Mỹ gài “bom nổ chậm” nguy cơ làm tan rã liên minh châu Âu

VietTimes -- Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu không đơn thuần là do người dân Bắc Phi-Trung Đông chạy lánh nạn mà còn là do tác động của một chiến dịch đã được hoạch địch rất bài bản. Theo Kelly Greenhill, cuộc khủng hoảng di cư có tác động tàn phá không kèm gì một thứ vũ khí chiến lược, thậm chí còn nguy hiểm không kém so với tên lửa hạt nhân có tầm phóng xuyên lục địa.
Châu Âu đang đối mặt với "quả bom nổ chậm" mang tên người nhập cư
Châu Âu đang đối mặt với "quả bom nổ chậm" mang tên người nhập cư

Chỉ vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh EU trong 2 ngày 28 và 29/6/2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng thừa nhận sự bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tị nạn có thể định đoạt số phận của Liên minh châu Âu (EU). Quả nhiên, cuộc khủng hoảng di cư là chủ đề chính và nóng nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Chỉ là giải pháp nửa vời

Sau hơn 10 giờ đàm phán cam go, các nhà lãnh đạo EU mới thống nhất được Tuyên bố chung của Hội nghị, trong đó đề ra các biện pháp hóa giải cuộc khủng hoảng di cư như thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung, hạn chế sự di chuyển của người tị nạn bên trong khối, mọi biện pháp di chuyển và tái định cư người tị nạn được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các nước thành viên, thắt chặt kiểm soát biên giới, tăng cường hỗ trợ tài chính cho một số nước Bắc Phi-Trung Đông để ngăn dòng người tị nạn đến châu Âu.

Xem ra, những biện pháp này có chăng chỉ giải quyết được phần nổi của “tảng băng chìm” có tên gọi là “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II”. Chính vì không đồng ý với các biện pháp được cho là “nửa vời” này mà Thủ tướng Đức Angela Merken mang về từ Hội nghị thượng đỉnh EU, ngày 1/7/2018 Bộ trưởng nội vụ và Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội-Cơ đốc giáo (CSU), ông Horst Seehofer, đã đệ đơn từ chức.

Phát biểu trước báo giới, ông Horst Seehofer cho biết cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó là “vô ích và vô tác dụng” vì những đề xuất mà bà đưa ra chưa phải là cách để hóa giải cuộc khủng hoảng tị nạn mà nước Đức đang phải đối mặt. Anatoli Vasserman, chuyên gia nghiên cứu chính trị Đức, nhận định rằng Thủ tướng Angela Merkel đã chi ra nhiều tỷ Euro để tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn mà hậu quả nhãn tiền là khủng bố và tội phạm ngày một gia tăng, còn những người dân Đức đóng thuế lại không nhận được lợi ích gì.

Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel tiến hành các biện pháp kiểm soát gắt gao biên giới và không tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong EU. Từ đó, ông cho biết sẽ thực hiện "kế hoạch tổng thể ngăn chặn làn sóng di dân" mà không cần sự chấp thuận của Thủ tướng Angela Merkel. Điều này khiến liên minh cầm quyền trên chính trường Đức đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nếu điều này xẩy ra sẽ có tác động như “quả bom nổ chậm” không chỉ sẽ hủy hoại sự nghiệp chính trị của bà Angela Merkel mà còn đặt EU trước nguy cơ chia rẽ ngày một sâu sắc, thậm chí là tan rã mà nguyên nhân sâu xa lại ở bền ngoài phạm vi châu Âu và ẩn dấu trong những toan tính của các thế lực trên thế giới sử dụng cuộc khủng hoảng di cư như một công cụ quản trị toàn cầu nhằm duy trì trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh lạnh [1].

Cuộc khủng hoảng di cư-công cụ thực hiện học thuyết “bất ổn có kiểm soát”

Sau Chiến tranh lạnh, khi kẻ thù ý thức hệ là Liên Xô không còn nữa, thế giới bước sang kỷ nguyên toàn cầu hóa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong đó ngay cả nước Nga-quốc gia kế thừa vị thế Liên Xô, cũng đã tình nguyện hội nhập vào nền văn minh phương Tây, thì khái niệm “kẻ thù” và “đồng minh” của Mỹ đã thay đổi theo nguyên tắc lợi ích quốc gia là vĩnh viễn và Washington không chấp nhận vị thế của bất cứ quốc gia nào thách thức lợi ích của Mỹ.

