Hội nghị thượng đỉnh NATO tại tổng hành dinh ở Brussel trong hai ngày 11 và 12/7 diễn ra khá căng thẳng. Với bản tính doanh nhân, tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu 28 nước đồng minh của Mỹ dành 2% GDP đóng góp cho ngân sách từ nay đến 2024. Quyết định này đã được thông qua cách nay 4 năm nhưng chỉ có 7 thành viên tôn trọng cam kết.
Theo phân tích của chuyên gia Pháp Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc viện nghiên cứu German Marshall Fund, Paris, Donald Trump cũng như Barack Obama «có lý» khi nhắc nhở đồng minh chia sẻ gánh nặng và tôn trọng lời minh ước như tên gọi của NATO.
Có điều, Donald Trump ăn nói thẳng thừng kiểu làm ăn khiến cho các đối tác như Đức, đóng góp ít so với sức mạnh kinh tế, bất bình. Đây là lần đầu tiên từ khi thành lập NATO cách nay 70 năm, sự ủng hộ của Mỹ được điều kiện hóa.
Câu hỏi đặt ra là thái độ của Donald Trump có làm cho NATO yếu hơn và vì sao tổng thống thứ 45 của Mỹ gây áp lực thô bạo với các chiến hữu?
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, nguyên là thủ tướng Ba Lan, phản pháo tổng thống siêu cường như sau: "Ông Trump ơi, ông không tìm đâu ra những người bạn tốt như chúng tôi". Ba Lan, một trong những tiền đồn của NATO ở biên giới phía đông, không những tăng ngân sách cho Liên Minh, mà còn chi thêm 4 tỷ USD mua vũ khí Mỹ.
Nhưng điều đáng chú ý hơn hết là về cơ cấu, NATO chuẩn bị thích nghi với một cuộc chiến giữa các siêu cường trong tương lai. Kế hoạch tái cấu trúc được xem là quan trọng nhất từ khi chiến tranh lạnh kết thúc: Tăng cường nhân sự cho các bộ tham mưu từ 6.800 lên 8.000 người.
Bộ chỉ huy hải quân Northwood tại Anh Quốc sẽ được cải tổ theo hướng bổ sung cho lực lượng NATO ở vùng bắc Đại Tây Dương, tiếp giáp với Nga. Một bộ chỉ huy điều phối được đặt tại Norfolk, Hoa Kỳ, để có thể nhanh chóng tăng viện khi cần thiết.
Các bộ chỉ huy lục quân và không quân cũng được cải cách và đặc biệt hơn hết là phối hợp với Liên hiệp Châu Âu cải thiện hệ thống tiếp liệu và vận chuyển quân đội nhanh hơn thay vì phải mất đến hai tháng mới có giấy phép chuyên chở vũ khí đi ngang nước Đức, hỗ trợ cho sườn đông.
Cuối cùng là lần đầu tiên NATO lập bộ tham mưu chiến tranh phức hợp, kết hợp mọi hình thức chiến tranh từ quy ước cho đến phi quy ước.
Cụ thể, từ nay đến 2020, NATO đủ sức khai triển chậm lắm trong vòng 30 ngày một lực lượng hùng hậu gồm 30 tiểu đoàn cơ động, 30 phi đoàn chiến đấu, 30 chiến hạm theo công thức 4x30. Sườn phía nam, vành đai Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lực lượng NATO hiện diện.
Cũng theo Alexandra de Hoop Scheffer, địa bàn hoạt động của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiếp tục mở rộng phục vụ lợi ích của Mỹ cho đến tận Afghanistan và Iraq. Vấn đề hóc búa hiện nay là làn sóng di dân.
Lợi ích của Mỹ không dừng ở đây. NATO còn giúp cho Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung Cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố... là những lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Nếu phân tích của Alexandra de Hoop Scheffer chính xác thì mục đích của Donald Trump là gây hoang mang cho đồng minh. Châu Âu càng sợ quân đội Mỹ rút lui, thì càng dễ nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ trên vấn đề thương mại.