Nga tăng cường sức mạnh quân sự với tiêm kích tàng hình Su-57, tên lửa siêu thanh và UAV tầm xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nga hiện đang tăng cường sức mạnh quân sự với những vũ khí mới nhất như máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57, tên lửa hành trình siêu thanh và máy bay không người lái tự sát phóng từ pháo phản lực-tên lửa tầm xa.

Military Watch dẫn các nguồn tin Ukraine cho biết, Không quân Nga đã triển khai tiêm kích đa nhiệm thế hệ 5 Su-57 thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của quân đội Ukraina trong vùng Luhansk.

Theo Military Watch, các bản tin truyền thông Kyiv cho rằng, Su-57 đã thâm nhập không phận Ukraina, sử dụng tên lửa hành trình Kh-59MK2 tấn công các mục tiêu sâu trong hậu phương của Ukraine.

Những bản tin không được phía Nga xác nhận này có nhiều nghi vấn như bằng cách nào truyền thông Ukraine xác định được loại tên lửa mà Su-57 sử dụng và vì sao Su-57 lại phải thâm nhập không phận Ukraine trong khi tên lửa hành trình Kh-69, phiên bản hiện đại hóa của Kh-59MK2 có thể tấn công các mục tiêu trên khắp vùng Luhansk từ sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Nguồn tin Ukraine chính thức xác nhận những cuộc tấn công sử dụng tên lửa hành trình Kh-59MK2 ngày 7-8/2, Viện Nghiên cứu Khoa học-Nghiên cứu Pháp y Kiev (KNDISE) tuyên bố đã có được những mảnh xác của tên lửa Kh-59MK2 và hiện đang tiến hành những nghiên cứu về loại tên lửa này.

Mảnh xác thiết bị được cho là của tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-59MK2 hoặc Kh-69. Video KNDISE/Ukraine

Theo trang Military Watch, Kh-59MK2 trước đây đã được thử nghiệm trên chiến trường Syria, được nâng cấp để tấn công các công trình phòng ngự kiên cố và vững chắc. Tên lửa có tầm bắn 300 km, mang theo đầu đạn có khối lượng đến 310 kg nhưng có kích thước nhỏ gọn lắp đặt vừa bên trong khoang vũ khí máy bay, cho phép Su-57 duy trì được tính năng tàng hình. Hiện trên thế giới không có loại máy bay chiến đấu thế hệ 5nào có khả năng mang theo loại tên lửa hành trình tương tự.

vu-khi-hien-dai-nga-07-9738.jpg
Tên lửa hành trình Kh-59MK2. Ảnh Topwar.
vu-khi-hien-dai-nga-02-9152.jpeg
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 đang bay. Ảnh Military Watch.

Hiện phía Nga được cho là có một trung đoàn tiêm kích đa năng thế hệ 5 Su-57 với 22 chiếc được đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2023, sau khi nhà sản xuất Sukhoi bàn giao 12 chiếc trong năm, tăng gấp đôi so với 6 chiếc được chuyển giao vào năm 2022 .

Theo các nguồn tin Nga, nhà sản xuất dự kiến sẽ chuyển giao khoảng từ 20 chiếc máy bay trở lên trong năm 2024, nâng quy mô sản xuất của loại máy này lên quy mô vượt trội hơn so với các loại máy bay chiến đấu nào khác của Nga. Tốc độ sản xuất của Nga có thể chỉ đứng sau tốc độ sản xuất J-20 của Trung Quốc.

Máy bay có chi phí bay xấp xỉ 35 triệu USD, khiến quá trình sử dụng Su-57 rẻ hơn một nửa so với 2 máy bay chiến đấu thế hệ 5 trên thế giới là J-20 của Trung Quốc và tiêm kích hạng nhẹ một động cơ F-35 của Mỹ.

Tiêm kích đa nhiệm tàng hình thế hệ 5 được dự kiến trở thành xương sống của Không quân Nga vào giữa những năm 2020, với kế hoạch hơn 200 chiếc được chuyển giao vào năm 2025, nhưng chương trình bị trì hoãn nghiêm trọng. Năm 2024 sẽ là năm đầu tiên Su-57 được sản xuất với tốc độ cao.

Nga hiện đã phát triển một loại bom lượn dành riêng cho Su-57, PBK-500U Drel, cũng sẽ ​được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2024 để thực hiện các cuộc tấn công trong vùng Chiến dịch quân sự đặc biệt, yểm trợ trực tiếp cho lực lượng bộ binh và xe tăng.