Vì thế mà không chỉ là Nga và Trung Quốc mà cả các đồng minh then chốt trong Chiến tranh lạnh như EU cũng trở thành đối tượng cạnh tranh của Mỹ. Điều này đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công khai với chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và phát động cuộc chiến tranh thương mại không chỉ với Trung Quốc và Nga mà còn với cả EU, Canada, Nhật Bản v.v.

Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay chứng kiến sự chia rẽ nội bộ chưa từng có giữa các đồng minh châu Âu với Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ do bất đồng trong vấn đề quan hệ với Nga mà còn nhiều vấn đề khác mà nghiêm trọng nhất là vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ với các thành viên khác.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích gay gắt quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu nhôm và thép của nước này và các thành viên khác của G-7 vào Mỹ với lý do an ninh quốc gia, còn các đồng minh khác của Mỹ  chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Avip tới Jerusalem và đặc biệt là đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với ba thành viên của G-7 là Đức, Pháp và Anh.

Trên trang Twitter cá nhân của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump không kìm được sự giận dữ: “Ngày nay, nếu không còn sự có đi có lại thì thương mại công bằng phải được gọi là thương mại ngu ngốc. Canada kiếm được tới 100 tỷ USD trong thương mại với Mỹ trong khi đó họ áp đặt mức thuế cao tới 270% đối với sữa nhập khẩu từ Mỹ. Ấy vậy mà khi người ta lưu ý tới tình hình này thì ông Justin lại phản ứng lại như thể bị tổn thương. Với cương vị là tổng thống Mỹ, tại sao tôi lại có thể cho phép các quốc gia tiếp tục có được thặng dư thương mại khủng khiếp với Mỹ như cách họ đã làm trong hàng thập kỷ qua trong khi những người nông dân, công nhân và những người phải đóng thuế tại Mỹ lại phải chịu mức giá không công bằng? Thật không công bằng với người dân Mỹ!”.

Ngoài vấn đề tranh chấp thương mại, Tổng thống Donald Trump còn nêu rõ sự bất công trong lĩnh vực an ninh, trong đó Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hầu hết các khoản chi phí quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, theo ông Donald Trump, EU  với 151 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ phải đóng góp nhiều hơn cho quân đội.

Có một bức ảnh nổi tiếng được một phóng viên Đức ghi lại cảnh tượng nguyên thủ 5 thành viên G-7 với khuôn mặt đầy thách thức đứng trước mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở trong tư thế ngồi ở ghế và khoanh tay nhìn lên, thể hiện rõ sự chia rẽ khó hàn gắn giữa họ. Nhận xét về ý nghĩa của bức ảnh này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova nói:“Không cần biết nguyên thủ các nước G-7 tranh luận những gì trong cánh cửa khép kín nhưng nhìn qua bức ảnh này thì thấy rõ họ đang chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc”.

Báo chí Mỹ và phương Tây tiết lộ chi tiết khá thú vị rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 lần này, trước “sức ép hội đồng” của các đồng minh châu Âu, đứng đầu là Thủ tướng Đức Angela Merkel,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc phải đồng ý ký Tuyên bố chung của G-7, rồi ông đứng dậy lấy 2 chiếc kẹo từ trong túi áo ra, ném lên bàn về phía Thủ tướng Đức Angela Merkel và nói: “Đây, Angela. Đừng nói là tôi chưa bao giờ cho bà cái gì nhé” [4].

Tổng thống Donald Trump không phải là người đầu tiên “tuyên chiến” với các đối tác cạnh tranh mà người tiền nhiệm Barack Obama đã từng tiến hành cuộc chiến này dưới một hình thức khác “tế nhị” hơn. Đó là, sử dụng một loại hình chiến tranh mới, được gọi là “chiến tranh phức hợp” (Hybrid War), trong đó phương tiện chiến tranh chủ yếu không phải là vũ khí nóng như trong chiến tranh truyền thống mà là các “phương tiện mềm” như cấm vận kinh tế, ngoại giao, chiến tranh thông tin-tư tưởng và văn hóa, trong đó khủng hoảng di cư chiếm một vị trí rất đặc biệt [5]. 

