Vào ngày 25/5 các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Brussels. Mátxcơva đã hy vọng rằng hội nghị lần này ít bàn tới Nga và sự leo thang căng thẳng Đông-Tây mà sẽ tập trung nhiều hơn vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Afghanistan và Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cáo buộc phương Tây từ chối “thành lập một mặt trận chung chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới trong khi lại nhấn mạnh về mối đe dọa quân sự của Nga”.
Nhưng ý tưởng hợp tác chống khủng bố cũng không thực sự là ưu tiên hàng đầu. Thực tế, ông Shoigu cũng kêu gọi người dân Nga không nên làm ngơ trước mối đe dọa từ “các hoạt động của NATO ở biên giới nước Nga”. Việc Nga triển khai chiến đấu ở Syria một mặt thực hiện chiến dịch tiêu diệt IS, nhưng theo cách lý giải của ông Shoigu thì chiến dịch đó chủ yếu còn là động thái đối phó phương Tây. "Nhóm lực lượng vũ trang Nga đã xuất hiện ở sườn phía nam của NATO, làm thay đổi cân bằng chiến lược của các lực lượng trong khu vực”, ông Shoigu nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết đã đạt được sự cân bằng quân sự với NATO dù chi tiêu quốc phòng ít hơn nhiều so với NATO. Nga đã mở rộng và hiện đại hóa bộ ba vũ khí hạt nhân, gồm lực lượng hạt nhân chiến lược trên bộ, trên biển và trên không.
Chín trung đoàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Yars mới trên bộ và trong giếng phóng đã được triển khai. Trung đoàn Lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) đã triển khai 10 tên lửa ICBM. Theo ông Shoigu, đến năm 2021 Nga sẽ có 17 trung đoàn Yars. Hải quân Nga hiện nay đã có 9 tàu ngầm hạt nhân hiện đại liên tục hoạt động, trong đó có ba tàu ngầm hạt nhân mới lớp Borei được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava mới. Trong vòng 4 năm tới, Nga sẽ sở hữu 13 tàu ngầm chiến lược, bao gồm 7 tàu ngầm lớp Borei.
Thời Liên Xô, vũ khí chủ chốt trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Mátxcơva chỉ bao gồm các ICBM trên mặt đất của lực lượng RVSN. Sau năm 1991, Lực lượng hạt nhân hải quân và không quân tầm xa đã ngày càng hoạt động khác thường. Hiện nay, RVSN được coi là lực lượng dễ tổn thương nhất trong bộ ba hạt nhân, rất dễ trở thành đối tượng của Chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ.
Theo các tướng lĩnh cấp cao của Nga, Mỹ đang nhanh chóng phát triển khả năng tấn công chớp nhoáng toàn cầu để tiêu diệt Nga thông qua một cuộc tấn công chớp nhoáng, có thể tấn công mạnh vào hệ thống răn đe hạt nhân của Nga.
Nga đã rất nỗ lực để khôi phục lại lực lượng hải quân hạt nhân và xây dựng thêm các tàu mặt nước cùng các tàu ngầm tấn công để bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Khi băng ở Bắc cực tan ra và tàu ngầm hạt nhân ở biển Barent ngày càng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công phủ đầu, Nga đã nỗ lực tạo ra một vị trí an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở biển Okhotsk bằng cách gia cố các hệ thống phòng không và phòng thủ trên biển ở chuỗi đảo Kuril, Sakhalin và Kamchatka.
Tại Nga, các máy bay ném bom chiến lược luôn bị coi là thành phần yếu nhất của bộ ba hạt nhân, kém hơn so với đối thủ tương đương của Mỹ. Để phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở lục địa Mỹ, máy bay ném bom chiến lược phải phóng ở vị trí cách mục tiêu chỉ 3.000 km, mà hành động đó lại vô cùng nguy hiểm. Các máy bay ném bom hạng nặng khó có thể tiến tới các vị trí phóng được lên kế hoạch từ trước ở giữa Đại Tây Dương, Thái Bình Dương hoặc phía bắc Canada mà không bị máy bay chiến đấu phương Tây bắn hạ. Các máy bay Т-95МСМ và Tu-160 vẫn còn tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ ngày càng trở nên ít ỏi vì các phụ tùng thiết yếu trở nên cạn kiệt. Các công nghệ sản xuất động cơ phản lực HK-32 hiệu suất cao cho Tu-160 thời Chiến tranh Lạnh đã mất, dây chuyền sản xuất bị tháo dỡ, các công nhân lành nghề cũng đã nghỉ hưu hoặc qua đời vì tuổi cao sức yếu.
Tuy nhiên giờ đây tình hình đã thay đổi: Dây chuyền sản xuất động cơ phản lực HK-32 đã được khôi phục và một thế hệ mới gồm 30-50 máy bay ném bom Tu-162M2 hiện đại được lên kế hoạch phát triển và sẽ đi vào hoạt động sau năm 2021. Theo ông Shoigu, máy bay ném bom Тu-160М2 "có thể tấn công mục tiêu của đối phương từ những vị trí đặc biệt mà không bị đe dọa bởi khả năng phòng không của địch".
Máy bay ném bom chiến lược Nga sẽ được trang bị một tên lửa hành trình tàng hình mới với tầm bắn siêu xa mang tên Kh-101/Kh-102. Tên lửa này đã được phát triển và thử nghiệm tại Syria. Kh-101/Kh-102 có tầm bắn 5.000-5.500 km, tầm bắn này có thể mở rộng thêm bằng cách sửa đổi động cơ và tăng sức chứa nhiên liệu.
Các máy bay ném bom được trang bị tên lửa Kh-101/Kh-102 có thể bắn ở vị trí gần lãnh thổ Nga hơn khoảng 2.000-3.000 km so với trước đây; những máy bay nà cũng có thể được hộ tống đến vị trí phóng tên lửa bằng những máy bay chiến đấu tầm xa mới, giúp tăng cơ hội sống sót sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ông Shoigu, đến năm 2021 các lực lượng chiến lược và lực lượng quy ước của Nga phải được triển khai theo tất cả các hướng chiến lược, sẵn sàng ngăn chặn bất cứ hành động "xâm lược" nào. Hơn một nửa tàu hải quân sẽ mang theo tên lửa hành trình Kalibr tầm xa. Máy bay chiến đấu tàng hình mới thế hệ năm T-50, sẽ được triển khai. Nga cũng sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia dựa trên hệ thống tên lửa chống máy bay và chống tên lửa S-500 Prometheus. Ông Shoigu tuyên bố Nga sẽ sẵn sàng để tự vệ trước cuộc tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ.