Phát biểu sau một cuộc họp của các bộ trưởng chính phủ và Tổng thống Vladimir Putin về ngân sách, ông Siluanov mô tả tình hình tài chính công hiện nay của Nga là không còn lựa chọn nào ngoài việc phải xem xét lại các quyết định trước đây và điều chỉnh lại các chương trình chi tiêu. Ông ước tính thâm hụt ngân sách không quá 2,4% GDP năm 2016, gấp đôi con số được đưa ra hai tháng trước, và ngân sách sẽ cân bằng vào năm 2018 thay vì là năm 2017 như mục tiêu trước đó.
Nhưng ngay cả khi giảm nhẹ hơn, các mục tiêu mới sẽ đòi hỏi việc cắt giảm mạnh tay với chi ngân sách, điều sẽ khó thực hiện nếu không có những điều chỉnh lớn các hạng mục chi tiêu rất khó bị chạm đến như chi cho quốc phòng và an ninh quốc gia - hai lĩnh vực chiếm đến 1/3 ngân sách liên bang. Trong khi đó, ông Putin nói cần tăng lương hưu cho phù hợp với lạm phát trong năm nay và với lạm phát ở mức hai con số, tiền chi cho các quỹ lương hưu của chính phủ ngốn tới 1/4 ngân sách liên bang.
Trong bối cảnh đó, Nga đối mặt với sự thiếu hụt tiền trong năm 2017, khi quỹ dự trữ theo ước tính gần như là cạn. Nếu không có những biện pháp cắt giảm chi tiêu hữu hiệu, Nga chỉ có cách là trở lại các thị trường nợ quốc tế để vay mượn và để có thể làm được điều đó Nga cần sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nga rơi vào khủng hoảng do sự sụt giảm mạnh của giá dầu vào năm ngoái, kết hợp với các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và những cáo buộc liên quan tới tình hình Ukraine, gây ra sự trượt giá của đồng ruble.
Lòng tin đã được cải thiện trong vài tháng qua, nhờ thỏa thuận hòa bình ở Ukraine và sự phục hồi của giá dầu. Nhờ đó, đồng ruble đã tăng hơn 20% giá trị so với đồng USD trong năm nay, trong khi thị trường trái phiếu và cổ phiếu cũng phục hồi. Tuy nhiên, nếu nói Nga đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì hãy còn quá sớm.
Vấn đề căn bản là giá dầu, nguồn thu chính của Nga, vẫn thấp đáng kể so với mức mà chính phủ căn cứ vào khi tính toán ngân sách cho ba năm tới. Tình hình còn bị làm trầm trọng thêm khi các biện pháp trừng phạt đã cô lập Nga khỏi các thị trường nợ quốc tế, trong khi nguồn tín dụng trong nước cũng không dồi dào.
Cho đến nay, Nga đang dùng đến quỹ dự trữ nhưng nguồn tiền này đang vơi đi nhanh chóng. Với 75 tỷ USD hiện nay, Bộ Tài chính Nga ước tính phần lớn trong số này sẽ được sử dụng trong hai năm tới.
Theo: Báo Tin Tức