Theo kết quả nghiên cứu của Kelly Greenhill, chuyên gia thuộc Trung tâm khoa học và quan hệ quốc tế (Đại học Havard, Mỹ), được công bố tháng 3/2008 trong bài viết với tựa đề “Strategic Engineered Migration as a Weapon of War”. Công trình này đã đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi: làn sóng di cư có phải là một loại vũ khí chiến tranh? Khả năng sử dụng loại vũ khí này trong thời chiến và trong thời bình? Hiệu quả sử dụng sẽ như thế nào? Kết quả nghiên cứu chứng tỏ, hiệu quả sử dụng làn sóng di cư có giá trị và ý nghĩa như một loại vũ khí chiến lược. Được biết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế của Đại học Havard, ông Graham Tillett Allison, từng là trợ lí Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Bill Clinton.

Làn sóng di dân ồ ạt tràn vào châu Âu gây ra khủng hoảng
Làn sóng di dân ồ ạt tràn vào châu Âu gây ra khủng hoảng 

Theo Kelly Greenhill, cuộc khủng hoảng di cư có tác động tàn phá không kèm gì một thứ vũ khí chiến lược, thậm chí còn nguy hiểm không kém so với tên lửa hạt nhân có tầm phóng xuyên lục địa. Nhìn từ góc độ đó, cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở Châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 là sự thể hiện trong thực tế những kết luận rút ra từ các công trình nghiên cứu này [6,7]

Không phải ngẫu nhiên mà công trình này được công bố vảo năm 2008. Đó là thời điểm bùng phát cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đối với nước Mỹ. Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính như ban đầu giới phân tích kinh tế nhận định mà là cuộc khủng hoảng toàn diện về mô hình phát triển của nước Mỹ mà trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ứng cử viên Donald Trump từng công nhận [8].

Theo nhận định của giới phân tích chính trị quốc tế, nước Mỹ và thế giới đang ở trong giai đoạn phát triển được nhìn nhận là bước ngoặt lịch sử, trong đó trật tự thế giới đơn cực hình thành sau khi Liên Xô tan rã với Mỹ đóng vai trò siêu cường duy nhất chỉ còn lại là một khoảnh khắc của lịch sử do Washington đã phạm nhiều sai lầm chiến lược, khiến sức mạnh toàn diện của Mỹ bị suy giảm đáng kể. 

Trong điều kiện đó, để tiếp tục duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, các cố vấn chính trị hàng đầu ở Washington, đứng đầu là chuyên gia địa-chính trị kỳ cựu Zbigniew Brzezinski, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jimmy Cater, tác giả của kịch bản “không đánh mà thắng” dẫn tới sự tan rã Liên Xô thời Chiến tranh lạnh, tư vấn cho Nhà Trắng tạo ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu, không để cho các cường quốc mới nổi đang cạnh tranh với Mỹ như EU, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản v.v. có thể yên tâm hợp tác và làm ăn với nhau, chỉ còn lại nước Mỹ là “ốc đảo bình yên” [9].

Dựa trên cơ sở học thuyết tạo “bất ổn có kiểm soát”, sau khi lên cầm quyền từ tháng 1/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama có sự điều chỉnh chiến lược quan trọng, theo đó thay vì sử dụng sức mạnh quân sự để thiết lập quyền lãnh đạo thế giới như người tiền nhiệm G.W.Bush, ông đã sử dụng “quyền lực thông minh” để tạo ra tình trạng “bất ổn có kiểm soát” theo phương thức “lãnh đạo từ phía sau” hay là “chiến tranh qua tay người khác”.

Sự điều chỉnh chiến lược này được thể hiện rất rõ trong bài phát biểu rất nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đại học Cairo trong chuyến thăm tới Egypt tháng 5/2009, trong đó lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ tuyên bố:“Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo là bạn và sẽ cùng nhau thực hiện một sự khởi đầu mới”[10]. Chỉ một năm sau, năm 2010, “sự khởi đầu mới” được thể hiện trong các biến động chính trị-xã hội bùng phát từ Tunisia, sau đó lan tỏa sang nhiều nước Bắc Phi-Trung Đông khác như Egypt, Yemen, Libya, Syria, Mali v.v. nhằm tạo ra tình trạng “bất ổn có kiểm soát” mà một trong những hậu quả tất yếu là tạo ra làn sóng di cư bất hợp pháp và ồ ạt từ Bắc Phi-Trung Đông sang châu Âu.

