Thực tế, bất kỳ loại vũ khí nào được coi là siêu vượt âm cũng đạt được tốc độ trên Mach 5 ( Mach 1 là vận tốc 767 dặm/giờ ở tầm thấp và ở nhiệt độ 20oC). Hiện nay, cả Mỹ và Nga đều đang cố gắng phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm, chưa kể Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc đua này.
Nga phát triển từ tên lửa hành trình đến vũ khí siêu vượt âm
Vũ khí siêu vượt âm của Nga sắp được sản xuất là tên lửa chống tàu phóng từ biển Zircon và tên lửa hành trình phóng trên không X-32. Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về vụ thử nghiệm tên lửa Zircon. Có thông tin cho rằng vũ khí này đã đạt tốc độ Mach 8 khi thử nghiệm.
Dựa trên một số thông tin, có thể tạm dự đoán rằng tên lửa Zircon đạt tốc độ Mach 5 hoặc 6, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách ít nhất 400 km. Thời điểm ra mắt vũ khí này đến nay vẫn chưa được xác định. Mốc thời gian được dự đoán là khoảng năm 2019-2020. Nhưng trên thực tế, việc phát triển vũ khí mới và phức tạp này có thể kéo dài đến giữa thập kỷ sau.
Tuy nhiên, tên lửa hành trình X-32 được phát triển đặc biệt để phóng từ máy bay ném bom tầm xa hiện đại Tu-22M3 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối, dự kiến sẽ ra mắt trong tương lai gần. Tên lửa này được hoàn thiện sớm hơn là vì tốc độ chỉ đạt Mach 4 hoặc Mach 5.
Ngoài ra, tên lửa này còn bay theo một quỹ đạo đặc biệt, có thể kiểm soát trong tầm bắn ở độ cao từ 40-45 km, và sau đó tấn công thẳng mục tiêu, giúp làm giảm lực cản không khí và nhiệt lượng. Theo đó, mô hình này giúp làm giảm vấn đề quá nhiệt và vấn đề hỏng hóc điện của tên lửa vì sự hình thành đám mây plasma xung quanh tên lửa. Đây là hai vấn đề chính mà vũ khí siêu vượt âm gặp phải. Mặt khác, tốc độ của tên lửa này cũng không quá cao, thực tế tốc độ của X-32 chỉ nằm ở giữa tên lửa siêu thanh và tên lửa siêu vượt âm.
Dự án thứ ba, là dự án phức tạp nhất nhưng cũng hứa hẹn nhất, là chế tạo vũ khí siêu vượt âm với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chạy bằng nhiên liệu lỏng RS-28 Sarmat. Dự án này còn được gọi là “Object 4202” hay U71.
Không giống như đầu đạn thông thường cũng có thể thâm nhập vào không gian với tốc độ siêu vượt âm, vũ khí siêu vượt âm có thể phóng nhanh hơn, bay hàng trăm, hoặc thậm chí hàng nghìn km, có thể bay theo quỹ đạo khác với tên lửa đạn đạo thông thường. Do đó các hệ thống chống tên lửa đạn đạo không thể đánh chặn vũ khí này.
Ngoài ra, vũ khí siêu vượt âm cũng có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao hơn các đầu đạn thông thường, cho phép mang đầu đạn phi hạt nhân ở khoảng cách liên lục địa.
Các cuộc thử nghiệm mới nhất của U-71 được coi là thành công, nhưng không có nghĩa là vũ khí này sắp được đưa vào sản xuất đại trà. Điều này còn phụ thuộc vào khả năng đạt được các thông số kỹ thuật, ví dụ như khả năng đạt được tốc độ mong muốn.
Dù thế nào thì việc tiến hành dự án này dường như đang tiến triển rất tốt đẹp. Và với những trì hoãn trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, rất có thể vũ khí siêu vượt âm sẽ ra mắt kịp thời lúc bắt đầu sản xuất tên lửa RS-28, rất có thể sẽ diễn ra vào đầu hoặc giữa những năm 2020.
Dự án phát triển vũ khí siêu vượt âm của Mỹ
Ở Mỹ, các dự án phát triển vũ khí siêu vượt âm cũng đi theo lộ trình tương tự như Nga. Trong suốt một thời gian dài, việc chế tạo vũ khí siêu vượt âm đã được đưa ra trong khuôn khổ Sáng kiến tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike Initiative).
Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hai lần với mỗi loại vũ khí Advanced Hypersonic Weapon (AHW) và Hypersonic Technology Vehicle 2 (HTV-2). Nhưng trong đó chỉ một cuộc thử nghiệm vũ khí AHW năm 2011 là thành công.
Cuộc phóng thử nghiệm mới nhất được tiến hành vào năm 2014 và đã không thành công. Vấn đề chính mà các nhà phát triển vũ khí phải đối mặt là việc mất liên lạc với phương tiện trong hành trình bay. Rõ ràng, các vấn đề gia tăng vì đám mây plasma hình thành xung quanh tàu lượn và thất bại về mặt điện tử.
Việc giải quyết vấn đề này là mấu chốt trong việc phát triển công nghệ siêu vượt âm nói chung. Dự án DARPA Falcon đã khép lại, và theo đó, dự án HTV-2 cũng không được triển khai thêm. Còn đối với dự án AHW, không có thông tin nào cho thấy liệu có thử nghiệm thêm hay không.
