Sau khi bắt đầu các hoạt động quân sự ở nước láng giềng Ukraine vào sáng ngày 24 tháng 2, nhiều tuyên bố khác nhau liên quan đến thành công của các lực lượng Nga trong 72 giờ đầu tiên đã được đưa ra. Ukraine là một trong những quốc gia có vùng lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu nếu tính theo diện tích đất liền, bằng 169% diện tích đất liền của Đức.
Ukraine là quốc gia duy nhất ở châu Âu ngoài Belarus vẫn còn sử dụng loại máy bay chiến đấu cũ kỹ như Su-27 và Su-24, cũng như những mẫu xe tăng T-64 lỗi thời. Các nguồn tin chính phủ Ukraine và các phương tiện truyền thông phương Tây đã tuyên truyền rộng rãi rằng Quân đội Nga đang thất bại ở Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế những thành quả mà Nga đang đạt được sau 72 giờ kể từ khi bắt đầu chiến dịch là rất đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với các chiến dịch tương tự mà các quốc gia khác từng thực hiện.
Máy bay MiG-29 của Ukraine bị bắn hạ trong cuộc tấn công tên lửa (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Đáng chú ý là Nga không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại Ukraine như trường hợp các cuộc can thiệp của phương Tây nhắm vào Iraq hoặc Nam Tư. Điều này được cho là bởi Nga tin tưởng vào sức mạnh của lực lượng không quân có thể giúp Moscow chiếm được ưu thế trong cuộc chiến một cách nhanh chóng, cũng như khả năng của lực lượng mặt đất trong việc chống lại quân đội Ukraine. Sức mạnh của quân đội Nga đã được kiểm chứng trong các nỗ lực chống nổi dậy ở Syria.
Bên cạnh việc có sức mạnh quân sự vượt trội, một yếu tố quan trọng khác giúp Nga chiếm ưu thế trong cuộc chiến đó chính là việc các vũ khí quân sự mà Ukraine sở hữu đã quá lỗi thời. Kho vũ khí của Ukraine đã không có bất kỳ sự nâng cấp nổi bật nào từ thời Liên Xô. Bằng chứng là quân đội nước này vẫn sử dụng các mẫu xe tăng cũ kỹ T-64B và T-72A, đây là những dòng xe tăng được sản xuất từ những năm 1970. Lực lượng Không quân của Ukraine cũng không khá khẩm hơn là mấy khi họ chủ yếu sử dụng các loại máy bay chiến đấu MiG-29, Su-27 và Su-24 đã bị lực lượng Không quân Nga loại bỏ khỏi biên chế từ lâu. Các hệ thống phòng không của Ukraine là S-300PS/PT và BuK-M1 đã quá lỗi thời khi chúng được phát triển và sản xuất từ những năm 1980. Năng lực yếu kém của các lực lượng Ukraine đã buộc họ phải dựa vào tên lửa đất đối không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin với khả năng 'bắn và quên' do Mỹ cung cấp.
Điều đặc biệt đáng chú ý là các lực lượng Nga vẫn chưa sử dụng hết 100% sức mạnh quân sự của mình. Một ví dụ đáng chú ý là việc các lực lượng Nga mới chỉ triển khai xe tăng T-72B3 để đối đầu với các lực lượng Ukraine, trong khi những mẫu xe tăng tiên tiến khác của Nga là T-90M và T-80U vẫn chưa được sử dụng.
Hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1A của Nga (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Nếu loại bỏ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho dân thường, thì cuộc tiến công của Nga được cho là còn có tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần. Bất chấp những yếu tố này, lực lượng quân đội Nga cũng chỉ mất 48 tiếng để phong tỏa các khu vực ngoại ô Kiev. Câu hỏi được đặt ra là liệu Nga có triển khai các loại vũ khí nguy hiểm hơn như hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1A, xe BMPT-90 và tên lửa đạn đạo Iskander trong tương lai hay không? Một số ý kiến cho rằng, quân đội Nga có thể sử dụng các loại khí tài trên trong tương lai gần khi các cuộc xung đột ở các khu vực phía tây Ukraine nổ ra.
Theo Military Watch Magazine