Từ những quốc gia đang phát triển bình thường, thậm chí là rất thịnh vượng như Libya, Tunisia hay là Syria và bước đầu hội nhập thành công vào một thế giới đang thay đổi, thì sau khi trải qua “Mùa xuân Arab” những nước này đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa và an ninh, buộc hàng triệu người dân phải rời bỏ quê hương xứ sử để tìm chốn nương thân, trước hết là tới châu Âu-nơi lâu nay được coi là “miền đất hứa”. Cựu Tổng thống Libya, ông Muammar Gaddafi, đã từng cảnh báo rằng, việc các  nước NATO tiến hành chiến tranh nhằm vào Libya chẳng khác gì phá vỡ “con đê” ngăn chặn làn sóng di cư từ các nước Bắc Phi-Trung Đông tới châu Âu. Lời cảnh báo đó về sau đã ứng nghiệm [11,12,13].

Gây ra cuộc khủng hoảng di cư, Mỹ muốn gì?

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu không đơn thuần là do người dân Bắc Phi-Trung Đông chạy lánh nạn mà còn là do tác động của một chiến dịch đã được hoạch địch rất bài bản và do các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ và Anh tổ chức thực hiện thông qua các trang mạng xã hội như Facebool, Twitter và tài trợ nhằm nhiều mục tiêu chiến lược.

Để thực thi chiến dịch này, một mặt Mỹ núp dưới chiêu bài thực hiện “chiến lược toàn diện chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)” để tấn công tàn phá hạ tầng cơ sở dân sinh của Syria và Iraq, gây ra những khó khăn kinh tế trầm trọng, mặt khác sử dụng IS tổ chức hàng loạt vụ khủng bố tàn bạo nhất để tạo ra trạng thái hoảng loạn trong dân chúng, buộc họ phải chạy ra nước ngoài lánh nạn. Chiến lược này nhằm nhiều mục đích.

(1) Gây khó khăn cho các nước Bắc Phi-Trung Đông. Bằng cách sức tuyên truyền về tính hấp dẫn của thị trường châu Âu để thu hút và lôi kéo hàng ngàn doanh nhân ở các nước Bắc Phi-Trung Đông, trước hết là Libya và Syria, từ bỏ hoạt động kinh doanh ở quê nhà, ồ ạt chạy ra nước ngoài. Vừa đang muốn chạy lánh nạn khủng bố, vừa bị cuốn hút bởi sự “hấp dẫn” của thị trường châu Âu, hàng ngàn doanh nhân Libya và Syria bán hết tài sản trong nước và bỏ chạy khỏi đất nước, để lại hậu quả rất nặng nề và tạo ra muôn vàn khó khăn đối với chính quyền sở tại  tại trong những nỗ lực ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Vì thế, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực khỏe mạnh để tổng động viên vào Quân đội. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chính phủ Syria không thể huy động đủ nhân lực để tăng cường sức mạnh quốc phòng trước sức ép ngày càng lớn và khẩn cấp từ phía các tổ chức khủng bố.

(2) Thông qua cuộc khủng hoảng di cư hình thành một tầng lớp bần cùng đông đảo mới gồm những người dân nghèo khổ, gây nguy hiểm cho tương lai của nhiều thế hệ, đẩy họ vào con đường chạy theo các tổ chức cực đoan. Trong điều kiện đó, Libya trở thành nơi chứa chấp khủng bố và là trung tâm buôn bán nô lệ lớn nhất trong thế kỷ 21. Syria, Iraq và Libya phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể sự phát triển trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, và an ninh lương thực, gần 80% người Syria đã rơi vào cảnh nghèo đói, 9,8 triệu người trong tình trạng không an toàn thực phẩm và khoảng 2 triệu trẻ em không được giáo dục.

(3) Đối với bên tiếp nhận là các nước châu Âu, các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ và Anh lợi dụng nhu cầu nhân lực rất lớn của các nước châu Âu để lôi kéo các nước này đón nhận người nhập cư với số lượng lớn. Hầu hết các chuyên gia phân tích kinh tế đều có chung nhận định rằng châu Âu cần tiếp nhận hàng triệu người nhập cư trẻ và có tay nghề để giải quyết cuộc khủng hoảng suy giảm nhân khẩu nhằm khôi phục tốc độ tăng trưởng. Chỉ tính riêng nước Đức đã cần tới gần nửa triệu nhân lực như vậy.

