Một số nhà bình luận đã chỉ rõ những tuyên bố đưa Mỹ thoát khỏi các cuộc chiến tranh bất tận của tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc bầu cử là bằng chứng cho sự thay đổi chính sách khi ông được bầu. Thậm chí một số người còn đưa ra giả thuyết rằng những lời lẽ cứng rắn sau cuộc bầu cử của ông Trump là lớp vỏ ngụy trang cho các thỏa thuận thực sự của ông với Nga và Trung Quốc.
Những quan điểm như vậy đã lờ đi lịch sử lâu đời của các chính sách đối ngoại của Mỹ, và sự thật là bất kể ai làm chủ Nhà Trắng thì những chân lý chắc chắn vẫn không thay đổi. Quan trọng nhất trong số đó là duy trì quyền bá chủ của Mỹ, và việc sẵn sàng sử dụng vũ lực để đảm bảo sự trường tồn của nước Mỹ. Những sự kiện gần đây đã khẳng định mạnh mẽ sự thật về các chính sách đối ngoại của Mỹ.
Một tổ chức gọi là Mạng lưới báo cáo điều tra Balkan (BIRN) đã tiết lộ kết quả của một cuộc điều tra mở rộng về các nhóm khủng bố khác nhau ở Syria. Và đặc biệt còn chỉ rõ bằng cách nào và từ đâu mà lực lượng khủng bố nhận được nguồn vũ khí và đạn dược tưởng như vô tận này.
Theo tiết lộ của cuộc điều tra, các vũ khí và đạn dược mà những kẻ khủng bố sử dụng là do CIA và Lầu Năm Góc chuẩn bị bằng cách sử dụng hai kênh đặc biệt gồm Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt (SOCOM) và một công ty cung cấp vũ khí ít tên tuổi tên là Picatinny Arsenal, có trụ sở tại New Jersey, Mỹ.
Vũ khí được mua ở một số nước Đông Âu là thành viên NATO, và tất cả số vũ khí đều được mô tả là "không tiêu chuẩn", một từ NATO dùng để nói về vũ khí sản xuất ở Đông Âu, chủ yếu là ở Nga và Cộng hòa Séc. Những nguồn không phải Mỹ này giúp Mỹ có thêm lý do phủ nhận khi vũ khí của lực lượng khủng bố bị thu giữ.
Sau đó, vũ khí được vận chuyển tới Syria, thông qua một mạng lưới buôn bán vũ khí, các công ty vận tải biển, các căn cứ quân sự của Mỹ và một hãng hàng không của Bulgaria tên là Silk Way Airlines. Theo các điều khoản trong Hiệp ước Thương mại Vũ khí của Liên Hợp Quốc, mà Mỹ đã ký kết nhưng không phê chuẩn, tên người dùng cuối cùng của tất cả vũ khí phải xuất hiện trên tất cả các giấy chứng nhận xuất khẩu. Không một giấy chứng nhận SOCOM nào nêu tên bất cứ một quốc gia Trung Đông nào. Tuy nhiên, báo cáo của BIRN chỉ rõ đó chính xác là nơi vũ khí được chuyển tới.
Vũ khí và thiết bị quân sự liên quan thường được tàu vận chuyển tới các cảng thân thiết, hoặc được máy bay chở đến các căn cứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan rồi sau đó được vận chuyển bằng đường bộ tới khu vực của các nhóm khủng bố.
Vào tháng 7/2017, ông Trump đã ra lệnh cho CIA ngừng cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố ở Syria. Sự chấm dứt chương trình này, được biết đến với tên Chiến dịch Sycamore, đã được hoan nghênh vào thời điểm đó như là một dấu hiệu cho thấy chính sách đối với Syria của Mỹ đã thay đổi. Tuy nhiên, chương trình này chỉ đơn giản là được tiếp tục dưới nhiều chiêu bài khác nhau và sử dụng những kênh vận chuyển khác nhau, mà Silk Way Airlines chỉ là một trong số đó.
Vào tháng 9/2017, ông Trump cũng tuyên bố sẽ nới lỏng những hạn chế đối với các công ty tư nhân xuất khẩu vũ khí. Hệ quả chủ yếu của sự thay đổi chính sách này là khiến việc bắt Mỹ phải chịu trách nhiệm về xuất khẩu và sử dụng vũ khí cuối cùng trở nên khó khăn hơn nhiều. Việc tư nhân hóa buôn bán vũ khí là một phần của quá trình tư nhân hóa tổng thể lực lượng quân sự, bao gồm việc sử dụng rộng rãi các "nhà thầu" mà trong nhiều trường hợp, ví dụ như Afghanistan, đông hơn hẳn lực lượng quân chính quy.