Ngoài ra, theo Russia Insider, Mỹ còn chủ động hợp tác với Australia trong khuôn khổ dự án nghiên cứu HIFiRE (Chương trình nghiên cứu thí nghiệm vũ khí siêu vượt âm xuyên quốc gia). Trong khuôn khổ chương trình này, một số phương tiện siêu vượt âm sẽ được thử nghiệm bay, và lần thử nghiệm cuối cùng ngày 12/7/2017 đã thành công.
Vũ khí siêu vượt âm cũng có thể đạt tốc độ Mach 7,5 trong các cuộc thử nghiệm gần cuối, tuy nhiên không có thông tin nào được công khai về cuộc thử nghiệm gần đây nhất. Mục đích của dự án này được cho là nghiên cứu cách vũ khí siêu vượt âm thâm nhập vào không gian và hoạt động.
Một dự án mới khác nhằm chế tạo vũ khí siêu vượt âm là Tactical Boost Glide (TBG) được tài trợ bởi Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng cấp cao DARPA. Theo thông tin từ Russia Insider, việc phát triển các phương tiện siêu vượt âm được công ty Lockheed Martin thực hiện, công ty này đã nhận 147 triệu USD cho dự án này. Quá trình này sẽ tiếp thu những kinh nghiệm đạt được từ việc triển khai HTV-2.
Khi xem xét việc chế tạo tên lửa hành trình siêu vượt âm của Mỹ, có hai dự án nghiên cứu đáng chú ý là tên lửa X-43A (có thể đạt tốc độ Mach 9,65) và tên lửa tiên tiến hơn X-51 (có thể đạt tốc độ Mach 5,1) ở độ cao khoảng 18 km trong cuộc thử nghiệm cuối năm 2013 với chuyến bay kéo dài 6 phút.
Kết quả này cho thấy Mỹ ít nhất cũng đã có nguyên mẫu cho động cơ phản lực siêu vượt âm cần thiết cho các vụ phóng tên lửa hành trình thuộc lớp này. Và vấn đề với sự ổn định nhiệt cũng đã được giải quyết.
Tuy nhiên X-51 vẫn chưa lắp đặt hệ thống dẫn đường và đầu đạn, cho dù việc đảm bảo hoạt động điện ổn định trong chuyến bay ở tốc độ siêu vượt âm là một trong những nhiệm vụ khó nhất.
Rõ ràng nhiệm vụ này có thể được giải quyết trong khuôn khổ dự án HAWC được DARPA tài trợ. Hai công ty tham gia vào dự án này là Raytheon và Lockheed Martin. Về lâu dài, kết quả đạt được từ dự án này sẽ có thể được áp dụng vào tên lửa hành trình siêu vượt âm High Speed Strike Weapon (HSSW). Tên lửa này được dự kiến sẽ ra mắt vào giữa những năm 2020. Hai công ty Raytheon và Lockheed Martin đã nhận được 174,7 triệu USD và 171,2 triệu USD để phát triển HAWC.
Một dự án cũng đầy hứa hẹn khác là chế tạo máy bay trinh sát không người lái siêu vượt âm SR-72. Lockheed Martin hiện đang triển khai dự án phát triển máy bay không người lái có khả năng đạt tốc độ Mach 6 này, dự kiến sẽ ra mắt vào đầu những năm 2030.
Trung Quốc tham gia cuộc đua
Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ chế tạo vũ khí siêu vượt âm. Tuy nhiên dự án duy nhất được biết đến là tên lửa siêu vượt âm DF-ZF. Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã tiến hành bảy cuộc thử nghiệm với vũ khí này, nhưng kết quả rất khó đánh giá.
Theo truyền thông thì DZ-ZF có thể đạt đốc tộ Mach 5 và Mach 10 trong các cuộc thử nghiệm. Việc tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm trong thời gian ngắn cho thấy việc phát triển vũ khí này đang tiến triển rất tốt, Russia Insider nhận định
Liệu vũ khí siêu vượt âm có thể thay đổi thế giới ra sao?
Rõ ràng là mất rất nhiều năm và cũng rất tốn kém để chế tạo ra mô hình vũ khí siêu vượt âm. Sẽ không nước nào có thể có được các vũ khí này cho đến giữa những năm 2020. Tuy nhiên trong số ba nước thì Nga có vẻ sẽ sớm sở hữu vũ khí này hơn.
Russia Insider cho rằng thế giới này sẽ không thể an toàn hơn một khi vũ khí siêu vượt âm được triển khai. Khả năng thực hiện các cuộc tấn công nhanh chóng và chính xác trên khắp hành tinh sẽ kích động các nước thực hiện các cuộc tấn công vào kẻ thù.
Đó là lý do vì sao hiện nay đã có ít nhất ba nước tham gia vào cuộc đua phát triển vũ khí này, và rất có thể sẽ đạt được mục tiêu này cùng thời điểm. Tuy nhiên đây cũng có thể là một tin tốt vì nếu chỉ một nước sở hữu vũ khí này sẽ dẫn tới việc mất cân bằng quyền lực hiện đang được duy trì nhờ sự răn đe hạt nhân, Russia Insider nhận định