Vì thế, ban đầu Đức là quốc gia hồ hởi nhất trong việc tiếp nhận người nhập cư. Để thôi thúc các nước châu Âu nhận người nhập cư, các phương tiệu truyền thông ở Mỹ dàn dựng hình ảnh một em bé Syria bị chết thảm trên đường đi sang châu Âu để tác động vào cái gọi là “các giá trị văn minh châu Âu”, buộc các nước trên châu lục này ra tay đón nhận người nhập cư. Tuy nhiên, sau đó các nước châu Âu mới biết cảnh tượng “em bé Syria” được dàn dựng và phải cay đắng nhận thấy  rằng đón nhận người di cư là “con dao hai lưỡi”.

(4) Cài cắm các lực lượng khủng bố vào dòng người di cư để tổ chức các toán biệt kích phá loại ngầm ngay trong lòng các nước châu Âu, biến châu lục này thành trung tâm tuyển mộ và huấn luyện khủng bố,  vừa để phá hoại các nước trên châu lục này từ bên trong, vừa tung vào hoạt động phá hoại trên lãnh thổ các nước trong không gian hậu xô-viết, trong đó mục tiêu hàng đầu cần phá hoại là Nga. Chính vì thế, khi phát động chiến dịch chống IS ở Syria, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, cần đánh phủ đầu lực lượng này khi chúng chưa đụng chạm tới mước Nga.

(5) Mượn cớ phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận hàng trăm ngàn người di cư cho Ukraine và coi đó như một điều kiện để gia nhập EU, Mỹ và NATO phối hợp với chính quyền Kiev tuyển dụng các chiến binh khủng bố trà trộn trong số dòng người nhập cư để thành lập các đơn vị chiến đấu để tung vào khu vực đông-nam nước này nhằm thực hiện cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” mà thực chất là tiêu diệt các lực lượng dân quân và người dân Ukraine nói tiếng Nga ở khu vực này.

(6) Làm suy yếu chính các nước thành viên EU. Nhận định về tác động của làn sóng di cư, tạp chí Mỹ “Time” đưa ra kết luận gây sốc rằng, nếu cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa đủ làm tan rã liên minh này thì giờ đây, với cuộc di cư lớn chưa từng có này, “lục địa già” này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn với những tác động sâu sắc đối với văn hóa và kinh tế của châu lục. Bức tranh được vẽ nên bởi những người phản đối di cư cho thấy phần đông người tị nạn không có kỹ năng nghề nghiệp các nước châu Âu cần mà chỉ có tác dụng gia tăng gánh nặng an sinh xã hội. Nước Đức đã phải thuê thêm 3.000 nhân viên cảnh sát để ứng phó với những người tị nạn. Nước này cũng đã phải dành ra 6,7 tỷ USD để chăm sóc cho dòng người tràn vào, bao gồm nơi ở, các lớp học ngôn ngữ miễn phí, giáo dục và đào tạo việc làm cho tất cả những người di cư ở lại. David Miliband, cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là lãnh đạo Ủy ban giải cứu quốc tế, cảnh báo rằng EU đã hành động quá muộn trong cuộc khủng hoảng người tị nạn và giờ đây phải gánh chịu hậu quả mà không thể biết chắc được đến khi nào mới khắc phục được.  

(7) Buộc các nước châu Âu phải phụ thuộc an ninh vào Mỹ và phải chấp nhận các điều kiện của Washington trong các cuộc đàm phán về Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương TTIP (TheTransatlantic Trade and Investment Partnership) mà Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu hiện đang đàm phán bí mật để ký kết.

(8) Gây bất ổn trong nội bộ các nước châu Âu nhằm phá hoại chủ trương của các nước trên châu lục này cùng với Nga xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Brusell tới Vladivostock, nghĩa là trên toàn bộ lục địa Á-Âu, trên cơ sở liên kết Liên minh kinh tế Á-Âu theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin với Liên minh châu Âu. Ban đầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ chủ trương này của Tổng thống Nga V.Putin, nhưng sau đó dưới sức ép của Mỹ, bà đã phải từ bỏ chủ trương đó và cùng với các nước khác trong EU nghe theo Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh cấm vận nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina.

Giải pháp nào đề EU thoát khỏi vấn nận khủng hoảng di cư?

Giải pháp căn bản và lâu dài mà EU phải áp dụng nhằm triệt phá nguồn gốc gây ra làn sóng người tị nạn từ các nước Bắc Phi-Trung Đông đã từng được nhiều chính khách ở châu  và Nga đề ra nhưng không thực hiện được do EU vẫn chưa thoát khỏi “vòng kim mô” từ Mỹ.