Diễn biến quan trọng thứ hai, cũng không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây, là cuộc tấn công của lực lượng khủng bố vào quân cảnh Nga ở một khu vực giảm leo thang của Syria. Sự việc này xảy ra tại một khu vực nằm ở phía đông bắc của thành phố Hama. Song không có gì đáng ngạc nhiên khi những phần tử khủng bố vi phạm các thoả thuận được ký kết bởi các bên.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phản ứng thẳng thừng của các chỉ huy quân đội Nga. Lãnh đạo Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga, Thượng tướng Sergei Rudskoi đã tuyên bố: "Cuộc tấn công là do các cơ quan tình báo Mỹ khởi xướng để ngăn chặn bước tiến của quân đội chính phủ ở phía đông Deir Ezzor".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cũng đưa ra một tuyên bố tương tự. Ông nói rằng Nga nghi ngờ lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn thông đồng với các phần tử khủng bố IS hơn là chiến đấu với chúng. Ông tuyên bố lực lượng SDF đã hai lần tấn công quân đội Syria và Nga ở Deir Ezzor bằng súng cối và tên lửa, và "hỏa lực từ các vùng do SDF kiểm soát sẽ bị dập tắt bằng tất cả các phương tiện cần thiết".
Một phản ứng thẳng thừng như vậy là dấu hiệu cho thấy Nga ngày càng thất vọng với sự hai mặt của Mỹ, được minh hoạ qua việc Mỹ tiếp tục trang bị vũ khí cho những kẻ khủng bố như đã nêu ở trên, và tích cực tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại quân đội Syria và đồng minh Nga. Trên mặt trận ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã củng cố các thông điệp của Rudskoi và Konashenkov bằng cách nhắc cả thế giới nhớ rằng tất cả các lực lượng của Mỹ và đồng minh có mặt tại Syria là trái với luật pháp quốc tế.
Xem xét đến việc các lực lượng Nga hoạt động cùng đồng minh Syria, và lực lượng đặc nhiệm SOCOM của Mỹ có liên quan với SDF, ông O'Neill cho rằng có một nguy cơ rõ ràng về các cuộc xung đột gây thương vong, với những hậu quả chính trị kèm theo.
Những cảnh báo đe dọa của Nga đã nêu bật điều từ lâu đã được biết đến nhưng lại hiếm khi được ám chỉ trên các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây. Đó là IS, SDF và Mỹ đang hợp tác tại Syria để lật đổ chính phủ Syria. Bằng chứng khác về sự hợp tác này chính là các bức ảnh chụp từ vệ tinh được Nga công bố gần đây. Ảnh chụp cho thấy các lực lượng của Mỹ và SDF di chuyển tự do trong các khu vực bị IS kiểm soát mà không hề sợ hãi hay bị cản trở.
Điều này cũng được nhắc đến trong tuyên bố của Konashenkov khi ông phát biểu rằng Nga đã phát hiện việc SDF di chuyển từ Raqqa tới Deir Ezzor để hợp lực với các phần tử khủng bố IS. Theo dữ liệu hình ảnh và thông tin từ các máy bay không người lái và cơ quan tình báo của Nga, ông nói, "chưa ghi lại bất kỳ cuộc đối đầu nào" giữa IS và "lực lượng thứ ba", nghĩa là SDF.
Theo ông O'Neill, mặc dù ông Trump và các nhà lãnh đạo phương Tây khác được cho là đã phủ nhận thay đổi chế độ là một mục tiêu ở Syria, rõ ràng chính sách này chỉ đơn thuần được hoãn lại trong khi các lựa chọn khác được thực hiện.
Mục tiêu chính trong bối cảnh này là nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm giành quyền kiểm soát các mỏ dầu ở phía đông Deir Ezzor. Đây là một trong những nguyên nhân đằng sau các vụ tấn công của các lực lượng do Mỹ lãnh đạo vào quân đội chính phủ Syria cùng đồng minh Nga và Iran.
Lãnh thổ phía đông của Deir Ezzor có mỏ khí đốt Koniko và mỏ dầu Azbeh, cả hai đều có vai trò quan trọng với sự phục hồi của Syria sau chiến tranh. Chúng cũng quan trọng với một quốc gia tự trị của người Kurd được thành lập trong khu vực. Điều này sẽ giúp thực hiện mục tiêu từ lâu của Israel, đó là chia cắt các nước láng giềng thù địch, Iraq và Syria thành các tiểu nhà nước không gây nguy hiểm. Đó là lý do tại sao lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn cũng đang tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở khu vực lãnh thổ phía đông của Syria.
Một yếu tố quan trọng khác ở khu vực phía đông của sông Euphrates là nơi đây ở trung tâm của tuyến đường bộ kết nối Damascus với Baghdad và Teheran. Một khi được thành lập, tuyến đường này sẽ giữ vai trò quan trọng kết nối Iraq và Syria với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong đó Iran có vai trò then chốt.
Những diễn biến này có tiềm năng làm biến đổi vai trò của ba nước này, cộng thêm Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của việc thay đổi thái độ với phương Đông là liên kết với cả Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Điều này thể hiện sự định hình lại địa chính trị chủ yếu ở Trung Đông. Không mấy ngạc nhiên khi Mỹ đang liều mạng chiến đấu để đảo ngược vai trò đang giảm dần của mình ở khu vực. Mỹ dường như sẵn sàng chịu nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga để làm như vậy. Và đó là viễn cảnh liên quan tới tất cả chúng ta, ông O'Neill khẳng định.