Theo các nguồn tin phương Tây và Ukraine, Nga đã sử dụng 3M22 “Zircon”, tên lửa hành trình siêu thanh động cơ scramjet tiến hành các cuộc tấn công ở Ukraine. KNDISE tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, ngày 7/2, Nga đã sử dụng ít nhất một tên lửa siêu thanh “Zircon”.

vu-khi-hien-dai-nga-03-488.jpg
vu-khi-hien-dai-nga-04-9528.jpg
Các mảnh xác được cho là của tên lửa hành trình siêu thanh Zircon. Ảnh tài khoản X (Twitter) Status 6.
vu-khi-hien-dai-nga-05-1052.jpg
Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga. Ảnh Defense Blog.

Đồng thời, nguồn tin Ba Lan và Mỹ lưu ý, “Zircon” được phóng từ một bệ phóng trên đất liền. Mặc dù những thông tin về tên lửa siêu thanh Nga không nhiều nhưng những thông tin trên truyền thông đại chúng cho biết, Zircon phù hợp với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) 3S14 UKSK, tương tự như tên lửa chống hạm siêu âm P-800 “Oniks”. Tên lửa này được phóng từ hệ thống phòng thủ bờ biển “Bastion-P”, đã từng được sử dụng nhiều lần để thực hiện các cuộc tấn công vào những mục tiêu trên đất liền. Thực tế sử dụng này cho thấy, “Zircon” có khả năng đã được phóng từ hệ thống “Bastion-P” tương tự như “Oniks”, tăng cường tính linh hoạt chiến đấu của tổ hợp tên lửa siêu thanh “Zircon” Nga.

Với tầm bắn hơn 1000 km và tốc độ Mach 9, tốc độ của “Zircon” lớn hơn gấp 3 lần và tầm bắn lớn gấp đôi so với “Oniks”, hiện không có hệ thống phòng không hiện đại nào có thể đánh chặn. Vũ khí được trang bị đầu đạn có khối lượng 300 kg, có khả năng xuyên phá các công trình kiên cố vững chắc nhờ động năng của tốc độ bay siêu thanh.

Ngoài tiêm kích tàng hình thế hệ 5 và tên lửa siêu thanh, Nga không bỏ qua lĩnh vực quan trọng nhất đảm bảo ưu thế quân sự trên chiến trường Ukraine, máy bay không người lái (UAV) và pháo binh. Pháo phản lực tên lửa “Tornado-S” 9K515, phiên bản hiện đại hóa sâu của pháo phản lực tầm xa BM-30 Smerch trở nên nguy hiểm hơn khi Moscow quyết định phóng đạn lượn thông minh, drone kamikaze từ hệ thống này, kết hợp hai loại vũ khí mà Nga đang có thế mạnh.

vu-khi-hien-dai-nga-06-9022.jpg
Pháo phản lực tên lửa Tornador-S. Ảnh Topwar

Pháo phản lực-tên lửa Tornado-S sử dụng tên lửa dẫn đường 9M542 bằng hệ thống định vị vệ tinh Glonass có tầm bắn lên tới 130 km, một biến thể cải tiến khác có tên gọi 9M544, được thử nghiệm vào năm 2020 có tầm bắn 200 km. Khả năng này giúp quân đội Nga phóng các UAV tự sát trên khoảng cách rất xa, khiến các UAV tự sát có thể mang đầu đạn lớn hơn và giảm khả năng bị đánh chặn hoặc tấn công vào các vị trí phóng.

Không rõ Nga sẽ sử dụng loại UAV tự sát nào cho hệ thống pháo phản lực – tên lửa “Topnador-S”, nhưng Moscow hiện có rất nhiều loại drone kamikaze tiên tiến. Chỉ trong 2 năm gần đây, Nga đã khắc phục hoàn toàn những nhược điểm trong lĩnh vực UAV quân sự. Xung đột đã thúc đẩy ngành công nghiệp Nga phát triển một số lượng rất lớn các loại UAV khác nhau, sử dụng cho những mục đích chiến thuật khác nhau và đặt trọng tâm vào các loại đạn lượn thông minh như Lancet. Bằng phương pháp tích hợp UAV tấn công với sức mạnh pháo binh, Nga đang tạo ra loại vũ khí tấn công nguy hiểm nhất trên chiến trường hiện đại vì hầu như không có biện pháp phòng thủ khả thi nào chống lại cả đạn tên lửa và UAV tự sát./.