Nền kinh tế "mất đà" tăng trưởng
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh, Anni Li, một nữ cử nhân 25 tuổi đến từ tỉnh Sơn Đông cho hay năm nay là năm tồi tệ nhất để đi kiếm việc làm ở Trung Quốc, thậm chí khó hơn nhiều so với giai đoạn đại dịch COVID-19.
“Tôi đã đi xin việc suốt nửa năm nay. Tôi thực sự kiệt sức trong khi vẫn chưa kiếm được công việc nào”, Li nói. Cô cũng cho biết thêm, ngay cả khi tìm được công việc, mức lương cho công việc văn phòng vẫn không đủ để sống.
5 năm trước, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng đáng kể để giúp cho nhiều sinh viên mới ra trường kiếm được công việc tốt. Nhưng giờ triển vọng việc làm đã suy giảm do đà phục hồi kinh tế không thể bứt phá mặc dù đã trải qua 6 tháng kể từ khi chính quyền Bắc Kinh gỡ bỏ chính sách zero-COVID.
Theo dữ liệu mới được công bố, sản lượng và lợi nhuận công nghiệp, doanh số bán bất động sản và tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 và đầu tháng 5 đều thấp hơn so với những con số dự báo mà giới phân tích đưa ra. Điều này khiến cho niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm.
Động lực tăng trưởng chậm lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường, trong đó giá các loại hàng hóa như quặng đồng và quặng sắt sụt giảm, chứng khoán giảm và đồng NDT suy yếu so với đồng USD. Chi tiêu tiêu dùng, ban đầu tăng mạnh sau khi các biện pháp kiểm soát do COVID-19 được nới lỏng vào đầu năm nay, giờ cũng giảm do viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
“Lòng tin là một vấn đề lớn”, Hui Shan, trưởng kinh tế gia đến từ Goldman Sachs, cho hay. “Đối với người tiêu dùng, họ lo lắng về tương lai và không thực sự muốn tiêu tiền. Đầu tư trong khu vực tư nhân cũng đang suy yếu. Khi nói chuyện với các doanh nghiệp, họ vẫn do dự khi đem tiền đầu tư”.
Những diễn biến trên xuất hiện chỉ vài tháng sau khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng hướng tiếp cận hài hòa hơn, nhằm tăng cường lòng tin của doanh nghiệp và khởi động lại nền kinh tế đã bị hạn chế sau 3 năm đối mặt với đại dịch.
Viễn cảnh ảm đạm
Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra dự báo tăng trưởng cẩn trọng sau kết quả đáng thất vọng trong năm trước, khi nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng 3% - con số thấp nhất trong nhiều thập kỷ, do tác động của các biện pháp phong tỏa, khủng hoảng thị trường bất động sản và hạn chế di chuyển.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc có một khởi đầu thuận lợi hơn trong năm nay, với GDP tăng 4,5% trong quý đầu tiên nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu và doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, triển vọng tăng trưởng đã suy yếu, đặc biệt là trên thị trường bất động sản với nhiều dấu hiệu mong manh. Doanh số bán hàng trong tháng 4 giảm 63% so với năm 2019, sau mức giảm 95% trong tháng 3, theo công ty nghiên cứu Gavekal.
Khủng hoảng bất động sản đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng công nghiệp. Dữ liệu trong tháng 4 cho thấy sản lượng công nghiệp đã suy giảm so với con số đã được điều chỉnh yếu tố mùa vụ năm 2019 khi nhu cầu xi măng, thủy tinh và các loại hàng hóa khác sụt giảm. Tiêu dùng hộ gia đình, một trong những động lực chính của đà phục hồi, cũng suy yếu.
Động lực tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ, hiện đã lên mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng trước.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi đang trở thành một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng bức tranh tổng thể về thị trường lao động lại có khởi sắc, theo các nhà kinh tế học.
Tỷ lệ thất nghiệp toàn phần đã giảm xuống còn 5,2% trong tháng 4; trong đó tỷ lệ có việc làm của lao động nhập cư, lực lượng lấp đầy các xưởng sản xuất ở Trung Quốc, tăng 3,1% trong quý đầu tiên của năm nay nếu so với giai đoạn trước đại dịch, theo Citi.
Một số nhà phân tích cho rằng, khi thị trường việc làm rộng lớn đang được củng cố, thị trường tiêu dùng và bất động sản sẽ bứt tốc trong những tháng tới.
“Động cơ phục hồi tiêu dùng vẫn nguyên vẹn - thị trường lao động khởi sắc sẽ làm tăng thu nhập, từ đó tăng tiêu thụ hộ gia đình trong những quý tới”, ông Gavekal nhận định.
Cần biện pháp kích thích?
Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu sự trì trệ trong tăng trưởng gần đây chỉ là tình trạng nhất thời hay chính phủ cần phải vào cuộc và tăng cường biện pháp hỗ trợ; theo Robin Xing, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đến từ Morgan Stanley, nhận định.
Xing nói rằng giới chức Trung Quốc sẽ chờ đợi để theo dõi hoạt động sản xuất trong vòng 2 tháng trước khi đưa ra quyết định. Các biện pháp kích thích có thể được Bắc Kinh đưa ra dưới dạng tiền trợ cấp mua phương tiện, nới lỏng một số hạn chế đối với mua bất động sản và rót vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Giới chuyên gia dự báo, mục tiêu tăng trưởng 5% mà Trung Quốc đề ra cho cả năm 2023 vẫn có thể đạt được, do mức cơ sở thấp trong năm ngoái, thời điểm mà chính quyền phong tỏa Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, và nhiều thành phố khác trong suốt nhiều tháng liền.
Chính phủ sẽ không để cho đà tăng trưởng tụt xuống thấp hơn con số 5% - do điều này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp dài hạn và gây ra nhiều vấn đề xã hội – theo nhận định của ông Xing.
Dù cho định hướng chính sách có ra sao, 2023 vẫn là một năm ảm đạm đối với giới trẻ Trung Quốc. Những sự thay đổi trong ưu tiên của chính phủ - như chuyển hướng sang sản xuất phần cứng điện tử và kỹ thuật, và chuyển dịch khỏi các nền tảng tài chính và internet – đã làm thay đổi thị trường lao động và khiến nhiều sinh viên mới ra trường khó kiếm việc làm, theo giới phân tích.
Christina Liu, một sinh viên ở độ tuổi 20 đến từ tỉnh Hồ Nam và đang học tại Hong Kong, quyết định lấy bằng tiến sĩ sau khi không thể kiếm được việc làm với tấm bằng cử nhân của mình. Cô cho biết nhiều bạn bè của cô cũng không thể kiếm được việc làm hoặc phải thay đổi công việc.
“Một số bạn của tôi đã có ý định từ bỏ công việc hiện tại, nhưng họ không dám thực hiện nếu chưa có một công việc mới để thay thế”, Liu nói.
Du lịch giá rẻ: Thực trạng đằng sau đà phục hồi kinh tế không như kỳ vọng của Trung Quốc
Kỳ vọng vào những công việc “không có thực”, giới trẻ Trung Quốc thất nghiệp sau tốt nghiệp
Làn sóng các ngân hàng nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đang gia tăng
Theo Financial Times