặt sẵn bàn ghế bên dưới các bức bích họa nổi tiếng của Michelangelo.

Tại đây, họ tuyên thệ giữ bí mật trước toàn thể, sau đó lần lượt tiến lên bàn thờ để thực hiện lời thề cá nhân, cam kết tuyệt đối không tiết lộ bất kỳ điều gì diễn ra trong mật nghị – nếu vi phạm sẽ bị khai trừ.

Theo hình ảnh truyền hình trực tiếp của Vatican, các hồng y tiến lên từng người một trước bức tranh Ngày phán xét nổi tiếng – nơi Michelangelo miêu tả khoảnh khắc Thiên Chúa phán xét ai được lên thiên đàng, ai xuống địa ngục.

Ngay sau đó, vị chủ lễ mật nghị hô vang “Extra omnes” – tiếng Latin có nghĩa “Mời tất cả ra ngoài”, rồi cánh cửa nặng nề của Nhà nguyện Sistine được đóng chặt.

Từ đây, mỗi ngày sẽ có tối đa 4 vòng bỏ phiếu – hai vào buổi sáng, hai vào buổi chiều – cho đến khi chọn được tân Giáo hoàng.

Trước đó, Đức Francis và người tiền nhiệm Benedict XVI đều được bầu chỉ sau hai ngày. Tuy nhiên, cuộc bầu Giáo hoàng lâu nhất từng ghi nhận kéo dài tới 1.006 ngày, từ năm 1268 đến 1271.