Phát biểu tại Diễn đàn Đại Hội đồng LHQ ngày 25/9/2015 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này, Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi các nước trên thế giới tập hợp dưới ngọn cờ của LHQ để thành lập liên minh chống khủng bố ở Iraq và Syria. Theo ông, chủ nghĩa khủng bố được một số thế lực trên thế giới bao che, ủng hộ là nguồn gốc gây ra tình trạng bất ổn hiện nay trên thế giới và do đó cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực để hóa giải.

Rất tiếc là chỉ có một số ít nước và một số chính khách ở châu Âu  ủng hộ lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Nga. Vì thế, ngày 30/9/2015, Tổng thống Nga V.Putin buộc phải tuyên bố thành lập liên quân để tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Chủ trương của V.Putin nhận được sự ủng hộ của Iraq, Syria, Iran và lực lượng tình nguyện của Palestine. Trong khi đó, các nước châu Âu thay vì ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, lại gia nhập Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu trong khi liên minh này tiếp tục mượn cớ “chống khủng bố” để hiện diện quân sự lâu dài ở Syria và Iraq. Thậm chí, các nước châu Âu còn coi Nga là “nguy cơ xâm lược”. Đến nay, với sự giúp đỡ của Nga, Iran và lực lượng tình nguyện cuaur Palestine, tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng về cơ bản đã bị đánh bại ở Syria và Iraq.

Trong tình hình hiện nay, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các nước thành viên EU có thoát khỏi từ duy về “nguy cơ xâm lược từ Nga” để cùng với Matxcơva tiếp tục tiêu diệt khủng bố ở các nước Bắc Phi-Trung Đông và ngay trên sân nhà ở châu Âu?  

Một giải pháp khác được nêu ra trong Tuyên bố chung của EU tại hội nghị là tăng cường hỗ trợ tài chính cho một số nước Bắc Phi-Trung Đông để ngăn dòng người tị nạn đến châu Âu. Vấn đề còn lại là sự hỗ trợ này ở mức nào, hay chỉ là “muối bỏ biển”, hoặc chỉ có tính chất tượng trưng?

Cũng cần lưu ý là khi thành lập lực lượng can thiệp châu Âu theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các bên tham gia dự kiến sẽ sử dụng lực lượng này để thành lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn ngay trên lãnh thổ của các nước Bắc Phi-Trung Đông nhằm ngăn chặn dòng người này đi sang châu Âu. Để thực hiện được chức năng này, các nước thành viên EU phải xóa bỏ được ấn tượng rất sâu sắc của chính quyền các nước Iraq, Libya hay Syria rằng châu Âu đang mượn cớ này để đưa lực lượng can thiệp vào chủ quyền quốc gia của họ.

Xem ra, sự bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tị nạn có thể định đoạt số phận của EU như nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel, vẫn chưa có cách nào hóa giải, trừ phi có một sự “kiện kinh thiên động địa” nào đó làm thay đổi căn bản cục diện chính trị quốc tế./.

Tài liệu tham khảo

[1]Старушка Европа закипает: Меркель довела ее до белого каления своими идеями и решениями.

[2] War and the Refugee Crisis: The Western Powers Which Bomb Enemy Nations Are Rejecting Their Refugees. https://www.globalresearch.ca/war-and-the-refugee-crisis-the-western-powers-which-bomb-enemy-nations-are-rejecting-their-refugees/5637634

[3]Refugee Crisis: Manufactured Migrants Are Tools in U.S. Empire’s ‘Grand Chessboard’. https://www.globalresearch.ca/refugee-crisis-manufactured-migrants-are-tools-in-u-s-empires-grand-chessboard/5596706

[4]Захарова рассказала об «адской драке» членов G7. https://vz.ru/news/2018/6/10/927259.html

[5] How the US, Under Obama, Created Europe’s Refugee Crisis. https://www.globalresearch.ca/how-the-us-under-obama-created-europes-refugee-crisis/5645304

[6] Strategic Engineered Migration as a Weapon of War. http://belfercenter.ksg.harvard.edu/publication/18120/strategic_engineered_migration_as_a_weapon_of_war.html

[7] Strategic Engineered Migration as a Weapon of War https://www.strategic-culture.org/news/2015/10/26/strategic-engineered-migration-as-weapon-of-war.html

[8]Donald Trump-sự lựa chọn lịch sử của nước Mỹ. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội, 2016

[9]Refugee Crisis: Manufactured Migrants Are Tools in U.S. Empire’s ‘Grand Chessboard’