Đó là kết luận của trưởng khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Johns Hopkins, ông Vali Nasr, trên tạp chí chuyên về chính trị Politico. Ông Nasr còn tuyên bố chỉ Nga mới có thể đem lại hòa bình cho Syria. Mới nhìn qua, động thái của tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ như một canh bạc tuyệt vọng nhằm cứu chế độ của tổng thống Syria Assad. Can thiệp quân sự có thể giữ ổn định chính quyền Syria một thời gian, nhưng những người chỉ trích nghĩ rằng rốt cuộc Nga có nguy cơ lặp lại thảm họa tại Afghanistan khi các chiến binh thánh chiến khiến quân đội Liên Xô sa lầy.
Song họ nên nhớ rằng ông Putin đã nói rõ quan điểm của Nga trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Syria. Và Politico cho rằng, Nga hiện nay đang ở vị thế tốt hơn Mỹ nhiều để chặn đứng cuộc nội chiến đẫm máu ở quốc gia này.
Chưa rõ sự thể sẽ kết thúc ra sao, nhưng hiện nay Nga đã thay đổi động lực của cuộc khủng hoảng Syria và mở ra những khả năng mới. Iran cũng đã tăng cường trợ giúp bảo vệ ông Assad và còn điều quân tới đánh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq. Nga đang tiến từng bước hậu thuẩn ông Assad, đồng thời thiết lập một trục chống IS bao gồm Iran, Iraq và Syria. Nga đang thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nền chính trị khu vực. Với nhiều người ở phương Tây, mối bận tâm sẽ là vai trò của Nga ở Trung Đông chứ không phải là vấn đề hạt nhân Iran.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga cũng không thách thức trực tiếp Thổ Nhĩ Kỳ và các nước quân chủ Vùng Vịnh ủng hộ phe đối lập chống ông Assad. Trở lại năm 2012, vua A rập Xê út Abdullah đã thể hiện sự không hài lòng khi Nga ủng hộ ông Assad bằng việc gọi điện cho tổng thống Nga khi đó là ông Dmitri Medvedev.
Nhưng Nga không có vẻ lo lắng về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới A rập có thể phản ứng ra sao trước hành động quân sự mới đây. Sau khi đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, các nước quân chủ A rập bất mãn với Washington, thấy rằng cần phải xây dựng quan hệ với Moscow. Không giống Mỹ, Nga không phải lựa chọn giữa Iran và các địch thủ A rập của quốc gia này. Họ có khả năng vừa khăng khít với Iran, đồng thời củng cố quan hệ với các nước quân chủ Vùng Vịnh.
Mỹ đang tỏ ra bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Ủng hộ các nhóm nổi dậy chống Assad không hiệu quả và Washington đang cố gắng tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Trái lại hoặc giả như một hậu quả, đó là hiện nay đang lan truyền một sự thừa nhận rằng Nga mới là yếu tố trung tâm có thể kết thúc cuộc khủng hoảng Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nối lại các nỗ lực nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho Syria. Tuy nhiên, chính Nga chứ không phải Mỹ đang tạo ra tình thế trên thực địa thúc đẩy các biện pháp ngoại giao.
Qua 4 năm nội chiến ở Syria, sự lừng chừng của Mỹ khiến Washington có tác động rất hạn chế. Ngược lại, Nga rất quyết đoán trong việc cung cấp vũ khí cho quân đội của ông Assad và sẵn sàng ra tay bảo vệ chế độ này. Rõ ràng với tất cả mọi bên rằng chìa khóa đạt được một giải pháp cho cuộc chiến tại Syria chính là Moscow, Politoco kết luận.
Khả năng thỏa hiệp của Washington trong vấn đề hạt nhân Iran hay nội chiến Syria đều vấp phải những trở ngại lớn từ chính trị nội bộ và xung đột lợi ích với hàng loạt các đồng minh khu vực. Ngay cả khi Mỹ đạt được bước đột phá với Iran về vấn đề hạt nhân, kết quả này đã bị quốc hội Mỹ, Israel và các nước quân chủ Vùng Vịnh phản đối dữ dội.
Moscow đang ở vị thế tốt hơn để thúc đẩy cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước quân chủ Vùng Vịnh đạt được thỏa thuận. Ngoại trưởng Kerry, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ngoại trưởng A rập Xê út Adel Jubair đã gặp nhau tháng trước tại Qatar để thảo luận về tình hình Syria. Nhưng Nga đang đang theo đuổi các cuộc thương lượng trực tiếp hơn. Danh sách các quan chức cấp cao tới thăm Moscow gần đây rất dài: ngoại trưởng Iran Javad Zarif, tư lệnh vệ binh cách mạng IranQasim Suleimani, thái tử A rập Xê út Muhammad Bin Nayef, hoàng tử Muhammad Bin Salman, thái tử UAE Muhammad Bin Zayed, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan.
Sau khi thái tử Muhammad Bin Salman từ Moscow trở về, tổng thống Putin đã sắp xếp cho ông ta gặp giám đốc cơ quan tình báo Syria Ali Mamluk tại Jeddah. Một mặt ông Putin tăng cường bảo vệ tổng thống Assad, mặt khác Nga đang tích cực đối thoại, thương lượng với các nhân tố quan trọng nhất trong khu vực.
Nỗ lực ngoại giao đã đạt được những tác động rõ ràng. Mới tuần trước, sau khi thăm Moscow, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thay đổi quan điểm và tuyên bố đồng ý rằng ông Assad là một phần giải pháp chính trị nhằm chấm dứt nội chiến tại Syria. Rõ ràng ông Erdogan và các nước quân chủ Vùng Vịnh hiểu ông Putin sẽ không để ông Assad bị hạ bệ. Các quốc gia này cũng hiểu rõ nguy cơ xung đột với Nga nếu họ tiếp tục hậu thuẫn các lực lượng chống đối Assad.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều không muốn thấy Nga hiện diện quân sự lâu dài ngay trước cửa. Israel không có khả năng tấn công lực lượng Hezbollah và các mục tiêu Iran, còn Thổ cũng không thể phản ứng trước lực lượng người Kurd như mong muốn. Kịch bản tốt nhất các nước này có thể kết luận là chấp thuận một giải pháp ngoại giao để Nga rút quân về.
Khả năng này tạo tai một lối thoát khỏi ngõ cụt hiện nay ở Syria. Nó sẽ được hoan nghênh không chỉ tại các nước xung quanh Syria mà cả ở châu Âu, nơi đang khốn khổ vật lộn giải quyết làn sóng người tị nạn di cư, gây ra những thách thức nghiêm trọng về nhân đạo và an ninh.
Tuy nhiên, cũng làm dấy lên những câu hỏi về sự thách thức của Nga đối với Mỹ cũng như trật tự thế giới. Những người chỉ trích chính quyền Obama lo sợ rằng siêu cường Nga trỗi dậy có thể tạo dựng ưu thế cho Moscow trong các vấn đề của Trung Đông, cũng như khuyến khích Nga hành động trên thế giới. Khoảng trống Nga đang lấp đầy chính do sự vô tâm của Mỹ để lại và Moscow đang thể hiện dũng khí nhằm kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 4 năm tại Syria.
Theo QPAN