Nga “đáng nể” trong mắt Mỹ-NATO: Tấn công tầm xa chính xác, khống chế khu vực

Hiện nay Nga sở hữu một lực lượng vũ trang đáng nể với các vũ khí "thông thường" hùng mạnh, Nga không còn phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân như yếu tố răn đe duy nhất. Sắp tới, quân đội Nga sẽ có khả năng thực hiện các đòn tấn công chính xác tầm xa, đồng thời duy trì khả năng tấn công ồ ạt vào từng khu vực
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 mang tên lửa hành trình Kh-32 của Nga từng tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 mang tên lửa hành trình Kh-32 của Nga từng tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Gần đây, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ đã diễn ra cuộc thảo luận về chủ đề "Quân đội Nga vào năm 2035”. Tham gia có nhà khoa học chính trị Mỹ và chuyên gia về Nga Michael Kofman, chuyên gia phân tích Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển Thomas Malmlof, giám đốc chương trình Nga và Âu-Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Olga Oliker.

Các nhà phân tích nước ngoài lưu ý rằng, diện mạo tương lai của lực lượng vũ trang Nga phụ thuộc vào tốc độ khai thác những nghiên cứu vũ khí mới trong nước. Tuy nhiên, rõ ràng Nga đang hiện đại hóa thành công quân đội của mình, nhà báo quân sự Nga Ilya Plekhanov phân tích trên Sputnik.

Hôm nay, quân đội Nga đang tiếp tục thừa hưởng thành tựu các "sản phẩm dự trữ" công nghệ quân sự của Liên Xô. Các tên lửa Kalibr hay Iskander được khởi động thiết kế dưới thời Liên Xô (và như thực tế cho thấy chúng không hề lỗi thời). Nhưng đến năm 2035 các trang bị vũ khí khí tài của Nga sẽ phải hoàn toàn thuộc thế hệ mới. Theo thông tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, các thử nghiệm tên lửa mới cho hệ thống phòng không trên biển và mặt đất sẽ hoàn tất trong tương lai gần.

Công tác thử nghiệm chống tên lửa cho tổ hợp S-500 đang diễn ra. Trong thử nghiệm gần đây, nguyên mẫu tên lửa siêu thanh Zircon đã đạt tốc độ bay gấp tám lần tốc độ âm thanh. Tổ hợp không quân tầm xa tương lai PAK DA bắt đầu được thiết kế dự kiến chuyến bay đầu tiên vào khoảng năm 2025-2026). Trong quý IV năm 2017 sẽ khởi động chế tạo các động cơ mới cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (PAK FA). Theo kế hoạch, động cơ sẽ được kiểm tra thử nghiệm cấp nhà nước vào năm 2020. Với động cơ mới, PAK FA sẽ là cỗ máy mới hiện đại và đáng gờm.

"Tổng quan phân tích những khả năng của PAK FA mà tôi được đọc chứng tỏ tiêm kích của Nga, ít nhất sẽ tương đương và theo một số chuyên gia, thậm chí sẽ vượt trội các máy bay Mỹ thế hệ thứ 5", Trung tướng Dave Deptul, cựu giám đốc tình báo Không quân Mỹ thừa nhận.

Các nhà phân tích phương Tây tin, ông Ilya Plekhanov tiếp tục viết, trong tương lai Nga sẽ tập trung vào vũ khí tầm xa: các tên lửa và đạn chính xác cao. Theo Michael Kofman, Nga muốn duy trì chiến lược "phòng ngừa thông qua đe dọa đòn trả đũa”. Đối phương tiềm năng nên biết rằng, khi bị tấn công Nga sẽ phản ứng từ khoảng cách lớn tới các chủ thể nằm trên lãnh thổ của họ. Thậm chí, Nga không nhất thiết sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Kết luận như vậy là có căn cứ. Chẳng hạn, tập đoàn "Vũ khí tên lửa chiến thuật" đang chế tạo các tên lửa tầm xa mạnh hơn Kalibr. Tên lửa có cánh tầm xa Kh101 được nâng cấp phạm vi hoạt động và độ chính xác. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 hiện đại hóa với động cơ và máy móc mới có thể mang những tên lửa như vậy.

Chiến hạm hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công phiến quân Syria
Chiến hạm hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công phiến quân Syria

Các máy bay không người lái và robot quân sự là một hướng phát triển quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội Nga. Theo Michael Kofman, cho đến nay Nga đang chủ động bắt kịp với phương Tây về các drone. Tuy nhiên, Nga không tập trung vào các loại có kích thước lớn mà chú trọng những thiết bị giá rẻ và đa dạng phục vụ Lục quân — những hệ thống hướng dẫn và nhắm mục tiêu hiệu quả giúp tổ chức các trận pháo kích tên lửa ồ ạt.

Về các robot, nhà phân tích Thụy Điển Thomas Malmlof dự đoán tới năm 2035 tăng Armata sẽ biến thành robot, modul súng máy Arbalet-DM trở thành vũ khí chiến đấu điều khiển từ xa.

Bên cạnh đó, Thomas Malmlof lưu ý rằng, Nga đang tích cực đầu tư vào cả các phương tiện chiến tranh điện tử và hoạt động mạng. Người Mỹ từ lâu đã coi đó là mối đe dọa rất nghiêm trọng. Trong biên chế quân đội Mỹ đã xuất hiện Cục Phản ứng nhanh có nhiệm vụ đối đầu với Nga trong lĩnh vực chiến tranh điện tử và hoạt động tấn công mạng. Những người tham gia thảo luận đã thừa nhận: Nga không thua kém phương Tây trong hoạt động mạng quân sự.

Tóm lại theo các chuyên gia nước ngoài, hiện nay Nga sở hữu một lực lượng vũ trang đáng nể với các vũ khí "thông thường" hùng mạnh, Nga không còn phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân như yếu tố răn đe duy nhất. Vũ khí chính xác cao chưa là "sở trường" của Nga, nhưng được người Nga đưa vào học thuyết quân sự. Tới năm 2035, quân đội Nga sẽ có khả năng thực hiện các đòn tấn công chính xác tầm xa, đồng thời duy trì khả năng tấn công ồ ạt vào từng khu vực”, nhà báo quân sự Ilya Plekhanov kết luận.